Nữ giảng viên Trường CĐ Sư phạm TƯ TPHCM kể bà từng tận tai, tận mắt nghe hai người mẹ trao đổi về chuyện định hướng cho con học Sư phạm mà... đứng cả hình.
Một bà mẹ nói rằng, nhìn con chị hiền lành, đâu lanh lợi như con người ta thì nên chọn nghề nào dễ mà học. Người mẹ có con “hiền lành” gật gù nói lại rằng: “Tui cũng kêu con chọn Sư phạm mà học đi cho nó dễ, lù khù như nó sao mà cạnh tranh được với ai mà có còn đang im ru”.
Trường hợp khác cô biết là một thạc sĩ đi học ở ngước ngoài về sau đó theo học lớp chứng chỉ Sư phạm bậc đại học. Động cơ theo học của bạn này là về Việt Nam nhưng khó xin việc đúng chuyên môn, thất nghiệp. Gia đình muốn con đi dạy cho an nhàn, với lại không xin việc được thì đi dạy chứ biết làm gì bây giờ!
Đang có cái nhìn "méo mó" về nghề giáo là công việc an nhàn, không cần người giỏi. (Ảnh minh họa) |
Muốn hay không thì nhiều năm gần đây, trong suy nghĩ của nhiều người, ngành Sư phạm là nơi “trú thân” lý tưởng cho những người khả năng có hạn. Hoặc là nơi để nhiều người “tạm lánh” vào những lúc thất thế, không đủ sức cạnh tranh ở những công việc khác.
Trong nhiều chương trình tư vấn mùa thi ở các trường THPT tại TPHCM, không ít học sinh chia sẻ rằng các em không yêu thích nghề giáo nhưng lại chọn Sư phạm. Ngành mà các em yêu thích không dám theo đuổi vì sợ không đỗ, sợ ra trường không cạnh tranh nổi.
Tại Trường THPT Trưng Vương, một nam sinh còn có kế hoạch dài hơi rằng em sẽ học nghề mình yêu thích là Ngân hàng. Tuy nhiên em dự định, ra trường không xin được việc thì sẽ học chứng chỉ Sư phạm để lỡ thất nghiệp thì... đi dạy.
Có học sinh đã từng bật khóc vì gia đình ép thi vào Sư phạm vì lý do... ngơ ngơ như mày thì làm nổi cái gì ngoài đi dạy.
Tại tọa đàm về “tiếp lửa” lòng yêu nghề cho sinh viên Sư phạm ở TPHCM, nhiều giảng viên, quản lý phải nghẹn ngào nói đến thực tế không ít sinh viên học Sư phạm không phải vì đam mê mà bởi năng lực có hạn, sợ không theo nổi những ngành khác.
Ngay từ đầu các em đã bước vào nghề với tâm thế của người thua cuộc, chấp nhận. Đối với những sinh viên, năng lực vừa kém lại không yêu thích nghề giáo... thì thật sự không biết phải “vun vén” về nghề cho họ bằng cách nào.
Một thực tế là điểm đầu vào ngành Sư phạm của một số trường, số ngành nhiều năm gần đây thấp ở mức không thể thấp hơn, “vét” cả đáy. Chính điều này đã tô đậm bức tranh nghề giáo là nơi lựa chọn bất đắc dĩ nhưng cũng lý tưởng cho những người yếu kém. Sư phạm là một ngành khó, ngành cần người tài hơn bất cứ ngành nào nhưng đang có cái nhìn lệch lạc vào méo mó rằng nghề giáo nhàn hạ, không cần người giỏi...
Cho dù rằng thực tế cũng ít nhiều đang diễn ra như vậy. Sư phạm đang “nới rộng vòng tay” tiếp nhận những học sinh học 12 năm phổ thông mà yếu đều khi mỗi môn thi thi có khi chỉ cần... 3 điểm. Trường học là nơi nhiều người yếu kém có được tấm “vỏ bọc an toàn” cho mình.
Điểm đầu vào ngành Sư phạm thấp, chất lượng giáo viên có rất nhiều vấn đề nên rất khó để mọi người đánh giá cao về ngành Sư phạm. Cho dù chúng ta luôn khẳng định vai trò hàng đầu của nhà giáo đối với nền giáo dục nước nhà, đối với mọi công cuộc đổi mới giáo dục nhưng có một thực tế là nghề đang không chọn được người có năng lực lẫn tâm huyết.
Và nhiều vấn đề nhức nhối trong giáo dục diễn ra liệu có phần “góp sức” không nhỏ từ những người “rớt” vào nghề giáo vì không làm nổi việc gì khác, không biết làm gì thì... đi dạy học?
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí