Tấm Lòng Vàng

Nghi Xuân: Nguời phụ nữ hơn 500 lần tham gia vớt xác trên sông

Câu chuyện chị Nguyễn Thị Nguyệt ở Khối 1 (thị trấn Xuân An-Nghi Xuân- Hà Tĩnh), từng tham gia vớt hơn 500 xác chết trong vòng 40 năm đã làm nhiều người bị "sốc mạnh".

Họ không thể hình dung nổi người phụ nữ chân yếu tay mềm” ấy lại làm được một điều đáng kinh ngạc mà ngay những người đàn ông lực lưỡng, cứng bóng vía cũng phải e sợ.


40 năm và hơn 500 xác chết

Chúng tôi đến nhà bà Nguyệt giữa lúc trời đang bắt đầu đổ mưa, từng cơn gió thổi rít lên mang theo hơi lạnh từ dòng sông Lam thỉnh thoảng lại ùa vào làm căn nhà nằm cheo leo bên dòng sông trở nên lạnh lẽo hơn. Trong căn nhà đơn sơ ấy, bà Nguyệt và các con cháu đang đốt lửa sưởi ấm. Ngồi co ro trong một góc bếp, bà đưa đôi mắt nhìn ra ngoài kia, nơi dòng sông Lam hung dữ đang dâng nước lên cao. Bà cho biết: “Tuổi cao, sức khoẻ cũng cạn kiệt rồi, lâu không ra sông vớt xác thấy buồn quá. Hơn 40 năm vớt xác chết trên sông, do hơi lạnh của người chết để lại, tôi đã bị thoái hoá cột sống nên mùa mưa phải đốt củi sưởi ấm như thế này cho đỡ bớt đi những cơn đau đang ngày đêm hành hạ mình”.

Ở đời không ai mà biết được chữ “ngờ” và câu chuyện bà Nguyệt đến với nghề vớt xác chết trôi sông cũng không phải là ngoại lệ. Năm bà Nguyệt tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, trong lúc nhiều đứa bạn cùng trang lứa chỉ biết ăn chơi, thì bà đã phải bám biển, bám sông mưu sinh. Trong một lần đánh bắt cá trên sông, thấy một anh bồ đội bị lật xuồng rồi ngã nhào xuống dòng nước lớn đục ngầu. Sau một hồi thẫn thờ và thoáng chút e sợ, chị chèo xuồng lại chỗ người đàn ông vừa chết đuối, cố gắng hít một hơi thật sâu rồi lặn ngụp xuống đáy sông để vớt xác lên. “Lúc đó tôi mới 18 tuổi, trước khi nhảy xuống sông, tôi nghĩ mình sẽ chết. Lặn xuống tận đáy, tôi thấy mình khó thở, nước bắt đầu tràn vào miệng. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra, tôi dường như có một sức mạnh phi thường, một tay bám xác, một tay tì xuống đất rồi dùng đôi chân cố đạp thật mạnh để ngoi lên mặt nước. Và thế là lần đầu tiên trong đời tôi đã làm được một việc mà tưởng chửng như có nằm trong mơ cũng không bao giờ có được: Vớt được một xác chết trôi sông”.

Tuy đã dành gần như cả cuộc đời mình để vớt xác, nhưng nghề chính của bà Nguyệt lại là bám sông đánh bắt cá tôm để kiếm từng miếng cơm manh áo. Vì vậy, vớt xác chỉ là cái “duyên”, là nghề phụ của người đàn bà có bản lĩnh “thép” này. Trong nhiều năm lênh đênh trên sông nước vớt xác ấy, bà thấy cái chết của ông Kh. ở Phường Lê Mao – Tp.Vinh là đáng sợ nhất: ” Gần ngày Tết, ông Kh. vay tiền ngân hàng để mua bán cây quất bán lấy lời. Nhưng quất bán ế ẩm, về nhà vợ con la mắng, ông ấy đã nhảy cầu tự tử. Do xác chết quá lâu, tôi đã 5 ngày liền cả ngày lẫn đêm lênh đênh trên sông, quên cả ăn uống tìm kiếm. Mãi đến ngày thứ 6 mới kéo được xác từ đáy sông lên. Nhưng khi kéo lên, một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên làm tôi ớn lạnh. Từng sợi tóc, làn da của nạn nhân cũng bị bong ra từng mảng lớn trôi bồng bềnh trên sông”.

Những lần vớt xác, thấy những em bé tuổi còn thơ dại, những cái chết của những học sinh, sinh viên buồn chuyện gia đình và tình yêu, tuổi đời còn rất trẻ, bà đã phải thốt lên : “Chết như thế này thì tội nghiệp quá”. Có lần vớt xác, thấy cả cặp nam nữ cứ quấn chặt vào nhau. Họ yêu nhau, nhưng lại bị gia đình từ chối, vì quá buồn cho cuộc tình éo le, nên đôi nam nữ đã lấy dây buộc chặt lại với nhau rồi quyết định nhảy cầu Bến Thuỷ kết liễu đời mình để minh chứng cho tình yêu của mình. Tuy nhiên, cái chết ấy vẫn để lại những ký ức đau buồn trong lòng người đàn bà lương thiện.

Mới đây nhất, ở số 473, cầu Bến Thuỷ, một người đàn ông bị chết đuối, khổ nỗi thân xác anh lại bị chôn vùi dưới bùn sâu. Việc vớt xác gặp vô vàn khó khăn, nhưng cuối cùng bà và các anh em trong nhà đã lặn xuống dùng lưỡi câu để kéo nạn nhân lên. Không chỉ vớt xác ở dòng sông Lam, bà và các anh em trong nhà còn đi đến các vùng biển xa xôi khác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, ở cầu Đông Danh (Hải Phòng) và ở các vùng biển Xuân Hội, Xuân Hoa, Xuân Yên, Xuân Hải (huyện Nghi Xuân-Hà Tĩnh), cảng Cửa Lò (Nghệ An)… Hình như tiếng tăm và bản lĩnh của người đàn bà này đã được nhiều người ở các tỉnh xa. Vì vậy, hễ nơi nào trong vùng có người chết đuối, là người ta lại tìm đến nhà bà gõ cửa.

Mang bệnh vì làm phúc

Bà Nguyệt được nhiều người quý mến không chỉ là một người đàn bà chăm chỉ, mà sự hy sinh thầm lặng của mình cho những người xấu số. “Mình muốn làm điều thiện để phúc lại cho các con cháu. Phần lớn, tôi làm điều này không lấy tiền. Có nhiều gia đình nghèo, không có thân nhân đến nhận xác, tôi còn phải bỏ tiền túi ra lo chi phí mai táng, rồi tắm rửa, mua quan tài, thuê xe chở ra nghĩa trang địa phương để chôn cất tử tế. Nhiều người nhà nạn nhân giàu cho tôi tiền, nhưng khi lấy của họ, tôi cũng phải xem xét kĩ càng và chỉ lấy một ít tiền chi phí đi lại, nói thật là chưa bao giờ tôi làm cái điều kiếm tiền trên nỗi đau của người khác”. Bà giãi bày.

Hơn 4 thập kỷ làm cái nghề “xưa nay hiếm”, sức khoẻ của bà giờ đã cạn kiệt. Do thường xuyên tiếp xúc với người chết, hơi lạnh của các tử thi thối rữa đã khiến bà mang rất nhiều căn bệnh. Mùa đông đến, bà Nguyệt thường lên cơn co giật, nhất là vào những buổi đêm, những cơn ác mộng thường hay lởn vởn hiện về. Không những vậy, tay phải và chân phải của bà dường như đã bị tê liệt, cử động vô cùng khó khăn. Bà Nguyệt đi bệnh viện, bác sỹ kết luận bị thoái hoá từ đốt cổ xuống. Đêm ngủ, toàn thân bà thường mệt nhừ, rã rời, buồn nôn.

Hoàn cảnh éo le và ước mơ bé nhỏ

Bà Nguyệt sinh ra trong một gia đình đông con, cũng như người chị cả của mình, các em trai, con cháu của bà cũng tham gia vớt xác. Những lần nín thở lặn xuống đáy sông, những lần tiếp xúc với nạn nhân, mà bà đã mang trong mình nhiều căn bệnh. Bây giờ ở nhà, mỗi tháng bà phải mất gần 3,5 triệu tiền tiêm và mua thuốc. Đến bây giờ, 30 triệu tiền vay ngân hàng để chữa bệnh mà bà vẫn chưa thể trả xong. Không chỉ bà, mà ngay những người em cũng đã mang những căn bệnh như trên do đi vớt xác.

Cuộc sống bám sông mưu sinh chỉ đắp đổi miếng cơm qua ngày. Nhưng khi mùa lũ kéo về, nước sông hung dữ, việc đánh bắt cá gặp khó khăn, nguy hiểm thì đời sống gia đình lại lâm vào cảnh túng quẫn. Đã thế, đứa con trai duy nhất của bà lại chẳng được người cha chấp nhận. Thương mẹ cả một đời vất vả, dù học giỏi nhưng Đạt cũng phải bỏ học dở chừng để phụ giúp gia đình.

Do gia đình quá nghèo khó, đến bây giờ ước mơ bé nhỏ ấp ủ bấy lâu nay của bà vẫn chưa thành hiện thực: “Tôi mong muốn mình có tiền để mua máy lặn, dụng cụ để vớt xác chết trên sông. Sắm lại chiếc xuồng mới thay cho chiếc xuồng đã cũ kĩ”. Ước mơ đó tuy nhỏ nhưng đến giờ vẫn chưa trở thành hiện thực với người đàn bà đã gần 40 năm đi làm việc thiện.


Đinh Tiến Giang

Công Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP