Văn hoá Dân gian

Người giữ hồn dân ca ví giặm trên quê hương Nguyễn Du

Hiện nay đã về hưu nhưng ông Nguyễn Ban vẫn thường xuyên, nghiên cưu viết lời cho các tiết mục dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

GD&TĐ – Ông Nguyễn Ban – quê ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) năm nay 75 tuổi, nhưng đã gần nửa đời say mê gắn bó với dân ca Nghệ Tĩnh.

Là người đầu tiên đưa phong trào hát dân ca vào trường học, ông được xem là người thắp sáng ngọn lửa dân ca trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.

Nặng lòng với dân ca ví, giặm

Sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo, ngày ngày tiếp xúc nhiều với những cảnh quan của đồng ruộng, núi sông, ngay từ tuổi thơ đã được nghe những câu dân ca trữ tình ngọt ngào sâu lắng, ngược xuôi trên dòng sông Lam… đã gieo vào lòng ông tình yêu với những lời ca, tiếng hát của một miền quê.

Ông Ban nhớ lại: Hồi 7 tuổi, ông đã biết sáng tác dân ca. Trong một lần tiễn các anh, chị dân công lên đường nhập ngũ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã tự nghĩ ra câu hò mà mãi đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ như in: “Chích chích hẹn với chào mào/ Sáng ngày mồng 7 ra chào dân công”.

Thế rồi cuộc vì sống mưu sinh, năm 1960, ông phải rời quê ra miền Bắc học, lúc đó ông theo học chuyên ngành sư phạm. Sau khi ra trường ông được giữ lại trường dạy học, nhưng sau một thời gian vì cảm thấy bản thân không phù hợp với nghiệp sư phạm nên đành phải từ bỏ.

Nhận thấy bản thân có năng khiếu nghệ thuật, năm 1967, ông Ban quyết tâm thi đậu vào trường Sân khấu Điện ảnh. Từ năm 1967 – 1968, ông học lớp biên kịch, năm 1969 – 1973, học lớp đạo diễn sân khấu. Ra trường, ông vừa sáng tác vừa làm công tác giảng dạy bộ môn nghệ thuật tại trường Nghệ thuật Việt Bắc.

Và cứ mỗi lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi những câu dân ca, ví giặm nơi quê nhà, ông lại xốn xang nhớ người thân, nhớ những câu hò điệu ví, nhớ lời ru, những câu ngâm Kiều. Tình yêu những câu dân ca ấy khiến ông tìm cách về quê.

Năm 1978, từ trường Nghệ thuật Việt Bắc, ông Ban chuyển về trường Nghệ thuật Nghệ Tĩnh (nay là trường Cao đẳng Nghệ thuật – Nghệ An) dạy lớp đạo diễn sân khấu.

Được về quê là cơ hội khiến ông thực sự được sống chung với những câu hò điệu ví. Ban đầu ông phải tự mày mò viết dân ca, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là còn biết quá ít các làn điệu. Nhưng với tình yêu đối với dân ca quê hương, tạo cho ông động lực để vượt lên tất cả.

Sau 3 năm về quê, lúc đó ông may mắn được phòng Văn hóa – Nghệ thuật huyện Đô Lương (Nghệ An), mời lên viết và dàn dựng chương trình dân ca cho huyện đi thi tỉnh. Năm đó, tiết mục đối ca, dân ca Nghệ Tĩnh “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng”, của ông Nguyễn Ban đạt huy chương Vàng. Kỷ niệm đầu tay này, sau này ông Ban lấy làm tên đầu sách cho tuyển tập của mình.

Sau này tiết mục của ông, được nhiều đoàn văn nghệ từ tỉnh đến Trung ương dàn dựng biểu diễn trong nhiều năm liền, đặc biệt tiết mục đã về tận 27 huyện thị của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đưa khúc hát dân ca vào trường học

Hatinh24h 01
Tác phẩm “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng” của ông Ban đã từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tiếng hát dân ca. 

Từ năm 1954 – 1983, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh gần như đã bị lãng quên trên đất Nghi Xuân. Vì vậy, năm 1984, ông Ban được lãnh đạo huyện xin về giữ chức Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin. Ban đầu ông lưỡng lự nhưng vì tình yêu quê hương, ông quyết định rời bục giảng để gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng.

Vốn là người đam mê với những làn điệu dân ca quê hương, ông Ban quyết tâm khôi phục lại những điệu hò ví, giặm một thời đã ăn sâu vào lòng người Nghi Xuân. Ông tập hợp tất cả những người biết hát dân ca cử xuống các xã để dạy hát. Càng hát mọi người càng thấy hay, tự hào và bắt đầu hăng say luyện tập. Cũng từ đó, phong trào hát dân ca phát triển đến tận các thôn, xã.

Nhưng rồi ông nhận thấy để tiếng hát dân ca đến được với công chúng nhanh và lâu dài nhất chính là qua học sinh. Năm 1998, ông Ban đề xuất với Phòng Giáo dục huyện Nghi Xuân đưa tiếng hát dân ca nói chung, dân ca ví, giặm nói riêng và ca trù Cổ Đạm vào trường học.

Thế rồi, cứ 2 năm một lần, ngành giáo dục lại tổ chức Hội thi “Tiếng hát học đường”, hát các làn điệu dân ca. Từ đó, phong trào phát triển rộng rãi, các cháu học mầm non cũng tham gia Hội thi. Nghi Xuân được đánh giá là huyện mạnh trong phong trào hát dân ca, ca trù hiện nay của tỉnh Hà Tĩnh. Hàng năm, huyện đều mở lớp tập huấn hát các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Dù trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng từ khi trở về quê hương công tác đến nay, ông Ban đã góp phần phục hồi, bảo tồn 4 giá trị văn hóa phi vật thể trên đất Nghi Xuân, gồm: Dân ca Nghệ Tĩnh; ca trù Cổ Đạm, trò Kiều và lễ hội dẫn hoa ở làng Đông Hội, xã Xuân Thành. Hiện nay, tuy đã về hưu nhưng ông Ban vẫn thường xuyên viết lời cho các tiết mục dân ca, sáng tác tiểu phẩm, kịch dân ca Nghệ Tĩnh.

Tính đến nay sau hơn 30 năm tiếp xúc với dân ca xứ Nghệ, ông đã sáng tác, sưu tầm biên tập trên 200 tiết mục dân ca, trong đó gần 80 tiết mục đã từng đạt giải trong các cuộc thi tiếng hát dân ca. Đặc biệt hầu hết tiết mục của ông đều được sử dụng trên sâu khấu quần chúng của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Với những cống hiến trên. Năm 2000, ông Nguyễn Ban được công nhận nghệ sĩ sân khấu, đến năm 2013 được công nhận là nghệ nhân dân gian. Được huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và Nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen cao quý trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể – Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Huy Hiếu – Minh Thư / GD&TĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP