Người đương thời

Nghi Xuân: Chí khí của chàng ngư phủ 8X

Vì sao phải đi làm thuê xứ người

Đang học cấp ba thì bỏ dở theo cha đi biển, 31 tuổi chủ của bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ bạc tỷ, mỗi năm thu nhập gần một tỷ đồng. Đó là ngư phủ 8X Trần Quốc Dũng (xã Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Nghe về quá trình lập nghiệp của Dũng khá lâu tôi hẹn gặp để tìm hiểu nhưng gọi lúc nào Dũng cũng đang lênh đênh trên biển. Những ngày đầu năm, trong khi bạn bè, người thân đang vui Tết thì Dũng một mình lọc cọc trên chiếc tàu công suất lớn giữa cái tê lạnh cóng ở bến cảng để chuẩn bị ngư cụ cho chuyến mở hàng đầu năm.Ngư phủ 8X Trần Quốc Dũng kiểm tra hệ thống điều khiển bằng vô lăng

Ngư phủ 8X Trần Quốc Dũng kiểm tra hệ thống điều khiển bằng vô lăng

“Làm nghề biển rất kiêng kỵ chuyến mở hàng đầu năm. Có thể, cá, mực sản lượng thấp nhưng máy móc, ngư cụ phải sẵn sàng, không hỏng hóc giữa chuyến”, Trần Quốc Dũng mở đầu câu chuyện.

Cũng như bao chàng trai khác ở vùng biển Nghi Xuân, sau buổi học ở trường làng, cậu bé Dũng bắt đầu theo cha vượt sóng để bắt con cá, con tôm kiếm ăn qua ngày. Trẻ tuổi, sáng dạ, lại hay tìm tòi ngư trường nên thuyền cá của cha con Dũng luôn đầy ắp hải sản mỗi khi cập bến.

Nghề biển ngày một mai một, thanh niên trong xã mơ ước được xuất ngoại đổi đời. Ấy vậy mà Dũng xé tờ giấy thông báo trước mắt mọi người”.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, ông Võ Chí Tùng

Thế nhưng bước vào năm học cấp ba cũng là lúc thanh niên trai tráng của các làng quê vùng biển Nghi Xuân đua nhau bỏ thuyền đi học tiếng Hàn Quốc với hy vọng đổi đời sau chuyến xuất ngoại. “Đang học cấp ba, bạn bè đua nhau đi Hàn Quốc, nghề biển ngày một mai một nên mình cũng bỏ học về đi học tiếng để xuất ngoại”, Dũng tâm sự.Sau nhiều năm tiêu tốn hàng chục triệu đồng vào các thủ tục để xuất ngoại, bố mẹ phải bán từng tấm lưới vốn gắn bó với gia đình từ đời này qua đời khác để trả nợ khiến Dũng rất xót xa.

Tại sao lại phải sống chết tìm cách đi làm thuê cho người khác, sao mình nắm rõ được từng ngư trường, luồng lạch của từng loài cá ngay trên vùng biển quê hương mà không dám đầu tư lớn để đánh bắt…Những câu hỏi cứ dồn về trong đầu Dũng.

Trần Quốc Dũng chuẩn bị ngư cụ trước khi ra khơi

Một ngày đầu mùa hè, khi Dũng và bố đang chuẩn bị dong thuyền ra khơi, mẹ cậu chạy hớt hải từ trong làng ra trên tay với tờ giấy báo ra Hà Nội làm thủ tục visa để tuần tới bay sang Hàn Quốc làm việc. Quá sung sướng, bố Dũng cùng người thân bỏ thuyền về nhà mở tiệc.“Thực ra mình suy nghĩ từ lâu, cố gắng làm việc vài năm tích góp một số tiền đầu tư thuyền lớn. Đây là cơ hội để bày tỏ nguyện vọng với bố mẹ”, Dũng nói.

Cách bày tỏ nguyện vọng của chàng trai nghèo gây “choáng” cho bao nhiêu người ở vùng quê Xuân Hội lúc bấy giờ. “Nghề biển ngày một mai một, thanh niên trong xã mơ ước được xuất ngoại đổi đời. Ấy vậy mà Dũng xé tờ giấy thông báo trước mắt mọi người”, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, ông Võ Chí Tùng kể.

Sau nhiều lần thuyết phục con trai bất thành, bố mẹ Dũng đành cắn răng vay tiền để con trai sắm thêm ngư cụ. Mấy năm trời Dũng trầy trượt với những chiếc thuyền nan đánh bắt ven bờ.

Thanh niên lớn lên muốn sang nước ngoài làm thuê. Với nhiều người mình khuyên thật lòng để họ làm giàu ngay trên quê hương nhưng đều bị bỏ ngoài tai”

Trần Quốc Dũng

Năm 2009, sau khi cưới vợ, Dũng bàn với gia đình nội ngoại vay gần 2 tỷ đồng mua một đôi tàu đánh bắt xa bờ với 300CV. “Để có gần 2 tỷ đồng, bố mẹ, vợ chồng phải cắm hết giấy tờ đất, thậm chí cả chiếc điện thoại cũ cũng bán nốt để mua thuyền”, Dũng tâm sự.Sau vài tháng đầu hoạt động với công nghệ đánh bắt lớn không đem lại hiệu quả, cũng là lúc tin đồn Dũng vỡ nợ ngày một lan rộng. Hằng đêm, Dũng lại dong thuyền ra khơi quyết chí nắm bắt hoạt động của thủy triều, tuần trăng để dự đoán hướng đi của các loài cá.

“Ngoài số nợ lớn ở ngân hàng, nhiều cửa hàng bán dầu ở địa phương cũng không dám bán nợ dầu để mình ra biển nữa. Nhiều đêm trằn trọc phải chăng mình thua cuộc, nhưng nghĩ đến vợ con, bố mẹ đã chịu khổ quá nhiều nên phải vượt lên”, ngư phủ 8X kể.

Quả ông trời không phụ công sức của chàng ngư phủ nghèo, những chuyến ra khơi trước đây trở thành nỗi ác mộng nay trở thành niềm vui và hy vọng. Những chuyến cập bến với cá mực đầy khoang của Dũng trở thành nỗi thèm khát cho bao chàng trai sau khi xuất ngoại trở về.

Cùng nhau làm giàu với biển

Sau hai năm hoạt động, số nợ 2 tỷ đồng được Dũng và gia đình trả hết. Đầu năm 2011, Dũng bàn với bố mẹ vay thêm tiền mua thêm một cặp tàu lớn với 450CV, trên 3 tỷ đồng để cùng em trai vừa học xong Cao đẳng Hàng hải đánh bắt.

Từ một vài lao động thuê mướn theo chuyến, hiện bốn chiếc tàu lớn của anh em Dũng thường xuyên tạo việc làm cho 15 đến 20 lao động tại địa phương với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Dù đang ăn nên làm ra mỗi năm từ 500 đến 700 triệu đồng, nhưng mỗi khi nhắc đến tương lai của nghề biển nơi đây, ánh mắt Dũng không giấu được nỗi buồn. “Thanh niên lớn lên muốn sang nước ngoài làm thuê.

Với nhiều người mình khuyên thật lòng để họ làm giàu ngay trên quê hương nhưng đều bị bỏ ngoài tai”, Trần Quốc Dũng buồn bã nói. Đi biển là nghề truyền thống ở xã Xuân Hội, trước năm 2000, nghề biển đem lại thu nhập chính cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, từ năm 2005 đến 2010, nghề đánh bắt cá mang lại trên 50% thu nhập cho người dân trong xã. “Năm 1978 xã Xuân Hội vinh dự được Chủ tịch Tôn Đức Thắng về tặng lẵng hoa về thành tích đánh bắt hải sản”, ông Võ Chí Tùng cho biết.

Tuy nhiên, gần chục năm lại đây, người dân đua nhau bỏ biển để đi xuất khẩu lao động nên nghề biển nơi đây có nguy cơ mai một. Nhờ những thanh niên dám nghĩ dám làm như Dũng, từ năm 2010 đến nay, nhiều thanh niên ở xã Xuân Hội sau những chuyến xuất ngoại trở về địa phương đã cùng nhau góp vốn sắm tàu lớn để đánh bắt.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP