Khắc Tùng, đang làm cho một kênh truyền hình chốt lấy chiếc Elantra bản 2.0 màu trắng với giá 650 triệu hôm giữa tháng 10. Chiều hôm trước anh làm việc với đại lý chuẩn bị ký hợp đồng. Sáng hôm sau, anh gọi điện cho nhân viên bán xe nói vợ muốn chuyển sang Tucson, nhưng chưa biết lúc nào mới lấy.
Vợ Tùng sau khi tham khảo ý kiến của các bạn bè thân thiết tại công ty đã về khuyên chồng không mua nữa mà đợi. Vợ đang bầu, lại "mặt nặng mày nhẹ" nên Tùng đồng ý. Nhóm bạn tư vấn rằng, đợi thêm một vài tháng nữa, vào thời điểm cuối năm 2017, giá xe sẽ giảm nữa, khi đó tiết kiệm được nhiều tiền hơn, mà có thể mua xe lớn hơn.
Giá xe đang là câu hỏi khiến khách hàng hoang mang. |
Phạm Khang thì khác. Anh chàng làm tại một Tập đoàn viễn thông quyết xuống tay lấy về chiếc CX-5 bản 2.5 2WD giá 850 triệu. Anh mới lên sếp, sắp phải đi công tác tỉnh liên tục nên nhu cầu mua xe cấp thiết hơn bao giờ. Khang định sắm xe từ hồi tháng 7, nhưng vì nghe nói xe sẽ giảm giá nên quyết tâm đợi.
Tùng và Khang cùng sắm xe trong lúc thị trường Việt đang loạn giá, nhưng theo những quyết định trái chiều. Khang nghĩ nếu có giảm tiếp thêm vài tháng nữa cũng chỉ được vài chục triệu, trong khi nhu cầu công việc thì không thể chờ đợi. Tùng thì vì chiều vợ nên sẵn sàng hoãn thêm hai tháng, nhằm hướng tới chiếc xe mà cả hai vợ chồng đều đồng thuận với mức giá phù hợp.
Theo giám đốc bán hàng một hãng xe Nhật tại Việt Nam, khách hàng đang quyết định mua xe phần nhiều phụ thuộc vào cảm tính. Dẫn chứng cho việc này, khi hãng có những đợt giảm giá sâu, lượng khách mua tăng vọt, dù trong số đó không ít người vẫn cho rằng còn giảm tiếp.
"Nhiều người sẽ nghĩ, thôi giảm thế này là tốt rồi, không cần xuống tiếp", vị này chia sẻ.
Xuân Nam, làm việc tại đại lý ở Hà Nội của một hãng xe Mỹ thì gặp không ít trường hợp oái oăm. Một tháng anh có thể "rơi" mất chục khách kiểu như vậy. Có những người vừa quyết ký hợp đồng, 30 phút sau đã gọi điện lại "anh xin lỗi". Nam kể có những khách từ các tỉnh cách cả 100-200 km về Hà Nội tìm xe, đi đi lại lại nhiều ngày nhưng cuối cùng vẫn không thể đưa ra quyết định cuối cùng, chỉ vì sợ "lỗ" nếu tháng sau xe giảm giá.
Càng về cuối năm, sự hoài nghi và có phần hoang mang của khách hàng càng tăng cao. Bằng chứng là tháng 8, doanh số xe toàn ngành tăng 7% so với tháng 7 nhưng tháng 9 lại giảm 4% so với tháng 8. Hết tháng 9, số bán cả năm 2017 giảm 8% so với cùng kỳ 2016. Mọi nỗ lực cứu vãn của các hãng xe gần như khó có cửa sáng. Doanh số bằng năm ngoái đã là một cố gắng. Mục tiêu tăng 10% như VAMA dự đoán hồi đầu năm dần xa vời.
Trên Xe-VnExpress, khi có những câu hỏi về "giá xe có giảm vào 2018" hay "có nên mua xe thời điểm này", luồng ý kiến gần như chia làm hai nửa. Một nửa cho rằng hãy chờ đợi vì giá xe còn giảm nữa theo thuế, nửa còn lại tin rằng nếu có đủ tài chính thì hãy mua ngay khi có thể, không có gì đểm đảm bảo cho giá xe 2018 sẽ giảm.
Bản thân các hãng xe cũng hoang mang không kém người tiêu dùng, dè dặt trong kế hoạch nhập khẩu linh kiện, xe nguyên chiếc. Trong khi có hãng chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu thì ngược lại có hãng lại chuyển xe từ nhập khẩu về lắp ráp. Mỗi chiến lược đều phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, quy mô của từng hãng.
Sang 2018, tác động khiến giá xe nhập khẩu giảm là xe nhập từ ASEAN chịu thuế 0%. Nhưng giá xe lại cũng có thể tăng nếu phí trước bạ và những loại rào cản khác tăng. Trong khi đó xe lắp ráp lại có hy vọng sáng sủa nếu đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước và miễn thuế nhập khẩu linh kiện thành hiện thực.
Các hãng xe và khách hàng còn hai tháng để đấu trí cho việc giá xe có giảm hay không, trước khi bước vào 2018. Kết quả thực tế bị chi phối phần lớn bởi các chính sách của chính phủ. Với những hướng đi hiện tại, triển vọng giảm giá có dấu hiệu tươi sáng hơn, dù mức giảm không quá đáng kể so với hiện tại.
Tác giả: Đức Huy
Nguồn tin: Báo VnExpress