Tin Hà Tĩnh

Nguồn vốn chính sách tại Hương Khê (Hà Tĩnh): Góp phần giúp các hộ dân miền núi thoát nghèo

Hàng trăm hộ dân miền núi ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vượt qua khó khăn, thoát nghèo, từng bước bảo đảm đời sống kinh tế gia đình nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Hàng trăm hộ gia đình phát triển trang trại từ vốn tín dụng chính sách.

Lập nghiệp từ nguồn vốn chính sách

Trong những ngày hè oi ả, đặt chân đến huyện miền núi Hương Khê, vùng đất được xem là “chảo lửa của miền tây Hà Tĩnh”, điều ngạc nhiên khi đến xóm 1, xã Phúc Đồng, là nhiều ngọn đồi được phủ một màu xanh mướt bạt ngàn bởi cây bưởi.

Chị Phan Thị Thương, Phó Bí thư Đoàn xã, cho biết, đây là vườn bưởi của anh Phạm Xuân Nghị, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, sau 7 năm gây dựng từ nguồn vốn của NHCSXH, nay trở thành hộ khá giả, có của ăn, của để ở thôn.

Anh Nghị chia sẻ, vợ chồng cưới nhau năm 2011, được bố mẹ cắt cho mảnh vườn và dựng căn nhà nhỏ để ở. Lập nghiệp từ bàn tay trắng, đi làm thuê đủ nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi. Năm 2016, Tổ họp bình xét cho vay vốn chương trình hộ nghèo và NHCSXH huyện cho vay số tiền 50 triệu đồng. Với số tiền đó, vợ chồng anh mua hai con bò sinh sản và cải tạo vườn, trồng thêm 100 gốc cam bưởi.

Sau hơn 4 năm, gia đình anh thoát khỏi hộ nghèo, đã trả được hết số nợ 50 triệu đồng của chương trình vay vốn. Năm 2021, vợ chồng anh tiếp tục làm đơn vay 100 triệu đồng của chương trình vay vốn hộ cận nghèo để sửa sang chuồng trại, mua thêm trâu, bò. Giờ đây, gia đình đã có đàn bò 15 con, ao cá rộng 1.200m2, cùng rừng keo 5ha, vườn cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch 3ha, tạo nguồn thu ổn định 250 - 300 triệu đồng/năm.

“Nguồn vốn của NHCSXH đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn”, anh Nghị chia sẻ.

Đến ngân hàng vay vốn về phát triển kinh tế, nhiều người bày tỏ niềm vui khi được tiếp cận với nguồn vốn về phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Chị Võ Thị Phúc (ngụ thôn 6, xã Hòa Hải) cho biết, năm 2019, chị được vay 50 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích góp của gia đình đầu tư nuôi 23 con dê, 6 con trâu. Từ “cú hích” đó mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng, sau 4 năm không chỉ trả hết nợ, còn có vốn đầu tư làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Han, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hải, cho biết: Thông qua Hội Nông dân xã, đến nay tổng số vốn nhân dân trên địa bàn xã vay của NHCSXH huyện 16,6 tỷ đồng với 286 hộ vay. Nhờ nguồn vốn NHCSXH đến với xã miền núi mà nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành khá giả.

Những số liệu “biết nói”

Ông Lê Viết Thông, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh huyện Hương Khê cho hay: “Tại các xã khó khăn, NHCSXH luôn tranh thủ nguồn vốn để giải quyết việc làm cũng như các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo; từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, từng bước thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống những vùng khó khăn ở các xã huyện miền núi Hương Khê”.

Khách hàng giao dịch tại NHCSXH huyện Hương Khê.


Theo ông Thông, Hương Khê là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn, hằng năm thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt nên tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Thực hiện công tác an sinh xã hội, ngay từ đầu năm NHCSXH huyện đã tổ chức cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn làm ăn tính hết quý I/2023, có 16 chương trình tín dụng với tổng doanh số cho vay 39,3 tỷ đồng, với 767 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tổng doanh số thu nợ đạt 22,4 tỷ đồng.

Ấn tượng trong bức tranh kinh tế ở huyện miền núi Hương Khê hiện tại có gần 6.000 hộ làm kinh tế vườn, với diện tích trên 7.000ha, thu về khoảng 650 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh. Thành quả này minh chứng cho sự nỗ lực của người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa cùng sự chung sức, hợp lực của nguồn NHCSXH.

Bà Bùi Thị Ngọc Hà, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến cuối tháng 5/2023, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng thuộc hệ thống đạt hơn 800 tỷ đồng, với hơn 15.000 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ tại hệ thống đạt hơn 6.200 tỷ đồng với trên 100.000 khách hàng đang thụ hưởng tín dụng ưu đãi.

Chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,034% tổng dư nợ. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 70,8% số xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn. Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH theo chỉ đạo của Chính phủ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tăng trưởng dư nợ hơn 130 tỷ đồng, thực hiện các chương trình cho vay nhà ở xã hội; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và hỗ trợ lãi suất.

Tác giả: Hữu Anh

Nguồn tin: Báo PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP