|
Bộ Quốc phòng Nga đã tung một tấm ảnh chụp từ vệ tinh nhà máy của nhà thầu quốc phòng Raytheon (Mỹ), cáo buộc rằng Washington đã chuẩn bị sản xuất tên lửa bị cấm theo INF từ 2 năm trước đây.
Bức ảnh được chụp từ ngày 3/12/2018, cho thấy nhà máy này có kích thước 4.150x2.300 mét. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổ hợp này bao gồm 3 khu vực sản xuất đang hoạt động, 1 khu vực vẫn đang được xây dựng cũng như khu vực thử nghiệm, trạm điện và kho lưu trữ bán ngầm.
Theo phía Nga, Mỹ dường như đã chuẩn bị để sản xuất các tên lửa vi phạm INF từ tháng 6/2017. Nhà máy mà Mỹ nâng cấp của Raytheon là “cơ sở có kích thước lớn nhất tại Mỹ”. Theo Nga, trong 2 năm, nhà máy này đã mở rộng kích thước lên 44% và có thêm 2.000 nhân sự.
Hồi tháng 11/2017, Quốc hội Mỹ chấp thuận chi 58 triệu USD cho Lầu Năm Góc để thực hiện “chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất”. Ngày 1/2, Mỹ đã dừng hiệp ước hạt nhân ký năm 1987 và tuyên bố quá trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng.
Trước đó, Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước hạt nhân. Washington cáo buộc rằng Moscow đã sản xuất tên lửa 9M729 vi phạm INF. Trong khi đó, Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ vi phạm hiệp ước khi triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Sau quyết định của Washington, Nga cũng tuyên bố dừng hiệp ước INF nhằm đáp trả Washington. Moscow cho biết họ sẵn lòng đối thoại nhưng sẽ không phải là bên khởi xướng đàm phán để cứu vãn hiệp ước.
“Hãy đợi cho tới khi các đối tác của chúng ta đủ chín chắn để tiến hành một cuộc đối thoại có ý nghĩa về chủ đề này - một chủ đề cực kỳ quan trọng với chúng ta, với họ và với toàn bộ thế giới”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí