Tin láng giềng

Nghệ An: “Liệt sĩ” trở về sau 40 năm sống ẩn dật trong rừng sâu

Liệt sĩ trở về sau hơn 40 năm

Sau hơn 40 năm được công nhận là liệt sĩ, ông Nguyễn Chánh Nhường bỗng trở về như một phép màu của cuộc sống.

“Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường (SN 1955, trú tại xóm 19, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bỗng trở về sau hơn 40 năm “đã hy sinh” khiến dư luận tại vùng quê nghèo xôn xao.

Giấy báo tử gửi về cho gia đình ông Nhường.
Giấy báo tử gửi về cho gia đình ông Nhường.

Ông Nhường trở về sau mấy chục năm được người thân làm giỗ.
Ông Nhường trở về sau mấy chục năm được người thân làm giỗ.

Ông Nguyễn Chánh An (SN 1960) em trai “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường xúc động nhớ lại giây phút trùng phùng với người anh trai sau hơn 40 năm xa cách: “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Hôm đó vào ngày 18/3/2014, anh ấy bỗng trở về rồi đi lang thang trong làng. Cơ thể rất yếu ớt, trên người chỉ mặc một bộ quần áo rách nát cáu bẩn. May mà chị gái tôi đã nhận ra được anh Nhường nhờ nốt ruồi lớn ở cánh tay trái. Cả nhà tôi vui mừng khôn xiết chỉ biết ôm lấy anh mà khóc. Bởi đến giờ phút đó ai cũng nghĩ anh ấy đã hi sinh từ rất lâu rồi”.

Theo ông An, trong giấy báo tử mà gia đình nhận được, ông Nhường nhập ngũ năm 1971, ở đơn vị D22 tham gia chiến đấu tại chiến trường phía nam Quân khu IV. Đến năm 1973 gia đình nhận được tin ông Nguyễn Chánh Nhường đã “mất tích”. “Khi đó mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt lúc nhận được tin anh trai đã mất tích và cũng từ đó cả gia đình không nhận được thông tin gì về anh Nhường nữa”, ông An xúc động nhớ lại .

Ông Nhường trở về sau mấy chục năm được người thân làm giỗ.
Bằng tổ quốc ghi công chứng nhận ông Nhường đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được công nhận là liệt sĩ.

Tuy nhiên, gần 20 sau đó gia đình mới nhận được giấy báo tử từ đơn vị. Theo giấy báo tử số 2807 mà đơn vị báo về cho địa phương, gia đình vào ngày 25/06/1992, trong đó ghi rõ ông Nguyễn Chánh Nhường (SN 1949) nhập ngũ năm 1972, thuộc đơn vị D22, cấp bậc Hạ sỹ, chức vụ chiến sĩ, hy sinh vào năm 1973 tại chiến trường phía Nam nhưng chưa được tìm thấy hài cốt.

Đến tháng 9/1992, gia đình được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” số DE – 145, ngày 6/4/1073 ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Cùng năm đó, chính quyền địa phương đã làm lễ truy điệu cho ông Nhường và đưa vào thờ cúng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã Quỳnh Lâm. Bà Nguyễn Thị Tiệc (SN 1913, mẹ ruột của liệt sĩ Nhường) đồng thời được hưởng chế độ giành cho thân nhân liệt sĩ từ năm 1992 đến khi bà mất là năm 2001.

Ông Nhường và ông An (em ruột) tâm sự cùng PV tại buổi làm việc.
Ông Nhường và ông An (em ruột) tâm sự cùng PV tại buổi làm việc.

“Tôi chỉ nhớ được rằng sau khi mình cùng các đồng đội bị trúng bom rồi bị bắt đi. Sau đó chúng tưởng tôi đã chết rồi vứt xác vào rừng sâu. Tôi tỉnh lại thấy toàn thân bê bết máu, chỗ nào cũng đau. Tôi cố lết dậy đi hái lá cây ăn, rồi đắp lên các vết thương mà cố sống qua ngày ở núi rừng chẳng biết gì về thế giới bên ngoài”, ông Nguyễn Chánh Nhường nhớ lại.

Hàng chục năm ông sống một mình trong rừng sâu, hái lá cây để ăn, múc nước suối để uống… tồn tại qua ngày. Bản thân ông Nhường cũng không nhớ được mình ở đơn vị nào, quê quán ở đâu. Ông cũng không biết đi hướng nào để ra khỏi khu rừng rậm, rộng.

Cho đến một ngày như tiềm thức mách bảo, như có ai đó thôi thúc, ông đi ra khỏi khu rừng… Và những bước chân mệt mỏi đưa ông về quê hương.

“Ra khỏi rừng thì tôi cứ đi bộ như vậy. Cũng không nhớ được rằng mình đã đi bao nhiêu năm, bao nhiêu ngày nữa. Vừa đi tôi bứt cỏ dại ven đường, rồi ai cho gì thì ăn nấy. Lúc mệt quá thì nằm nghỉ. Về đến đây thì tôi đi vào làng và cứ lang thang mà chẳng biết mình đang ở quê…”, ông Nhường kể lại.

Cuộc sống khó khăn ngày trở vể


Từ ngày nhập ngũ cho tới ngày gia đình nhận được Bằng Tổ quốc ghi công và nhận được tiền hỗ trợ cho đến năm 2001, thì bố mẹ ông Nhường đã qua đời cũng vì thế mà ngày ông trở về phải ở với người anh, người em cho qua ngày đoạn tháng.

Dù được gia đình anh, em đưa về chăm sóc nhưng những ngày đầu ông Nhường vẫn giữ thói quen của một “người rừng” thực thụ: “Anh ấy thích ăn rau và không ăn được cá, thịt. Những ngày đầu anh ấy luôn ra ngoài bờ bụi hái các loại cây dại nhai ăn ngon lành. Thấy vậy mọi người cũng hái làm sạch rồi luộc cho ông ăn và ông vui lắm. Trong trí nhớ của ông bây giờ cũng không nhớ tên các anh em trong gia đình nữa. Trái lại anh tôi khi nào cũng nói chuyện một mình với những câu chuyện mà không ai hiểu” – ông Nguyễn Chánh An tâm sự về người anh trai của mình.

Từ ngày trở về, ông đi bốc than xỉ trong làng mưu sinh
Từ ngày trở về, ông đi bốc than xỉ trong làng mưu sinh

Theo gia đình anh em, thì từ ngày trở về ông đang cố nhớ những tháng ngày ăn rừng ngủ rú.
Theo gia đình anh em, thì từ ngày trở về ông đang cố nhớ những tháng ngày ăn rừng ngủ rú.

Đến thời điểm hiện tại trí nhớ của “liệt sĩ” vẫn rất mơ màng, lúc tỉnh lúc mê. Những tháng ngày được anh em chăm sóc, ông cũng đã khỏe hơn trước nhiều phần. Biết ăn thịt, ăn cá, ăn cơm như người bình thường. Tuy nhiên mỗi lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát thì ông lại ngã bệnh đau ốm triền miên.

Thường ngày ông Nhường ra làm công việc vặt tại một lò đốt vôi ở địa phương để kiếm thêm thu nhập và tự trang trải cho cuộc sống của mình: “Gia đình các em cũng nghèo nên chúng cũng khó khăn. Tôi xin làm các việc vặt ở lò đốt vôi. Mỗi ngày người ta trả cho vài ba chục ngàn lấy đó mà sống qua ngày. Cũng là có việc làm để cho khuây khỏa chứ ở nhà một mình buồn lắm” ông Nhường chia sẻ.

Nhìn người lính già nhọc nhằn bốc từng gánh vôi để mưu sinh chúng tôi vô cùng xót xa. Chiến tranh đã cướp đi của ông tất cả, tuổi thanh xuân, sức khỏe. Suốt hàng chục năm trời người lính ấy phải tồn tại như “người rừng” ăn lá cây, uống nước suối để sống. Khi trở về những vết thương trên cơ thể còn chưa lành hẳn, tinh thần vẫn còn chưa tỉnh táo. Vậy mà ông vẫn phải lao động vất vả để tồn tại qua ngày. Gia đình cho biết đến thời điểm hiện tại khi “liệt sĩ” đã trở về quê hương được gần 1 năm mà vẫn chưa nhận được chế độ gì.

Phóng viên đã có buổi làm việc với ông ông Lê Văn Hưng xã đội trưởng Quỳnh Lâm về trường hợp “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường. Ông Hưng cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin ông Nhường trở về chúng tôi cùng với UBND xã cũng đã trược tiếp xuống tận gia đình để thăm hỏi động viên sức khỏe đồng thời báo cáo sự việc lên Ban chỉ huy quân sự và Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện để cắt chế độ hương khói và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để ông Nhường được hưởng theo quy định của nhà nước”.

Ông ra đi khi mẹ còn khỏe, giờ ông về mẹ đã chết được hơn 20 năm.
Ông ra đi khi mẹ còn khỏe, giờ ông về mẹ đã chết được hơn 20 năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau gần 1 năm từ “cõi chết trở về”, ông Nguyễn Chánh Nhường vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào. Trả lời vấn đề trên, ông Hưng cho biết thêm: “Phía Ban chỉ huy quân sự huyện cùng xã đã trực tiếp nhiều lần xuống tận gia đình hướng dẫn. Trường hợp của ông Nhường sẽ được hưởng chế độ theo Nghị định 142 và sẽ được truy lĩnh một lần. Nhưng phía gia đình mong muốn ông Nhường được nhận hỗ trợ theo chế độ hàng tháng. Vấn đề này chúng tôi cũng đã báo cáo lại cho huyện để có phương án cụ thể đối với trường hợp của ông Nhường”.

Thiếu tá Trần Văn Thư – cán bộ phụ trách chế độ chính sách Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Lưu – cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về ông Nhường chúng tôi đã nhiều lần cho cán bộ về trực tiếp gặp ông, gặp gia đình để thăm hỏi sức khỏe của ông ấy. Đồng thời xác minh và làm các thủ tục cần thiết để ông Nhường được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước. Theo Nghị định số 142/2008/QĐ-TTD thì trường hợp của ông Nhường theo như gia đình khai báo, có dưới 10 năm công tác trong quân đội thì sẽ được hưởng chế độ truy lĩnh 1 lần. Nhưng phía gia đình mong muốn được hỗ trợ cho ông Nhường theo chế độ hàng tháng nên chúng tôi cũng đang trong quá trình xem xét, xác minh cụ thể”.

Ông Nhường trong một lần đi bốc vôi cho anh em trong xóm làng.
Ông Nhường trong một lần đi bốc vôi cho anh em trong xóm làng.

Thiếu tá Trần Văn Thư cho biết thêm: “Trường hợp của ông Nguyễn Chánh Nhường cũng rất đặc biệt nên cần xem xét kỹ bởi hiện sức khỏe, trí nhớ của ông không còn được minh mẫn. Hoàn cảnh lại neo đơn vì vậy chúng tôi sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trong phạm vi có thể để cuộc sống của đổng chí ổn định hơn trong thời gian tới”.

Ông Lê Đức Cường – Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu – chia sẻ cùng PV Dân trí: “Sau khi nhận được thông tin tôi cũng đã chỉ đạo anh em xác minh cụ thể, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp trước mắt. Còn về chế độ, chính sách thì giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện phối hợp cùng Phòng LĐTB&XH xác minh cụ thể, căn cứ các quy định hiện hành để có chế độ phù hợp cho đồng chí ấy”.

“Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước xem xét, hỗ trợ cho anh tôi có chế độ hàng tháng. Nếu lỡ sau này chúng tôi có mệnh hệ gì thì anh ấy đang còn có cái mà ăn uống, thuốc thang. Bây giờ anh ấy đau ốm thường xuyên, trí nhớ lại không còn được minh mẫn. Nếu anh ấy không có chế độ hỗ trợ nào thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn”, ông An em ông Nhường chia sẻ.

Nguyễn Phê – Nguyễn Tình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP