Các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam diễn tác phẩm “Quan Âm Thị Kính” |
Lương không đủ sống
Mặc dù hiện nay, tiền lương và các chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã được điều chỉnh theo nhu cầu đời sống xã hội. Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn cho rằng, tiền lương chưa trở thành nguồn sống cơ bản, chưa tương xứng với giá trị lao động của văn nghệ sĩ. Nhất là với những nghệ sĩ lão thành và nghệ sĩ trẻ mới ra trường.
NSƯT Nguyễn Trọng Bình, Trưởng đoàn 2 Nhà hát Cải lương Việt Nam thốt lên rằng, chưa bao giờ, đời sống nghệ sĩ sân khấu nước ta lại gặp những khó khăn như hiện nay. Các nhà hát chuyển dần sang cơ chế tự chủ về tài chính, đồng nghĩa với tiền lương của nghệ sĩ bị siết chặt, được đưa lên cân đo đong đếm. Nếu ở thời bao cấp, các nghệ sĩ sân khấu truyền thống đã gặp rất nhiều khó khăn, chật vật trong việc nuôi sống bản thân, gia đình thì nay cuộc sống càng khó khăn hơn.
Từ năm 2016, toàn bộ 12 nhà hát thuộc quản lý của Bộ VH,TT&DL bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính. Có 2 đơn vị tự chủ 100%, 10 đơn vị khác được giao tự chủ từ 30 - 60%. Đến năm 2020, 12 tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập trực thuộc bộ sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến lạc quan, vẫn còn có ý kiến lo ngại về việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống kén khán giả như tuồng, chèo, cải lương vốn gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng, sẽ chết mòn. Thậm chí, nhiều nhà hát có thâm niên trên nửa thế kỷ bị biến thành một gánh hát khi phải cắt giảm tối đa nhân lực, đồng nghĩa với việc nhiều nghệ sĩ mất nghiệp. | |
Nghệ sĩ có tên tuổi còn có nhiều show diễn, thêm thu nhập. Còn những nghệ sĩ chưa khẳng định được tên tuổi thì bị phụ thuộc hoàn toàn vào đoàn, show diễn thì ít, lương bổng thấp... khiến cuộc sống không được đảm bảo. Đã có rất nhiều nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái, người thì chạy Grab, người thì phụ hồ, bốc vác... người buôn bất động sản, khá khẩm hơn thì lập gánh hát, mở công ty truyền thông để đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình. Thậm chí, nhiều người phải bỏ nghề vì khó khăn.
Anh Trọng Bình cho biết, bản thân anh làm việc tại Nhà hát Cải lương Việt Nam đã hơn 20 năm, nhưng lương cơ bản của anh được chỉ được khoảng 6 triệu đồng, trong đó đã tính cả thâm niên, trách nhiệm, phụ cấp... Tiền lương này không đủ để nuôi một gia đình sống ở đất Thủ đô, cá nhân anh cũng phải chạy show đi hát chầu văn để phụ thêm gia đình. Đồng nghiệp của anh vất vả hơn nhiều, họ phải đi hát ở các quán bar và làm MC cho một số sự kiện ma chay, hiếu hỉ, mỗi buổi cũng chỉ 200 - 500 nghìn đồng/show. Chính điều này dẫn đến tình trạng không ít nghệ sĩ xao nhãng nghề sân khấu truyền thống, chất giọng bị pha tạp.
Một thực tế khác cũng cho thấy, hầu hết các nghệ sĩ ở mảng sân khấu truyền thống dân tộc, vào nghề khi tuổi còn rất trẻ (15 - 16 tuổi). Do đó, quá trình đào tạo chủ yếu đi lên từ các trường trung cấp và cao đẳng nhưng không thay đổi bậc lương trung cấp được ấn định từ ngày họ tốt nghiệp và xét biên chế vào nhà hát. Những danh hiệu NSƯT, NSND cũng chỉ là danh hiệu, cộng thêm chút tiền thưởng chứ không liên quan gì đến bậc lương, vốn là một khoản thu nhập chính và lâu dài của nghệ sĩ.
Vấn đề biên chế tại các nhà hát cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với những nghệ sĩ trẻ yêu sân khấu cải lương. Nhiều nhà hát gửi học sinh đi đào tạo tại các trường đại học nhưng đến khi ra trường, chỉ tiêu biên chế của nhà hát lại không còn, các em buộc phải rũ áo ra đi tìm mảnh đất mới hoặc chuyển nghề. “Đào tạo xong, không có chỉ tiêu biên chế. Hiện lớp gần 20 em, nhà hát lựa về 6 em nhưng sau khi thi biên chế, có thể sẽ chỉ còn đậu lại 2 hoặc 3 em. Vậy là mấy năm đào tạo xong, hầu hết các em đã không được làm nghề”, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ.
Giữ nghề bằng niềm đam mê
Thời gian gần đây, thị trường khán giả sân khấu truyền thống cũng bị sụt giảm nhanh chóng vì phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí khác. Vì vậy, doanh thu từ bán vé cũng giảm dần, các chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ trước đây được trích từ kinh phí bán vé thì nay không còn nữa. Chính những thay đổi ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các nghệ sĩ. Khi sân khấu không thể giúp họ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng thì có lẽ niềm đam mê, sự “sống chết với nghề” của nhiều nghệ sĩ cũng bị vơi đi ít nhiều.
Một điều lạ là dù khó khăn suốt bao năm nay nhưng các nghệ sĩ sân khấu truyền thống vẫn nhất quyết không bỏ nghề. Bởi nghề với họ, nghề đã trở thành cái nghiệp. Sau những lo toan về “cơm, áo, gạo, tiền” họ được lên sân khấu để thỏa lòng đam mê, đồng thời đem những thông điệp mà đạo diễn gửi gắm trong tác phẩm để đưa đến cho khán giả với niềm say mê cháy bỏng.
Còn nhớ vào đầu tháng 10/2015, nhóm 12 nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam dù đi khỏi liên đoàn nhưng vẫn tụ lại với nhau thành nhóm xiếc Làng tôi, mỗi tuần diễn 2 buổi ở Nhà hát Lớn. “Chúng tôi không bỏ nghề, mà chỉ là lựa chọn nơi phù hợp để làm việc, để phát triển và có thể lo được cho gia đình. Theo tôi, trong xã hội hiện đại thì không quan trọng làm việc ở đâu, chỉ cần chúng tôi cống hiến như thế nào cho đất nước bằng những sản phẩm có giá trị hay không”, nghệ sĩ Quang Thọ tâm sự.
Rất nhiều nghệ sĩ dù vẫn đang phải sống cảnh thuê nhà, thu nhập hàng tháng chưa nổi 5 triệu đồng nhưng khi được hỏi “Có bỏ nghề không?” họ đều lắc đầu. Để chia sẻ khó khăn với nhà hát, nhiều nghệ sĩ thành danh, rạng rỡ trên truyền hình, đạt danh hiệu NSND, NSƯT vẫn phải đến các doanh nghiệp, công ty câu kéo, mời chào để họ mua vé cho đoàn nghệ thuật.
Nghệ sĩ cải lương Quang Khải từng được một ngân hàng mời về làm việc nhưng anh đã từ chối. Khát vọng lớn nhất của anh hồi mới vào nghề là giành được một tấm huy chương ở một kỳ hội diễn, để làm kỷ niệm cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Đến nay, Khải đã ẵm 2 huy chương Vàng nhưng tình yêu với cải lương vẫn chưa bao giờ tắt. Để trang trải cuộc sống, Quang Khải đã từng làm các công việc tay trái từ thuê dàn âm thanh, làm MC, một thời gian dài làm hướng dẫn viên du lịch. Anh chia sẻ, công việc ngoài là để duy trì đam mê, kiếm thêm thu nhập nhưng quan trọng hơn là chúng tôi muốn mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn nữa với khán giả. Nó không còn là khoảng cách từ dưới khán đài nhìn lên sân khấu nữa mà khoảng cách đó đôi khi chỉ còn là một cái bàn ăn”.
Tác giả: Minh Ước
Nguồn tin: Báo Giao thông