Giáo dục

Nghệ An: Nỗi lo trường cũ trong năm học mới

Năm học mới 2017 - 2018 đã chính thức đi được gần nửa tháng. Đây cũng là thời điểm các nhà trường đã ổn định mọi công tác để đưa hoạt động dạy và học vào nền nếp. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường học ở Nghệ An vẫn đang bộn bề do trường cũ xuống cấp mà trường mới vẫn còn ngổn ngang, hoặc “đắp chiếu” chờ vốn.

Những ngôi trường “đợi”

Trường Mầm non xã Hưng Châu (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có 8 phòng học nhưng 5 phòng học đã cũ kỹ, xuống cấp, 3 phòng học còn lại, trường phải mượn tạm nhà văn hóa xóm với diện tích mỗi phòng chỉ hơn 10m2. Cô giáo Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tháng 10/2016, một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn (TPHCM) thông qua huyện đã về xã và hứa sẽ đầu tư hỗ trợ xây dựng cho xã một trường mầm non với số vốn 14,9 tỷ đồng. Xã Hưng Châu đã bố trí mặt bằng gần 7.000m2, bỏ gần 3 tỷ đồng để san lấp, xây dựng khuôn viên. Tuy nhiên, sau khi động thổ, dự án phải “đắp chiếu” gần 1 năm nay vì chưa thấy nhà đầu tư quay trở lại…

Còn Trường THCS Lam Thành đóng trên địa bàn là trường chung, sáp nhập từ 4 xã Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Khánh và Hưng Châu, do nhiều năm qua sĩ số HS liên tục giảm. Việc sáp nhập được xem là giải pháp tích cực nhằm mục đích tăng cường hiệu quả của đầu tư cơ sở vật chất. Trên thực tế sau 8 năm, khó khăn của trường vẫn còn chồng chất.

Thầy giáo Võ Đình Hòe, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện trường có gần 500 HS với 16 lớp. Tuy nhiên, từ khi sáp nhập do lớp không đủ, trường phải học hai ca. Các phòng chức năng của trường cũng rất tạm bợ, không đáp ứng đủ yêu cầu dạy học, trường chưa đạt chuẩn quốc gia. Đầu năm 2016, trường được Sở GD&ĐT hỗ trợ xây thêm một dãy phòng học từ nguồn vốn ADB thuộc Dự án “Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2”. Tuy nhiên, công trình xây xong móng thì buộc phải tạm dừng nhiều tháng nay do thiếu vốn. Hiện dù năm học mới đã bắt đầu, nhưng việc chỉnh trang khuôn viên trường lớp của trường vẫn còn ngổn ngang.

Tình trạng đợi trường lớp mới cũng đang là thực trạng tại nhiều địa phương khác như Trường Mầm non Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) hơn một năm vẫn đang chờ nhà tài trợ “hụt”; Trường Tiểu học 2 Phúc Thành (huyện Yên Thành) dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay vẫn dở dang, chưa hoàn thành…

Khó khăn về huy động vốn

Ông Đặng Văn Hóa – Trưởng phòng GD&ĐT của huyện Thanh Chương - cho biết: Kết thúc năm học 2016 – 2017, huyện có 3 trường mới được công nhận trường chuẩn quốc gia, và 10 trường được công nhận lại trường chuẩn và nâng chuẩn giai đoạn 2 đưa tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của toàn huyện lên 62,8% (81 trường). Mặc dù vậy, công tác xây dựng trường chuẩn của huyện vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, hầu hết các ngôi trường được xây mới của huyện có nguồn kinh phí đều từ của tỉnh và từ sự hỗ trợ thông qua xã hội hóa giáo dục. Còn trên thực tế, việc huy động từ ngân sách địa phương hầu như rất ít bởi đặc thù của huyện Thanh Chương là địa bàn rộng, số trường khó khăn nhiều.

Theo thống kê, Nghệ An hiện còn 1.403 phòng học tạm, mượn (trong đó, mầm non 748 phòng; tiểu 548 phòng; THCS 86 phòng; THPT 21 phòng). Qua khảo sát cũng còn ít nhất 120 trường thuộc diện đặc biệt khó khăn cần phải xây dựng. Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay, theo ông Nguyễn Mậu Lương – Giám đốc Ban Quản lý các dự án chuyên ngành GD-ĐT nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn cấp cho ngành GD giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 131 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, trong ba năm tới số trường được đầu tư xây dựng và sửa chữa chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Được biết, giai đoạn 2017 - 2020, Nghệ An sẽ được Trung ương hỗ trợ 254 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng phòng học xóa phòng học tranh, tre, tạm, mượn, cấp 4 xuống cấp cho 86 trường mầm non, tiểu học thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Ngành cũng đang tích cực làm các thủ tục để khởi động lại dự án hỗ trợ xây dựng trường học cho các trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn để sớm chấm dứt tình trạng dự án treo... Tích cực triển khai lập các thủ tục để xây dựng công trình; đồng thời kêu gọi xã hội hóa và sự vào cuộc của chính quyền địa phương để cùng chung tay chăm lo cho cơ sở vật chất trường lớp cũng như nâng cao chất lượng GD.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Từ khóa: nỗi lo , trường cũ , năm học

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP