Sự việc diễn ra bắt đầu từ sáng ngày 03/12/2016, khi người dân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động rất nhiều xe ô tô đến tập trung dàn hàng ngang tại phía Nam cầu Bến Thủy I (thuộc địa phận huyện Nghi Xuân – PV) để phản đối việc thu phí.
Người dân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh huy động rất nhiều xe ô tô tập trung dàn hàng ngang tại phía Nam cầu Bến Thủy I để phản đối việc thu phí trong ngày 03/12/2006.
Người dân cho rằng, việc thu phí tại cầu Bến Thủy I là không hợp lý, bởi lẽ họ không sử dụng tuyến BOT đường tránh TP Vinh (Nghệ An) cũng như đoạn Nam Bến Thủy – đường tránh TP.Hà Tĩnh, nhưng vẫn phải gánh mức phí quá cao khi qua cầu. Mặc dù đã giảm nhưng hiện tại là 40.000 đồng/lượt đối với xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi.
Sự việc kéo dài suốt mấy ngày liền. Mỗi ngày, tại hiện trường có khoảng gần 30 chiếc ôtô đỗ kín hai làn đường sát chân cầu Bến Thủy. Phía trước mỗi xe, được gắn băng rôn với nội dung yêu cầu chấm dứt việc thu phí và trả lại cầu Bến Thủy cho người dân.
Do người đi đường tập trung quá đông nên giao thông qua đây hầu như bị tê liệt, chỉ có xe mô tô là có thể đi lại. Để tránh việc ách tắc giao thông, lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) đã phân luồng, điều tiết các phương tiện giao thông chuyển sang cầu Bến Thủy II để tiếp tục lưu hành.
Hai ngày đầu, người dân chỉ đỗ xe trên cầu nhằm gây áp lực đối với chủ đầu tư. Nhưng sau đó, họ kéo đến trước nhà điều hành Trạm thu phí cầu Bến Thủy để chất vấn lãnh đạo, yêu cầu làm rõ những vướng mắc, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục phong tỏa cầu Bến Thủy nếu không được giải quyết thỏa đáng.
Sau hai ngày im hơi lặng tiếng, sáng 5/12/2016, ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh buộc phải xuất hiện để đối thoại với người dân. Vị này cho biết, từ ngày 1/1/2016 đã hỗ trợ giá vé tháng và quý cho người dân phụ cận cầu Bến Thủy nhưng hiện tại không còn áp dụng do thực hiện theo thông tư mới.
Về việc thu phí cả hai cầu Bến Thủy, ông Sỹ cho hay, từ năm 2012 về trước, dự án BOT chỉ giới hạn phạm vi đường tránh thành phố Vinh. Nhưng từ năm 2012 lại nay, sau khi thông xe tuyến tránh Nam cầu Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh, thì cấp trên đã đồng ý cho mở rộng thêm 35 km vào đến thành phố Hà Tĩnh.
Vị này cũng lập luận rằng, việc người dân đi từ Nghi Xuân qua thành phố Vinh thì không sử dụng đường BOT là đúng, nhưng khi đi từ huyện Nghi Xuân vào thành phố Hà Tĩnh lại sử dụng, vì thế rất khó rạch ròi.
Trước hàng loạt câu hỏi của người dân nhưng lãnh đạo Chi nhánh BOT Trạm thu phí cầu Bến Thủy cho biết, không đủ thẩm quyền để quyết định giảm giá vé hay hỗ trợ mà phía Trạm đã làm công văn gửi lên Tổng công ty để có câu trả lời thỏa đáng.
“Hà Tĩnh vớ vẩn”
Lực lượng chức năng phải phân luồng, điều tiết các phương tiện giao thông chuyển sang cầu Bến Thủy II để tránh ách tắc.
Trước đó, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, kiến nghị giảm phí đồng thời di dời vị trí hai trạm thu phí cầu Bến Thủy I và II về vị trí phù hợp.
Cụ thể mức phí qua cầu Bến Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị giảm từ 20 – 30% mức thu hiện nay, đồng thời giảm 60% mức thu đối với các phương tiện của người dân huyện Nghi Xuân, một số xã, phường của thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thì vị trí đặt hai trạm thu phí nói trên gây ảnh hưởng rất lớn đến việc liên kết vùng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tác động xấu đến thu hút môi trường đầu tư, dịch vụ du lịch từ Nghệ An và các tỉnh phía Bắc đến danh lam thắng cảnh ở Hà Tĩnh.
Sau đó, ngày 22/9/2016, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu, lãnh đạo UBND tỉnh lại tiếp tục kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến hai trạm thu phí nói trên.
Đây là một việc làm rất kịp thời, đúng đắn, khách quan, xuất phát từ lòng dân và mang tầm nhìn chiến lược. Điều này được nhân dân các vùng Nam Nghệ – Bắc Hà hưởng ứng nhiệt liệt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc, Tổng công ty Cienco 4 lại bộc lộ quan điểm không đồng tình.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – nguyên Tổng giám đốc Cienco 4 cho rằng đề xuất đó là “vớ vẩn”, “không liên quan gì đến Hà Tĩnh”, “xe cả nước đi qua chứ chắc xe của Hà Tĩnh đâu”…
Trong khi người dân các vùng phụ cận Trạm thu phí cầu Bến Thủy đang hết sức bức xúc vì hàng năm phải mất oan hàng chục triệu đồng thì phát ngôn đó như đổ thêm dầu vào lửa. Phải chăng, việc đổ ra đường phong tỏa cầu Bến Thủy để phản đối thứ phí vô lý là hệ quả tất yếu của sự dồn nén, o ép từ một nhóm lợi ích và như hiện tượng một giọt nước làm tràn ly.
Trần Hoàn