Văn hoá Dân gian

Ngày xuân nghe hát ca trù Cổ Đạm

Trong lất phất mưa bụi, âm thanh của mùa xuân đã đến thật gần. Và xuân nào cũng vậy, chúng tôi lại cùng nhau tìm đến không gian liêu trai của ngôi đền thờ tướng công Nguyễn Công Trứ để nghe hát ca trù. Đã nghe hát ở nhiều sân khấu lớn nhỏ nhưng chỉ riêng nơi này mới cho tôi cảm giác mình đang lạc giữa những cuộc hát ả đào từ ngàn xưa, để tâm hồn được miên di trong những buông lơi, níu kéo, đứt lìa…

hatinh24h1

Nghi Xuân từ xưa đến nay vốn nổi tiếng là miền đất hát của Hà Tĩnh, là nơi phát tiết của những sinh hoạt văn nghệ dân gian như ca trù, chèo Kiều, dân ca ví giặm… Đặc biệt, từ thế kỷ XVIII, XIX, giáo phường ca trù Cổ Đạm với những ca nương thanh sắc tài duyên đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, được vua quan triều đình Huế hết sức thích thú và thường xuyên mời vào cung biểu diễn. Sau một thời gian bị lãng quên, ngày nay ca trù đang được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống văn hoá nhân dân Nghi Xuân. Những lớp nghệ nhân, ca nương mới đã và đang tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của ca trù… Mỗi chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần du khách có thể nghe ca trù tại đền thờ Nguyễn Công Trứ với những giọng hát ngọt ngào, liêu trai…

Tích xưa kể lại, ông Đinh Lễ người làng Cổ Đạm (Nghi Xuân) là một công thần khai quốc nhà Lê sơ, một hôm nằm ngủ mơ gặp 2 tiên ông và được cho 1 miếng gỗ ngô đồng kèm bức vẽ cây đàn. Tỉnh dậy, mơ là thật, ông bèn làm như lời dặn, lạ thay tiếng đàn như tiếng thần tiên biết gọi chim, gọi gió, biết chữa bệnh cho người… Về sau, khi Đinh Lễ trở về làng, ông cùng vợ dạy đàn dạy hát cho bà con, ca trù sinh ra từ đó và cây đàn đáy mầu nhiệm ấy là yếu tố không thể tách rời của bộ môn nghệ thuật dân gian này… Mỗi dịp xuân về, Tết đến, ca trù lại được hát lên ở nhiều sân khấu, được khán giả hưởng ứng nhiệt tình.

“Chúc hổ” một điệu múa hát ca trù cổ nổi tiếng thường xuyên được biểu diễn trong triều đình đã được chị Trần Thị Cảnh – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá thể thao Nghi Xuân sưu tầm dàn dựng thành công. Trong ảnh, tiết mục múa hát Chúc hổ của CLB ca trù Nghi Xuân tại Liên hoan ca trù toàn quốc.

Đến thế kỷ XIX, thể hát nói mới có những tác phẩm được lưu truyền đến nay như những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Vùng đất địa linh Nghi Xuân là quê hương của tướng công Nguyễn Công Trứ, có lẽ vì vậy, ca trù ở đây có những màu sắc riêng biệt mà các vùng khác không có. Hát ca trù ở đền thờ Nguyễn Công Trứ luôn đem đến những cảm xúc đặc biệt cho những nghệ nhân, ca nương…

Ca nương nhí Thu Hà (ảnh) là một “hiện tượng” độc đáo. Dù tuổi còn nhỏ nhưng với năng khiếu thiên bẩm và niềm đam mê ca trù, Thu Hà đã sớm tiếp thu được các tuyệt kỹ của ca trù.

Ca trù Cổ Đạm dẫu không còn phát triển rực rỡ như trong thế kỷ XIX nữa nhưng với những nỗ lực của các nghệ nhân, ca nương, sinh hoạt văn hoá dân gian này đang trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những bữa tiệc âm nhạc. Trong nắng ấm của những ngày đầu xuân 2016, những thanh âm liêu trai của ca trù như dẫn dụ, như hờn trách, thoáng buông lơi, chốc níu kéo, cứ quyến luyến bước chân du khách không dứt ra được… Những điệu hát ca trù miên man, dìu dặt đã dẫn dắt tâm hồn tôi trở về với cội nguồn quá khứ….

Tuyết Mây

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP