Văn hoá Dân gian

Ngày xuân hát điệu sắc bùa (Hương Khê)

Hát sắc bùa-lối diễn xướng cổ tưởng bị lãng quên, nhưng đã được hồi sinh trong đời sống người dân xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, nhất là trong những ngày đầu xuân.

Xã Phú Gia một ngày đầu năm, cái lạnh thấm trong từng chiếc lá bàng khô dưới chân núi Ka Long. Từ căn nhà nhỏ của cố đạo Vũ Đình Hiền, tiếng trống cơm, tiếng cồng chiêng ngân vang như đang có hội.

Ở tuổi 73, dù đôi chân không còn nhanh nhẹn nhưng nhắc đến sắc bùa, cố đạo Hiền tỉnh hẳn người ra. Người trong làng gọi cố đạo Hiền là “linh hồn” của đội sắc bùa, bởi không ai am hiểu, hát hay, diễn được dẻo như cố. Đón khách vào nhà, cố đạo Hiền vui mừng: “Tết đến, Xuân về, đội hát sắc bùa đang tăng cường tập luyện không kể ngày đêm để phục vụ cho bà con và đi giao lưu với đội bạn”.

Kể về sự thăng trầm của hát sắc bùa, cố Hiền cho biết: Từ lúc sinh ra, tôi đã nghe bố mẹ hát sắc bùa. Các cụ hát, mình lẩm nhẩm hát theo, nhưng sau năm 1975, hát sắc bùa cứ mai một dần. Năm 2012, tôi tình cờ gặp cụ Lê Trúc, người Đức Thọ lên chơi, được nghe cụ hát một điệu sắc bùa đúng bài ngày xưa cha mẹ tôi vẫn hát. Nghe quen thuộc quá, tôi mới bàn với các cụ cao niên trong làng cùng khôi phục lại điệu hát sắc bùa. Nghe vậy, các cụ trong làng ai cũng hoan hỷ, đồng ý. May mắn hơn, chúng tôi được đích thân cụ Lê Trúc truyền dạy lại vào các buổi tối tại nhà cụ Phúc Đề ở xã Phú Gia.

Đội hát sắc bùa trong ngày hội của làng.

Một đội hát sắc bùa thường có 6-7 người, chia làm 4 đội: Đội trống gồm trống bái, trống cơm; đội sinh tiền; đội thâu đấu và đội hát. Các thành viên trong đội mang áo lụa, đầu chít khăn đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Người hát đòi hỏi phải thuần thục nhịp phách, câu chữ, giọng hát hay, có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo từng hoàn cảnh.

Hát sắc bùa thường có không gian rộng, ở trong nhà, ngoài ngõ, chùa, đền. Đội hát đi đến đâu, làng xóm râm ran, không khí vui tươi, sảng khoái đến đó. Các điệu hát sắc bùa rất phong phú, như điệu: Mở cổng, giao đất, chúc năm mới… Lời hát thường tùy thuộc vào nội dung của từng hoàn cảnh nhưng giai điệu, tiết tấu đều giống nhau.

Theo cụ Lê Khắc Tùng, một thành viên đội sắc bùa thì cái hay của hát sắc bùa đó là sự kết hợp giữa nhạc cụ, lời ca và phong cách diễn xướng. Cụ Tùng lấy dẫn chứng về hát mừng năm mới, khi đội sắc bùa đến ngõ, đánh trống lên, rồi gia đình ra đón đứng hai hàng hai bên. Ông cái xướng lên “Đầu xuân năm mới, chúng tôi đến gia đình. Trên kính lạy tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu an khang thịnh vượng. Sang năm mới kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn. Cầu tài thì đắc lộc, cầu bình an thì được bình an”. Các thành viên trong đội họa theo “Đón xuân đón Tết/ Xóm làng nô nức gia đình thành tâm”. Sau đó, gia đình mời đội hát vào làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên. Ông cái xin phép tổ tiên gia chủ hai tay nâng lá bùa dán lên cột nhà. Gia chủ sẽ biếu lại đội hát một món tiền nhỏ như lòng biết ơn, quà đáp lễ mà không nghĩ chuyện thiệt hơn. Người hát thấy ấm lòng, gia chủ cũng hân hoan.

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu nhưng có lẽ cố Hiền là người hiểu hơn ai hết những khó khăn mà đội hát sắc bùa đang trải qua. Mới đây, cố Hiền đích thân lên xã đề nghị đưa điệu hát sắc bùa vào danh mục do xã tổ chức để giảm bớt phần nào kinh phí tổ chức song vẫn chưa được chấp thuận. Về cơ bản, nhạc cụ, trang phục, nhân lực đã được đội hát trang bị đầy đủ bằng hình thức “lấy sắc bùa nuôi sắc bùa”, tức là đi hát thu được đồng tiền ít ỏi nào là các cụ lại đầu tư cho đội mà không màng nghĩ đến cá nhân. Thế cho nên mới sinh chuyện, có cố đạo suốt ngày đi tập, đi hát mang may mắn hạnh phúc cho người khác nhưng về nhà lại bị mang tiếng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Ông Trần Xuân Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Gia cho biết: “Hát sắc bùa vốn là điệu hát cổ của địa phương từ thời xa xưa, hoàng kim nhất là những năm 60-70 của thế kỷ 19. Ngày đó, ở mỗi làng đều có đội sắc bùa thường hát trong các ngày hội lễ, ở nhà chức sắc, quan lại vì những nhà này mới có tiền cho. Theo thời gian, hát sắc bùa bị mai một dần. Cách đây hai năm, hát sắc bùa được một nhóm các cụ cao niên khôi phục lại và được dân chúng đón nhận. Đến nay, phong trào hát sắc bùa đã trở lại. Nếu như trước đây, hát sắc bùa chỉ có trong các lễ hội, ngày Tết, chúc thánh thì nay các cụ còn hát trong những ngày lễ, phong trào văn nghệ của địa phương, đám cưới, mừng sinh nhật, mừng thọ, xông đất đầu năm, giao lưu với đội bạn… Đây là niềm tự hào vì một nét văn hóa cổ xưa đã được hồi sinh do chính những người dân làng khôi phục”.

Nói về hát sắc bùa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, PGS, TS Bùi Xuân Đính cho biết: “Hát sắc bùa có một ý nghĩa rất to lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Trước đây, hát sắc bùa mang nội dung chúc phúc trong các dịp đầu xuân năm mới, trong làng bản có các cuộc vui, thanh niên nam nữ cầm cồng đến từng nhà hát mừng. Ngày xưa, cũng có phụ nữ đi hát nhưng chế độ phong kiến ngặt nghèo nên hạn chế, bây giờ đã bình đẳng hơn nhiều. Mặc dù chủ đạo là chúc phúc nhưng ngày nay hát sắc bùa đã có sự mở rộng về nội dung, chủ đề nên phong phú hơn. Hát sắc bùa vì thế đã trở thành một nét văn hóa độc đáo cần được lưu truyền, nhất là trong những ngày Tết đến, Xuân về”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP