Khi bấm vào đó, hoặc sẽ xuất hiện các website nội dung sơ sài, yêu cầu người dùng phải bấm vào các liên kết khác mới có thể xem hết nội dung. Một số trang thiết kế giao diện y hệt trang đăng nhập của Facebook, yêu cầu người dùng phải đăng nhập mới có thể xem được. Tuy nhiên, tên miền của những trang web này không có dạng Facebook.com. Nếu không để ý, người dùng có thể vô tư đăng nhập, từ đó lộ tài khoản cho kẻ xấu mà không hề hay biết.
Kẻ xấu đánh lừa người dùng truy cập trang web bằng các tiêu đề gây tò mò, đồng thời gắn thẻ rất nhiều người. |
Để xem được, bắt buộc người dùng phải đăng nhập, và đây cũng là lúc người dùng tự tay đưa tài khoản Facebook cho kẻ xấu nếu không để ý. |
Thực chất, thủ đoạn lừa đảo này không phải mới, từng xuất hiện nhiều lần trong quá khứ và cũng đã được nhiều chuyên gia bảo mật cảnh báo. Sau khi chiếm đoạt thành công, chúng sẽ đăng nhập và thực hiện các trò lừa đảo khác, như nhắn tin nạp card điện thoại, nhờ chuyển tiền…
Do đó, cách tốt nhất là người dùng không nên nhấp vào các liên kết trên. Những liên kết có dạng “ăn theo” đều là lừa đảo, không nên nhấp chuột. Đồng thời, người dùng nên sử dụng tính năng báo cáo bài viết, cũng như bỏ theo dõi hoặc chặn tài khoản đã nhiễm virus (tài khoản tag bạn) nếu cần.
Trong trường hợp đã nhấp vào liên kết, người dùng nên thoát khỏi nó ngay lập tức, không được đăng nhập vào tài khoản Facebook trên trang web đó, đồng thời đổi mật khẩu (bằng cách vào Settings > Account Settings > General > Password). Để tăng khả năng bảo vệ, nên đặt chế độ bảo mật 2 lớp để đề phòng trường hợp tài khoản bị đánh cắp, người dùng vẫn có thể kiểm soát đăng nhập.
Ngoài ra, người dùng cũng cần cảnh giác với các trang web trò chơi yêu cầu đăng nhập tài khoản Facebook, nhằm tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những mục đích xấu. Nếu một trang web nào đó yêu cầu quá nhiều quyền truy cập, tốt nhất không nên đăng nhập vào.
Bảo Lâm