Danh Nhân

Nguyễn Phan Chánh

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984): quê ở thôn Tiền bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ông lấy bút hiệu là Hồng Nam.

Nguyễn Phan Chánh
Nguyễn Phan Chánh

Nguyễn Phan Chánh sinh ra và lớn lên ở một miền quê văn hiến nhưng đó mảnh đất nghèo đang chịu ách áp bức của thực dân phong kiến. Mồ côi cha từ lúc 7 tuổi, hoàn cảnh gia đình, hiện trạng xã hội là cả một gánh nặng đặt lên đôi vai non trẻ của ông. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về hội hoạ, điều đó chẳng những nâng đỡ tinh thần ông mà nó còn trực tiếp cùng ông kiếm kế sinh nhai, nét vẽ tài hoa của ông về sau để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đậm tính dân tộc. Những năm tháng học chữ Hán và chữ Quốc ngữ ở quê nhà đã giúp ông làm quen với tinh thần hội hoạ phương Đông qua thi pháp trực hoạ ước lệ trên chữ Hán. Thời gian ở Huế đối với ông là cả một môi trường rộng lớn để tiếp cận với nghệ thuật từ kiến trúc lăng tẩm, Kinh đô đến tranh vẽ tường tranh khắc phong cảnh trên khắp cõi Nam trong đó có núi Hồng, sông Lam quê hương ông.

Năm 1925 được bạn bè khuyết khích Nguyễn Phan Chánh thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, gần một trăm thí sinh ông là người Trung Kỳ duy nhất lọt vào mắt ban giám khảo người Pháp, sau 5 năm theo học ông là một trong 10 thí sinh chính thức được lọc tuyển. Giàu vốn sống dân gian, ham học hỏi tình yêu nghệ thuật tha thiết nên chỉ ít năm sau khi được tiếp xúc những nguyên tác tranh lụa Trung Hoa, lụa Nhật Bản đã nhanh chóng khơi dậy trong ông nguồn cảm hứng sâu xa dòng nghệ thuật phương Đông. Những bức tranh lụa của ông đã thành công rực rỡ từ những năm 1931 với các tác phẩm như: chơi ô ăn quan, em cho chim ăn, rửa rau cầu ao,vv…, thời kỳ rực rỡ của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh bộc lộ tư chất phong tình của người Hà Tĩnh sớm hình thành xu hướng hiện thực trong từng tác phẩm lấy thân phận con người thời bấy giờ là mục tiêu biểu cảm.

Tác phẩm đầu tay tham gia đấu xảo quốc tế Pari đã đem lại vinh dự lớn lao cho tác giả và chính nó làm cho cái nhìn kỳ thị của người Pháp về tạo hình Việt Nam phải thay đổi sâu sắc. Bút pháp trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã làm được điều từ lâu nghệ thuật tạo hình Việt Nam chưa thực hiện được, thế giới biết nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam qua Nguyễn Phan Chánh. Sau khi ra trường mặc dù tên tuổi của ông đã có ảnh hưởng ra tận nước ngoài nhưng ở Đông Dương người ta chỉ xếp cho ông một chân dạy học trong trường Mỹ thuật, sau đó lại tìm cách thay chân ông bằng một người được lòng nhà chức trách Pháp.

Năm 1938 thuê phòng riêng trưng bày và một mình làm tất cả mọi việc để tổ chức triển lãm cá nhân, đây là cuộc triễn lãm để rồi chia tay Hà Nội trở về nông thôn tiếp tục vẽ những người nông dân bình dị thân quen trên quê hương ông. Mãi đến 17 năm sau khi hoà bình lập lại ở Miền Bắc ở tuổi 63 ông mới trở lại Hà Nội tiếp tục phát triển và sáng tạo dòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Cuộc đời làm tranh lụa của ông từ sau cách mạng tháng Tám mà đỉnh điểm từ 1955-1973 với một số lượng đánh kính nể: 58 bức tranh lụa và nhiều kí hoạ gói trọn trong 18 năm sáng tác ở tuổi 60-80. Tranh ông đại diện cho dòng lụa dân tộc suốt gần nửa thế kỷ. Nhiều triển lãm được khai trương là bài học bổ ích cho hội họa Việt Nam là tiếng nói cho nghệ thuật Việt Nam với thế giới.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam nửa thế kỷ, lịch sử mỹ thuật Việt Nam ghi nhận sự đóng góp lớn lao của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông đã đặt nền móng cho chất liệu lụa Việt Nam với bút pháp nhất quán độc lập suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Tên tuổi của ông đi vào mỹ thuật Việt Nam và thế giới giúp cho thế hệ sau này nhận chân dung của mình trong cái vô cùng của nghệ thuật.

Vanhoahatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP