Thế giới

Nga sẽ đầu tư mạnh cho lục quân để thu hẹp khoảng cách với Mỹ

Chiến lược hiện đại hóa quân đội Nga tập trung cho lục quân trong giai đoạn 2018-2025, nhằm bắt kịp công nghệ và lực lượng của Mỹ.

Xe tăng T-14 Armata sẽ là một trọng tâm hiện đại hóa của Nga. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng An ninh Liên bang Nga Viktor Bondarev cho biết phần lớn ngân sách phát triển vũ khí hơn 321 tỷ USD giai đoạn 2018-2027 sẽ được đầu tư cho lục quân thay vì hải quân, động thái được đánh giá nhằm giúp lục quân Nga bắt kịp với Mỹ, theo National Interest.

Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng sự thay đổi trọng tâm đầu tư sang lục quân của Moscow tương đối dễ hiểu. Nga là cường quốc đất liền ở lục địa Á - Âu, đồng thời việc hiện đại hóa cũng xem xét tới những kinh nghiệm nước này tiếp thu được trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

"Kinh nghiệm tại Ukraine cho thấy lục quân sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột tương lai. Bên cạnh đó, những mẫu xe tăng và thiết giáp tối tân của Nga đã sẵn sàng đi vào sản xuất hàng loạt", chuyên gia Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, ông Gorenburg cho rằng nguyên nhân chính khiến Nga đầu tư mạnh cho lục quân là sự xuất hiện của các mẫu xe tăng, xe thiết giáp thế hệ mới của Moscow. "Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và xe thiết giáp chở quân Boomerang dự kiến được biên chế trong 8 năm tới, dù một số khí tài như xe tăng T-14 có thể bị giới hạn số lượng do chi phí sản xuất lớn", Gorenburg cho biết. Bên cạnh đó, Nga sẽ tiếp tục sản xuất các tổ hợp pháo và tên lửa mới nhằm thay thế vũ khí từ thời Liên Xô.

Giới chuyên gia nhận định quá trình hiện đại hóa cũng giúp lục quân Nga sở hữu hệ thống tình báo, trinh sát và giám sát (ISR) và tác chiến điện tử hoàn toàn mới. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn gặp nhiều trở ngại, trong đó bao gồm chậm tiến độ trong việc xây dựng mô hình chiến trường kết nối mạng hiện đại.

Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

"Hệ thống chỉ huy tự động cấp chiến thuật dành cho lục quân Nga vẫn gặp nhiều lỗi. Theo kế hoạch ban đầu, Nga sẽ triển khai hệ thống này cho 40 lữ đoàn vào năm 2020, nhưng đến nay chúng mới chỉ được thử nghiệm ở một sư đoàn", ông Gorenburg cho biết.

Quân đội Nga có thể nhận định rằng hệ thống tác chiến tự động cần cải tiến trước khi trang bị đại trà. Do đó, việc phát triển mô hình chiến trường kết nối mạng hiện đại nhiều khả năng sẽ bị hoãn đến sau năm 2027.

"Quân đội Nga vẫn đủ mạnh để tự vệ trong chiến tranh thông thường và đánh bại các đối thủ xung quanh. Chương trình mua sắm vũ khí mới chủ yếu nhằm giữ tiến độ cải tiến công nghệ so với các đối thủ chính là Mỹ, NATO và Trung Quốc", ông Gorenburg đánh giá.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP