Tin Hà Tĩnh

Nguyên Bí thư Hà Tĩnh: Khai thác mỏ sắt Thạch Khê là đi ngược lợi ích nhân dân

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu đánh giá việc triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của hàng vạn dân xung quanh.

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa đề nghị Chính phủ cho phép khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê. TKV cho biết số tiền tập đoàn này và các nhà đầu tư đã góp vào dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) tới nay là 1.800 tỷ đồng.

Chủ đầu tư đã triển khai, điều chỉnh dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền nhưng từ cuối năm 2011, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã phải dừng triển khai.

Trong văn bản gửi Chính phủ, TKV cho biết, tháng 2 năm nay, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030.

Vì thế tập đoàn này đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, khẳng định đã có đủ giải pháp để xử lý môi trường và hiệu quả kinh tế đối với dự án này.

Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh để có thêm góc nhìn.

Ông Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.


Thưa ông, chắc ông biết mới đây TKV có đề xuất tái khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê?

Ông Đặng Duy Báu: Tôi có đọc trên các phương tiện truyền thông, đại diện CTCP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long (một nhà đầu tư - PV) cũng có tới nói với tôi về điều này.

Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình nếu mỏ sắt Thạch Khê được tái khởi động?

Ông Đặng Duy Báu: Câu chuyện này không còn mới, bởi TKV đã nhiều lần có văn bản trình Chính phủ xin được tái khởi động mỏ sắt. Tuy nhiên, việc này không phải nói là làm được ngay, vì Chính phủ còn chờ ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và Bộ chính trị. Còn từ góc độ địa phương, Hà Tĩnh đã nhiều lần đề xuất trung ương về việc chấm dứt khai thác mỏ sắt.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê


Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê vốn là mong ước của nhiều thế hệ lãnh đạo ở cả Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh. Chúng ta đã mời Nga, rồi đến Đức khảo sát, thăm dò. Mặc dù đã làm rất công phu, nhưng đều phải dừng lại. Muốn biết tại sao, nên chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga để có câu trả lời. Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử tôi với TS. Nguyễn Xuân Tình, Giám đốc Sở KH&CN và mời thêm Viện sĩ, TSKH. Nguyễn Huy Mỹ cùng làm việc với Viện trưởng của Viện. Ông Viện trưởng cho rằng không thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì nhiều lí do, nhưng cơ bản nhất là vấn đề môi trường. Với trình độ hiện nay như chúng tôi biết là chưa thể làm được.

Bởi mỏ sắt Thạch Khê nằm trên bãi cát cách bờ biển khoảng 500 m, sẽ dẫn tới rủi ro lớn về môi trường mà chưa có hướng giải quyết. Mỏ sát biển với mức sâu âm mấy trăm mét so với mặt nước, khi khai thác liên quan đến vấn đề xâm mặn, ô nhiễm nguồn nước. Ở các tầng đất từ 15 m trở xuống có những dòng nước ngầm chảy rất mạnh, nếu hút lên sẽ làm sa mạc hóa một vùng bán kính trên 30km, ngoài các vùng lân cận còn ảnh hưởng đến cả TP. Hà Tĩnh. Lượng cát thải và hiện tượng cát bay làm ô nhiễm cả một vùng nếu như thực hiện khai thác...

Như thế đi ngược lại lợi ích nhân dân nên chúng tôi kiên quyết dừng lại.

Công trường tại mỏ sắt Thạch Khê hồi đầu năm 2011.


Ông có thể cho biết cụ thể hơn việc các đoàn nghiên cứu nước ngoài khuyến nghị không khai thác mỏ sắt?

Ông Đặng Duy Báu: Cuối những năm 60 của thế kỷ trước đã có một đoàn nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Liên Xô tìm ra được mỏ sắt Thạch Khê, lãnh đạo nước ta đã mời họ sang thăm dò, khảo sát mấy chục năm liền. Khảo sát với hàng nghìn mũi khoan, họ cho rằng không thể khai thác được bởi dòng nước ngầm dưới lòng mỏ quá mạnh mà lại ở vùng đất cát sát biển, chỉ có dùng bơm hút nước lên, nhưng càng hút thì một vùng rộng lớn quanh mỏ sẽ thành sa mạc.

Lễ khởi công dự án được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào tháng 9/2009. Nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước.


Đầu những năm 90, trong chuyến thăm Đức, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thuyết phục nước bạn viện trợ 6 triệu USD và cử một đoàn chuyên gia với đầy đủ trang thiết bị sang tiếp tục thăm dò và lập dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Họ đã mang về Đức trên 100 tấn quặng để phân tích, nghiên cứu. Một thời gian sau họ đưa ra kết luận: Mỏ này có hàm lượng kẽm cao hơn mức bình thường nên phải có công nghệ mới và chi phí luyện thép đội giá thành lên, sẽ không có hiệu quả kinh tế. Điều kiện môi trường với dòng chảy nước ngầm cùng đất cát gần biển rất phức tạp tốn kém, lại ảnh hưởng đến vùng dân cư rộng lớn nên Đức cũng nói không thể khai thác được.

Ông có nghĩ rằng mình đã làm hết sức để có thể khai thác an toàn mỏ sắt hay chưa?

Ông Đặng Duy Báu: Sau khi chúng tôi làm việc với Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga và có kết luận của chuyên gia Đức, lãnh đạo Hà Tĩnh vẫn chưa yên tâm. Vào năm 2003, Ban thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Tổng công ty thép Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về mỏ sắt Thạch Khê. Hội thảo mang tầm quốc gia với sự có mặt của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành của Trung ương. Có cố Tổng bí thư Đỗ Mười, ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, ông Nguyễn Ký, Phó Ban cố vấn Chính phủ cùng nhiều đồng chí lão thành và các nhà khoa học đầu ngành địa chất luyện kim…

Phát biểu, tham luận hội thảo hầu hết đều cho rằng: Nên dừng không khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu tâm huyết: Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ơi khó lắm! Tôi và thế hệ chúng tôi khao khát khai thác cho được mỏ sắt Thạch Khê, nhưng qua nhìn nhận, phân tích, đánh giá mỏ sắt này mà lâu nay tôi nghe chuyên gia nước bạn cũng như hôm nay nghe ý kiến của các nhà khoa học thì khó lắm, không đơn giản đâu. Việc nên hay không nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê là một quyết định quan trọng mà cả Quốc gia phải vào cuộc.


Nhiều ý kiến cho rằng, không thể để hơn nửa tỷ tấn sắt nằm mãi dưới lòng đất, ông có trăn trở gì về điều này?

Ông Đặng Duy Báu: Mới đây, khi đại diện CTCP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long có gặp tôi nói rằng: Việc khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê hoàn toàn phù hợp, bây giờ đã công nghệ mới, không thể để nguồn tài nguyên nằm mãi trong lòng đất, mà chúng tôi cũng đã đầu tư vào đây tiền vốn nằm đọng mấy năm nay rồi.

Với tầm hiểu biết và trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, tôi trả lời thẳng thắn: Điều đó rất khó. Họ nói lại: Nếu Trung ương đồng ý thì sao? Tôi nói ngay: Trung ương sáng suốt lắm và Đảng đã có quan điểm không lấy kinh tế để đánh đổi môi trường.

Ông có gửi gắm gì với các cấp Trung ương về dự án mỏ sắt Thạch Khê?

Ông Đặng Duy Báu: Tôi mừng, liên tục mấy năm gần đây, nhất là năm 2020, 2021 Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê bởi quá nhiều hệ lụy, rất được lòng dân. Nhiều Bộ, ngành cũng đồng tình dừng khai thác mỏ sắt, nhất là Bộ KH&ĐT nhiều lần đề xuất lên Chính phủ ngừng việc khởi động dự án và dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê để kêu gọi đầu tư vào vùng này thành Khu du lịch sinh thái.

Tôi tin rằng, Đảng và Nhà nước sẽ sáng suốt nhìn nhận đúng và đầy đủ thực trạng mỏ sắt Thạch Khê để có quyết định cho dừng khai thác.

Xin cảm ơn ông!

Từ nhiều năm qua, Hà Tĩnh luôn nhất quán quan điểm chưa khai thác dự án này, và sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương dừng dự án. Trong các văn bản gửi Trung ương, lãnh đạo địa phương này cho rằng mỏ sắt quá gần biển và thành phố Hà Tĩnh, tiếp tục khai thác sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này nằm cách TP. Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6 km.

Giai đoạn 2008-2011, công nhân đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư. Tháng 11/2021, Chính phủ cho dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, cơ cấu lại cổ đông.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP