Cẩm Xuyên

Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và những chuyện chưa bao giờ được kể

Vào ngày 26.3.1976, công trình Đại thủy nông Hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chính thức được khởi công trong niềm vui của hàng vạn đồng bào tỉnh Nghệ Tĩnh.

Quá trình xây dựng công trình này được coi là một kỳ tích, giúp hồi sinh những mảnh đất khô cằn, làm thay đổi bộ mặt và cuộc sống của những làng quê ngèo.

“Đi xây Hồ Kẻ Gỗ vui lắm”

Công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ lúc đầu được chủ trương xây dựng trong vòng 10 năm, sau đó tỉnh Hà Tĩnh rút xuống 6 năm. Tuy nhiên, đầu năm 1976, sau khi sát nhập Hà Tĩnh và Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh, với sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân, đại công trình này đã được xây dựng hoàn thành trong vòng 3 năm.


Ông Trần Hữu Tịnh (thôn Yên Mỹ, Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang kể về những ngày tháng đi xây hồ Kẻ Gỗ.

Để tìm hiểu và có thể hình dung được không khí xây dựng Hồ Kẻ Gỗ những ngày đó, chúng tôi đã tìm gặp một số nhân chứng – họ từng là những cô gái, chàng trai tuổi hai mươi đã cùng “trẩy hội” đi “phá đá, đào sỏi” xây hồ.

Ông Trần Hữu Tịnh (SN 1953, thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những người tham gia xây dựng Hồ Kẻ Gỗ từ năm 1975. Năm đi xây Hồ Kẻ Gỗ ông vừa 24 tuổi, đã có vợ con. Thời gian tham gia, ông là Bí thư Đoàn của tổng đội 202 Cẩm Xuyên kiêm phụ trách cụm xây Hồ Kẻ Gỗ, đồng thời ông cũng là đội phó của xã Cẩm Yên tham gia xây dựng công trình này.

“Thời đó đi xây Hồ Kẻ Gỗ vui lắm”, ông hào hứng bắt đầu câu chuyện.

Ông chia sẻ, thực ra công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ được bắt đầu thực hiện từ năm 1975. Năm ấy, máy móc và công nhân, người dân lao động các huyện ở Hà Tĩnh đã tiến hành làm việc xây dựng hồ. Thực chất đây là giai đoạn Hà Tĩnh chuẩn bị trước chờ ngày khởi công chính thức.

Để xây công trình này, hàng vạn dân công của tất cả các huyện từ Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương đến Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh….của tỉnh Nghệ Tĩnh đã được huy động.

Ông cho biết, lao động ở Hồ Kẻ Gỗ chủ yếu là thanh niên, ngoài ra còn nhiều thành phần khác, không kể gái trai, già hay trẻ. Hầu hết đều ở trong tổ chức Đảng hoặc Đoàn, sinh hoạt ở một đội ít thì khoảng 80 – 90 người, nhiều thì khoảng 140 – 150 người.

Để quản lý dân công và hoạt động, một xã trung bình sẽ tổ chức thành hai Hợp tác xã (HTX). Ví dụ cụ thể, ở xã Cẩm Yên có hai HTX là Tiền Phong và Cầu Thắng. Mỗi HTX như vậy có ít nhất 40 người, nhiều nhất là 120 người, có một đội trưởng và một đội phó.

Về đời sống, mỗi xã sẽ có hai lán: một lán dùng để nấu nướng và ăn uống, một lán dùng để ngủ. Riêng việc nấu ăn sẽ có cấp dưỡng chăm lo, nấu sẵn và để vào tô cho mỗi người, dân công đi làm về là đã có ăn. Công việc của mỗi người được tính theo khối lượng. Mỗi khối được tính 7 hào, và 7 hào đó được tính 1 kg gạo. Thường một người mỗi ngày làm được giỏi lắm là một khối. Ngoài gạo, thịt cá thì còn đường sữa vẫn được nhà nước lo.

Để xây dựng đập chính và các tuyến kênh, hàng vạn dân công phải dùng gióng ba tao, ven đào, đầm, cắt xéo, xe cút kít… vận dụng mọi cách để có thể “đắp bờ, xây đập”. Dù công việc vất vả nhưng ai cũng hào hứng làm, không kể trời mưa hay nắng.

Đối với ông Tịnh, có hai kỉ niệm mà ông nhớ nhất. Đó là khi phải đào 39 trụ đập tràn. Mỗi trụ tràn bắt buộc phải đào sâu xuống đến hơn 33m. Đào đến lớp đá thì phải dùng khoan, việc đào sâu xuống đất như vậy khi đó rất nguy hiểm. Theo chính sách, trong quá trình xây dựng Hồ Kẻ Gỗ thì ai hi sinh sẽ được phong liệt sỹ, và cuối cùng đoàn của xã Cẩm Dương đã xung phong thực hiện.

Một kỉ niệm nữa đối với ông gắn liền với đội của xã Cẩm Yên mà ông làm đội phó. Khi làm tuyến kênh đi qua xã Cẩm Quang, người dân cho biết khu vực từ Hồ Xá lên đến tuyến đường 26 trước đó bị đế quốc Mỹ rải bom bi dày đặc. Chính vì vậy đoạn kênh này không ai dám đụng đến. Huyện đã phải họp bàn phương án giải quyết. Để động viên mọi người, đội trưởng của đội Cẩm Yên cứ bảo “vô làm đi, sợ gì”, thế là cuối cùng, đội của xã Cẩm Yên là đội đầu tiên xung phong vô làm tuyến này.

Một góc hồ Kẻ Gỗ huyền thoại

“Trong lúc thực hiện phải rà bom bi, đào đất rất nhẹ nhàng. Khi phát hiện thì cho di tản dân công và người dân, chỉ để lại một số lực lượng nhỏ để xử lý. Đội xã Cẩm Yên đã phát hiện và đào được không ít bom bi, sau đó thì các đội khác mới dám vô làm. May là quá trình làm không có quả bom nào nổ”, ông Tịnh tự hào về quãng thời gian không ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để xây dựng được những tuyến kênh dẫn nước.

Bà Ngô Thị Chu (SN 1956, thôn Minh Lạc, xã Cẩm Yên) cũng là một dân công tham gia xây hồ.

“Khi đó tôi mới học xong phổ thông, còn chưa lấy chồng thì cũng như nhiều thanh niên khác đi xây Hồ Kẻ Gỗ. Hồi đó không kể hết cái vui vì tham gia chủ yếu là thanh niên trẻ tuổi”, bà Chu kể.

Bà Chu cho biết, để đào đất đắp đập chính và các tuyến kênh, mọi người dùng đủ các phương tiện. Ấn tượng không thể quên với bà là dân Nghệ An thì dùng gióng ba tao (mỗi bên quang gánh là gióng có 3 dây mũi, phía dưới là rổ, khi đổ đất không cần phải thả gióng xuống mà nghiêng lại để đổ đất nên vận chuyển được nhanh – bà Chu giải thích), dùng cắt kéo để cắt đất sau đó mỗi người vác hòn đất đó lên đắp đập, đất vào mùa hè khô quá thì dùng cuốc chim để mổ. Sau này để chở được nhanh hơn thì dùng xe cút kít. Cứ sáng sớm là mọi người dậy đi làm, tối mịt mới về.

“Đi làm về thì đã có cấp dưỡng nấu cơm. Hồi đó có gạo tấm Triều Tiên ngon và dẻo lắm, rồi cứ mỗi tháng thì có một bữa thịt để bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra mọi người còn rang gạo để nấu canh, khi đó không có muối lạc như bây giờ mà dùng gạo để rang với muối chan cơm để ăn (muối gạo). Chỗ ngủ thì dùng hai cây phi lao đặt song song hai bên, ở trên dùng tre nứa làm sàn rồi trải chiếu để ngủ. Vì hầu hết toàn là thanh niên nên ngày đi làm, tối về là rủ nhau đi chơi, hát hò, đặc biệt là thi hò ví dặm giữa các xã với nhau. Chơi về thì tranh nhau ngủ không thì hết chỗ”, bà Chu hào hứng chia sẻ.

“Thỏa mong ước bao ngàn năm”

Với sự ủng hộ, đồng lòng của hàng vạn người dân, Hồ Kẻ Gỗ đã được hoàn thành trong ba năm – đây được xem là một kỳ tích trong lĩnh vực xây dựng lúc đó.

Đồng chí Trương Kiện, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ Tĩnh nổi danh thời kì xây Hồ Kẻ Gỗ từng tâm sự: “Thời ấy xứ Nghệ mình đói kém gắt gao. Trong dân còn lưu truyền câu “năm tám mươi, gạo cũng tám mươi. Dân xứ Nghệ, mặt vàng như Nghệ”. Đói kém cũng đúng thôi. Chúng ta vừa dồn sức cho cuộc kháng chiến chồng Mỹ cứu nước lại gặp phải những năm thiên tai khắc nghiệt, mùa màng thất bại”.

Hiện nay, ngoài việc cung cấp nước cho sản xuất và đời sống người dân, Hồ Kẻ Gỗ cũng đang trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.

Còn ông Trần Quang Đạt, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh thời kỳ ấy cũng cho biết: “Ngày đó Hà Tĩnh còn nghèo lắm, những cánh đồng bằng phẳng rộng hàng ngàn ha ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh bị nước mặn bao vây. Thêm vào đó thiên nhiên khắc nghiệt với gió Lào hạn hán bão lụt đã làm èo uột thêm những củ khoai lang, bông lúa. Ngày ấy người dân ba huyện thị thiếu nước trầm trọng đối với việc trồng trọt, họ tiến hành theo kiểu “vãi lít” hoặc “cấy lúa mụ tra” giữ nhà gặt lúa xong cấy ngay lúa mới vào gốc lúa cũ. Thế nhưng diện tích sống và năng suất chẳng đến là bao”.

Sau ba năm tiến hành xây dựng (1976-1978), Hồ Kẻ Gỗ được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo nên bước đột phá, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của Hà Tĩnh, mà trực tiếp là ba huyện được hưởng lợi nguồn nước là Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Hồ đóng góp phần lớn cho sự thuận lợi trong sản xuất và đời sống của nhân dân các địa phương này.

“Ở nông thôn thì quê ta giờ thấy vẫn sướng nhất, làm lúa thì một năm hai vụ có nước Kẻ Gỗ thoải mái không còn phải lo hạn hán, thiếu đói, mùa mưa thì lũ đã được điều tiết, nước thường rút nhanh”, tôi đã từng nghe tâm sự về sự yên tâm trong sản xuất và cuộc sống của một nông dân Cẩm Xuyên.

Hồ Kẻ Gỗ ngoài cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt còn điều tiết xả lũ trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du công trình. Giảm ngập úng và xói mòn cho hạ du… Đặc biệt, Hồ Kẻ Gỗ đã xả lũ thành công trong các trận lũ lụt nặng, đặc biệt việc xả lũ trong“trận lũ lịch sử” năm 2010 đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, vừa cứu được đập, cứu được dân lại vừa tích đủ nước phục vụ nhân dân.

Hiện nay, ngoài việc cung cấp nước cho sản xuất và đời sống người dân, Hồ Kẻ Gỗ cũng đang trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Sự đóng góp và ý nghĩa to lớn của Hồ Kẻ Gỗ trong mấy chục năm qua đã được chứng minh bằng sự ấm no, hạnh phúc của người dân, làm“thỏa mơ ước bao ngàn năm” của nhân dân Hà Tĩnh.

Từ năm 1932, thực dân Pháp đã cho khảo sát xây dựng Hồ Kẻ Gỗ. Hồ có hồ sơ kỹ thuật từ năm 1934, đến năm 1936, Pháp bắt đầu tiến hành làm thủy lợi ở Kẻ Gỗ. Nhưng sau đó phải dừng lại bởi chiến tranh.

Ngày 15.6.1957, trong chuyến về thăm Hà Tĩnh, trong khi nói chuyện với các cán bộ, lãnh đạo tỉnh, Bác đã nhắc nhở Hà Tĩnh cần lục lại và nghiên cứu trước hồ sơ Hồ Kẻ Gỗ để khi nào có thời cơ sẽ tiến hành xây dựng.

Năm 1974, thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định về việc đồng ý xây dựng Đại thủy nông Kẻ Gỗ (ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Từ năm 1975, Hà Tĩnh đã cho tiến hành làm đường sá và chuẩn bị mọi điều kiện từ trước chờ ngày khởi công xây dựng Hồ Kẻ Gỗ.

Tháng 1.1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. ngày 26.3.1976, công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ chính thức được khởi công xây dựng trong cờ hoa rợp trời và sự háo hức, hi vọng của hàng vạn người dân. Sau 3 năm, năm 1978 công trình hoàn thành và bắt đầu dẫn nước tới cho hàng ngàn ha lúa, bắt đầu giúp bà con nông dân “đổi đời”.

Tác giả: Phương Ngọc – Đặng Sơn – Hà Vy

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP