Sydney – Úc
Bắt đầu từ 27 Tết, cộng đồng người Việt ở đây đã chộn rộn lên kế hoạch đón Tết. Hội chợ Xuân được tổ chức thường niên nhằm mang đến không khí Tết quê hương cho những người con xa xứ.
Hội chợ xuân ở Úc |
Chị Bé Diệp (quê TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Mỗi dịp đến Tết Nguyên đán là kiều bào ở đây tụ hội để anh em, bà con gặp mặt; chia sẻ những tâm tư, tình cảm, công việc trong một năm và hơn hết là cùng nhau gợi nhớ về cái Tết cổ truyền dân tộc với những đặc trưng khó có thể có được ở nơi nào khác nếu không phải ở quê hương”.
Trẻ gốc Việt đi xin chữ và vui chơi |
Hội chợ Xuân là một góc Tết quê thu nhỏ. Ngoài thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ là những trò chơi dân gian, những màn múa lân sôi động để các em nhỏ cùng hòa mình vào khung cảnh đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để những người bạn xứ sở Kangaru hiểu thêm về văn hóa Việt.
California – Mỹ
Không có điều kiện đón Tết cùng cộng đồng người Việt ở đây, gia đình anh Nguyễn Quốc Tỏa (quê Thạch Hà) vẫn tự nấu bánh chưng, gói giò lụa để cùng nhau đón Tết.
Anh Tỏa chia sẻ: “Vùng anh sống người Việt không tập trung nên ít khi tổ chức ăn Tết cùng nhau được. Còn ở vùng khác những ngày này có nhiều hoạt động đón Tết, vui xuân sôi động lắm. Nhưng năm nào cũng vậy, gia đình anh và một vài người bạn thường gặp gỡ đầu xuân, cùng nhau chuẩn bị từng chiếc bánh chưng, từng lọ dưa món để vơi bớt nỗi nhớ nhà, cũng là để con cái biết nhiều hơn về Tết quê hương”.
Một bữa tiệc liên hoan |
Osaka – Nhật Bản
Anh Bùi Văn Việt (quê Thạch Hà) chia sẻ: “Mặc dù là quốc gia Châu Á có những nét văn hóa gần gũi với Việt Nam nhưng người Nhật lại không đón Tết theo Âm Lịch nên thời gian này ở quê nhà không khí Xuân đã rộn rã trên khắp mọi nẻo đường thì những du học sinh như chúng tôi vẫn phải tiếp tục công việc như thường nhật. Dù vậy, anh em vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp mặt, cùng nhau “chia” bớt nỗi nhớ quê, đặc biệt là thời khắc giao thừa”.
Cỗ cúng tất niên của các du học sinh Nhật Bản vẫn có mâm ngũ quả, bánh chưng xanh và cùng nhau chúc mừng năm mới để cùng “chia” nỗi nhớ nhà. |
“Đêm 30 Tết, mọi người đã tất bật chuẩn bị cho buổi tiệc tất niên. Trước đó, anh em đã rất cố gắng để mua lá dong, lá chuối, gấc, và các nguyên liệu khác để làm các món ăn mang hương vị Tết cổ truyền đúng nghĩa. Bánh chưng, bánh tét, câu đối đỏ, hoa đào rực nở bên cạnh mâm ngũ quả khiến những người con xa xứ vơi bớt nỗi nhớ nhà”, anh Việt chia sẻ thêm.
Đài Bắc – Đài Loan
Rất nhiều người quê Hà Tĩnh đang háo hức chờ đợi thời khắc chuyển giao của đất trời vì Đài Loan cũng đón Tết với nhiều nét giống Việt Nam. Đặc biệt, những nét văn hóa ngày Tết Việt cũng được người lao động duy trì dù đón Tết xa quê.
Mâm cỗ đơn giản với cành đào nhỏ là tinh thần Tết Việt những lao động ở Đài Loan. |
Anh Nguyễn Quốc Việt (quê TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Mặc dù không được đón Tết cùng người thân tại quê nhà nhưng không vì thế mà Tết mất đi ý nghĩa với mình. Tết xa nhà nhưng mình và nhiều bạn khác vẫn chuẩn bị ăn Tết khá đủ đầy như gói bánh chưng, chuẩn bị mâm ngũ quả, xông đất đầu năm…”
“Đặc biệt, người Đài Loan tôn trọng tín ngưỡng của những người ngoại quốc nên họ rất hoan nghênh người Việt đón Tết nguyên đán theo tập quán của mỗi dân tộc. Tết của người Đài Loan không có bánh chưng, bánh tét, vì thế họ rất tò mò về những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của ta. Được giới thiệu, chia sẻ với người bản địa những điều như thế này chúng mình cảm thấy rất phấn khởi và không khỏi tự hào”- anh Việt chia sẻ thêm.
Bữa tiệc ánh sáng đầy màu sắc được “vẽ” lên trên nền trời Đài Loan. Ở đó, nhiều trái tim người Việt đang thổn thức hướng về quê hương |
Dù đã rất cố gắng để mang Tết Việt đi khắp muôn phương, nhưng, sau những giờ phút ngắn ngủi được đắm mình trong không khí Tết tự tạo, những người con xa xứ vẫn không nguôi nhớ về quê hương. Dù cộng đồng người Việt ở Sydney luôn nỗ lực tổ chức những hoạt động truyền thống như ở quê nhà, nhưng vẫn không tạo được cái “hồn” của ngày Tết.
Chị Bé Diệp cho hay: “Ở Việt Nam, không khí Tết được cảm nhận rất rõ khi phố phường tấp nập, xóm giềng rộn ràng. Tết ở đây chỉ gói gọn là một vài ngày lễ của cộng đồng người Việt. Đã bao cái Tết xa quê mà tôi vẫn không thể quen được cảnh đón Tết bên trời Tây, lòng cứ bồn chồn khó tả. Tôi nhớ những phiên chợ Tết, cảnh mọi người chộn rộn đón năm mới, hiên nhà cũ được trang hoàng, hay mùi trầm hương quấn quýt trong đêm 30…”
Kiều bào ở xa vẫn cố gắng mang Tết Việt đến khắp mọi nẻo nhưng “hồn” Tết vẫn chưa thể có được khi “Chỉ duy có phút ấm áp đoàn tụ với gia đình trong thời khắc giao thừa là không có được. Lúc ấy, chỉ có gọi về cho gia đình chúc Tết bố mẹ, người thương yêu thì mới cảm thấy khoảng cách được rút ngắn lại, đỡ trống trải hơn”, anh Nguyễn Quốc Việt bồi hồi tâm sự
An Nhiên