Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng. Dự án nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, cách thành phố Hà Tĩnh 8km, với tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821ha. Mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, dự án đi vào hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 4.437 hộ dân với 18.951 nhân khẩu. Sau gần 15 năm, đến nay chỉ mới di dời được 113 hộ dân và giải phóng mặt bằng hơn 830ha diện tích.
Hà Tĩnh quyết liệt đề xuất đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê Lễ khởi công dự án diễn ra vào tháng 6/2009, từ đó đến năm 2011 là thời điểm dừng hoạt động theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011 để tái cơ cấu lại cổ đông của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ đến độ sâu - 34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Từ đó đến nay, dự án đắp chiếu, đã để lại muôn vàn hệ lụy cho người dân địa phương.
Suốt hơn 5 năm qua, 30 hộ dân với gần 100 nhân khẩu thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà sống trong cảnh nơp nớp bên dưới bãi thải của dự án. Trước đó, để ngăn chặn bùn đất từ bãi chứa chất thải ở mỏ sắt tràn xuống khu dân cư, chủ đầu tư đã cho xây dựng bờ bao cao khoảng 1m, dài hơn 5 km quanh bãi thải. Kể từ khi mỏ sắt dừng hoạt động, đặc biệt là khoảng 5 năm trở lại đây, khi bờ bao này không được gia cố, cứ mỗi lần có mưa lớn, nước đổ dồn về đã phá vỡ bờ bao khiến bùn đất tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới đất canh tác và cuộc sống người dân địa phương.
Mỏ sắt Thạch Khê trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. |
Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: Thach Hải có bãi biển trải dài, đẹp nhất nhì trong các bãi tắm ở Hà Tĩnh. Vị trí này nằm gần khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên, Đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, đáng lẽ ra sẽ là điểm đến tuyệt vời cho du khách, nhưng từ nhiều năm nay, do nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nên việc khai thác tiềm năng du lịch ở bãi biển Thạch Hải vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Theo ông Lý, trong suốt 10 năm qua, kể cả thời gian dự án tạm dừng, gần như không có đơn vị nào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở bãi biển Thạch Hải. Có một số doanh nghiệp với đặt vấn đề xây dựng nhà nghỉ, khách sạn nhưng do “vướng” dự án nên không thể triển khai. Mới đây nhất, trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối tháng 4/2022, một lần nữa cử tri Thạch Hà lại đề nghị các cấp, sớm cho biết có hay không việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng cũng bày tỏ: Cần có giải pháp khắc phục một số khó khăn trước mắt của người dân các xã sống xung quanh mỏ sắt như: Xây dựng nhà ở, tách bìa, vay vốn; khắc phục tình trạng bờ bao của Công ty CP Sắt Thạch Khê xây quá cao khiến nước không thoát được, gây ngập úng, thiệt hại cho người dân.
Trước những bất cập khi triển khai dự án, xuất phát từ cơ sở những hệ lụy khiến đời sống kinh tế - xã hội 6 xã của huyện Thạch Hà bị đẩy lùi, cũng như tâm nguyện của nhân dân, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần có văn bản đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê tại huyện Thạch Hà.
Mới đây nhất, ngày 19/11/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký văn bản số 794/UBND[1]KT1 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Theo người đứng đầu chính quyền sở tại, dự án khai thác, tuyển mỏ sắt Thạch Khê đã dừng bó đất tầng phủ và tạm dừng khai thác từ năm 2011 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với TIC, các bộ, ngành tư vấn để tư vấn, phản biện về dự án. Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản gửi Trung ương, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ngừng (chấm dứt) dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn đến nhiều tồn đọng, trong đó có phát sinh liên quan đến TIC chưa được giải quyết.
Trong văn bản gửi Bộ KHĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về vấn đề môi trường của dự án.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, dự án đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến các địa phương trong vùng, trở thành xã khó khăn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Doanh nghiệp muốn tiếp tục khai thác Tháng 4/2022, trong báo cáo gửi các bộ, ngành và Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. TKV viện dẫn Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030.
Trước đó, TKV cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty CP Sắt Thạch Khê; xem xét cho phép TIC được tiếp tục lùi thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến khi được cấp thẩm quyền cho phép tái khởi động dự án và không bị tính tiền nộp chậm trong thời gian tạm dừng dự án. Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Cục Thuế Hà Tĩnh cho hay, theo thông báo của Tổng cục Khoáng sản Việt Nam, hiện nay TIC đang nợ các khoản thuế với số tiền hơn 520 tỉ đồng. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính đến hết năm 2017 là 309 tỉ đồng; tiền thuê đất là 25 tỉ; tiền phạt chậm nộp là 185 tỉ và tiền thuế phi nông nghiệp gần 560 triệu đồng.
Theo lãnh đạo của TIC, Mỏ sắt Thạch Khê có hàm lượng sắt cao hơn các loại quặng sắt khác đang khai thác tại Việt Nam, vị trí mỏ gần cảng biển thuận lợi cho vận chuyển, chi phí vận tải đến các trung tâm sản xuất thép thấp. Đến nay, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nguyên tắc với TIC để tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê với tổng nhu cầu khoảng 5,2 - 5,7 triệu tấn/năm, phù hợp công suất giai đoạn 1 của dự án. Công ty CP Sắt Thạch Khê cũng cho rằng, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của dự án theo quy định, thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã giải trình, làm rõ những vấn đề quan ngại của địa phương, các Bộ, ban ngành về dự án nên dự án hoàn toàn đảm bảo hiệu quả, khả thi. Đến nay, TIC đã đầu tư khoảng hơn 2.000 tỉ đồng vào mỏ sắt Thạch Khê, việc đóng cửa mỏ sẽ khiến số tiền này hoàn toàn bị mắt trắng.
“Quan điểm của TIC là kiến nghị được tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Hiện, TIC cũng đã thuê đơn vị độc lập nước ngoài đánh giá môi trường dự án”, một lãnh đạo của chủ đầu tư khẳng định.
Trong khi đó, trả lời báo chí trước động thái này của TIC, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, từ nhiều năm qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn nhất quán quan điểm chưa khai thác dự án này, và sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương dừng dự án.
“Nếu dừng dự án sẽ có ảnh hưởng nhất định đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đề ra; bản thân doanh nghiệp bị tổn thất khoản vốn lớn đã đầu tư vào dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, buộc phải chấp nhận để đảm bảo về vấn đề môi trường và phát triển bền vững”, báo cáo số 5383/UBND-KT, ngày 07/9/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi UBKT Quốc hội. |
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: cand.com.vn