Văn hoá Dân gian

Nghi Xuân: Nghệ nhân 91 tuổi vẫn truyền dạy ca trù

Câu lạc bộ (CLB) ca trù Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có 30-50 người tham gia, được thành lập từ năm 1995. Phong trào hát ca trù ở Cổ Đạm phát triển mạnh từ năm 2005-2009, nhưng mấy năm gần đây thì chững lại. Sắp tới sẽ diễn ra Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 và cụ Trần Thị Gia đã bắt đầu “công tác chuẩn bị”. Cụ vận động những em có năng khiếu học hát những làn điệu ca trù cho nhuần nhuyễn và “huấn luyện” thêm những kiến thức, kỹ năng hát ca trù cho các em. Lớp học hát ca trù của cụ không bàn ghế, không giáo án, học sinh lại “bữa đực bữa cái” nhưng cụ vẫn không từ bỏ nghiệp ca hát của mình vì sợ ca trù mai một theo năm tháng.

Cụ Trần Thị Gia đã 91 tuổi, tuy mắt kém, tay đã run nhưng vẫn giữ được giọng hát ca trù thăm thẳm, chứa chan. Không còn bước lên sân khấu làm một ca nương nữa, cụ tự nguyện làm người truyền giọng cho những người trẻ, để ca trù còn mãi ở Nghi Xuân.

Cụ Trần Thị Gia truyền dạy ca trù cho các em nhỏ.

Cụ Gia xuất thân trong một gia đình có 11 thế hệ ca trù. Từ năm 7 tuổi, cụ đã được học hát ca trù, học chữ quốc ngữ và chữ Nho. Khi đã thuộc được 120 bài hát và 36 điệu ca trù, cụ biểu diễn tại các đền, đình làng trong suốt mấy chục năm… Bây giờ, cụ sống một mình và truyền dạy ca trù cho mọi người. Cụ tâm sự: “Vì sợ con cháu sau này không ai thuộc ca trù nên hằng ngày vẫn tập ca trù cho chúng nó”.

Ngôi nhà đơn sơ của cụ nằm khuất trong một con đường nhỏ, tường vách đổ mục, mái ngói xập xệ khiến không ai khỏi chạnh lòng trước cuộc đời của một ca nương. Không con cái, không người thân, cụ Trần Thị Gia sống nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng và khoản trợ cấp xã hội. Mỗi nhà một ít gạo, trưa nhà này ít con cá kho, tối nhà kia bát canh mang sang cho cụ, vậy là cuộc sống của cụ cứ bình lặng trôi đi. Ấy thế mà, khi chứng kiến cảnh cụ ngâm nga những điệu ca trù “ứ hự” mênh mang bên các em học sinh với bao chất chứa, dường như cái u sầu của cuộc đời một ca nương cũng tan biến đi vào từng câu hát…

Mỗi tuần vào tối chủ nhật hay bất cứ khi nào các em nhỏ có thời gian rảnh là cụ Gia lại tẩn mẩn truyền lại những lời ca trù cho các cháu. Cụ nói: “Các cháu còn trẻ, đôi khi chưa chú tâm và kiên nhẫn để học hát. Cứ cháu nào đến đây là tôi dạy. Tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa, còn sức là tôi truyền lại cho con cháu hết”. Trước đây mỗi tuần, cụ dạy cho các em hai buổi đều đặn tại nhà mình nhưng hiện nay, cụ dạy khi nào có các em nhỏ tập trung đến.

Em Trần Thị Thu Hà (xóm 4, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), sinh năm 2002, cũng tham gia CLB ca trù Cổ Đạm và là một học trò cưng của cụ Gia. Mỗi khi chuẩn bị có cuộc thi hay buổi biểu diễn là em lại đến tìm cụ để học hỏi kinh nghiệm. Hà cho biết: “Có những lời ca cổ, những cô, chú trong CLB không biết đều xuống nhờ cụ chỉ dạy”. Lớp học ca trù ở sân nhà cụ Trần Thị Gia, giữa làng quê thanh bình và còn nghèo khó, nhưng có những buổi chiều vắng hay đêm trăng lại vang lên lời hát ca trù, nhắc nhớ mọi người về một vốn di sản văn hóa, tinh thần của quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: HOA LÊ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP