|
Nhạc sĩ An Thuyên bên chiếc loa cổ. Ảnh: Anh Hoài |
Nhạc sỹ An Thuyên sinh năm 1949 tại vùng quê nghèo Quỳnh Lưu (Nghệ An). Đó là một làng quê yên bình, có truyền thống văn nghệ dân gian. Những buổi chiều chăn trâu, thanh âm gần gũi của cuộc sống thôn quê như tiếng sáo diều, tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc ít người đã ăn sâu vào tiềm thức của cậu bé mục đồng có tâm hồn nghệ sỹ. Nhạc sỹ cho biết: “Môi trường thuần chất âm nhạc dân gian có một sức cuốn hút kỳ lạ với những người như tôi. Và dòng sữa ban đầu về thế giới âm nhạc đó đã tác động trực tiếp đến thiên hướng sáng tác của tôi sau này”. Chính yếu tố ban đầu ấy cộng với tri thức, tư duy âm nhạc hiện đại đã giúp nhạc sỹ tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca.
Những tác phẩm của ông không hẹn mà gặp nhau ở một nguồn mạch theo cách tự nhiên nhất. Khán giả chỉ cần nghe là biết của An Thuyên. Tính cách âm nhạc ấy còn được khán thính giả nước ngoài yêu mến, ngưỡng mộ, họ còn cho rằng, ông là người đã mang văn hóa Xứ Nghệ ra thủ đô. Thì đúng là thế, ông sống ở Hà Thành hơn 30 năm nay, nhưng giọng Quỳnh Lưu vẫn không hề thay đổi và hơn hết chính là nhân cách, tâm hồn ông có được từ nền văn hóa ấy đã có một chỗ đứng riêng ở thủ đô hoa lệ. Âm nhạc của ông đã tìm được chỗ neo đậu vững chắc trong lòng công chúng, để công chúng có cơ hội được biết đến một Nghệ Tĩnh cằn khô sỏi đá, khắc khổ mà tinh tế, đằm thắm, ngọt ngào và nhân nghĩa.
Trong gia tài ca khúc của nhạc sỹ An Thuyên có không ít bài viết về quê hương Hà Tĩnh như Bâng khuâng đêm Hà Tĩnh, Hà Tĩnh mình thương, Quê mình quê thơ, Thương nhau tìm về… Ông lý giải cho những tình cảm thiết tha trong các ca khúc này bằng một nguyên cớ duy nhất và bền sâu nhất, đó là bởi với ông, Nghệ – Tĩnh là quê hương và dù có chia tách về địa giới hành chính thì Hà Tĩnh chưa bao giờ là ngoại tỉnh. Chính vậy mới có rất nhiều câu hát đượm nghĩa tình đến thế.
Bến quê. Ảnh: Công Thành |
Tôi tự hỏi, nếu như không coi Hà Tĩnh là quê hương thì liệu nhạc sỹ có cất lên tiếng gọi “quê mẹ” tự nhiên đến thế không: Nay con về quê mẹ, tình thắm đượm bao la, đò đi đến Tam Soa, đò ngược về Nam Phố (Bâng khuâng đêm Hà Tĩnh). Và nữa, nổi tiếng hơn, được yêu thích nhiều hơn chính là những câu hát “cắt cứa” trái tim người nghe trong Hà Tĩnh mình thương. Tôi đã đến nhiều nơi và bất cứ nơi đâu, chỉ cần cất lên: Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ thì dù đó là Tây Nguyên nắng gió hay Trường Sa rộn sóng, dù đó là đất mũi thân thương hay Lũng Cú xa xôi… đều có thể tìm được những tâm hồn đồng điệu, không nhất thiết quê hương của họ là đâu. Những câu hát cháy bỏng nghĩa tình đã bám rễ trong lòng công chúng. Họ yêu thích không bởi cái hay của âm nhạc, cái đẹp của ca từ mà chính là những tình cảm thẳm sâu, chất chứa trong đó.
Trong suốt buổi trò chuyện, vị tướng – nhạc sỹ luôn đau đáu rằng, cả đời này, ông hàm ơn nền văn hóa Nghệ Tĩnh bởi không chỉ “sữa thơm” mà cả “gió bụi cát bay” đã hun đúc nên nhân cách và tâm hồn ông. Điều này đã được ông khẳng định trong ca khúc Neo đậu bến quê viết chung cho miền quê Nghệ – Tĩnh. Những câu hát cháy bỏng, thiết tha, đau đáu cõi lòng cứ vướng vít lòng người không dứt: Hát lại giọng đò đưa, như mẹ ru hồn tôi. Điệu buồn và điệu thương, sao cháy lòng đến thế/ Người về neo đậu bến mô chứ hồn tôi bến quê neo đậu người ơi.
Phải, chính nhờ sự nương náu bền sâu ấy, An Thuyên mới có thể viết được những câu hát vừa cụ thể vừa khái quát, sâu lắng và đậm nghĩa tình như thế này: Dân tôi ngàn năm khó nhọc/ Mà sống chắt chiu câu nghĩa tình/ Biết khi mô trong, khi mô đục/ Rằng là nhục, là vinh hỡi ai!/ Hà Tĩnh ơi! Quê mình, mình thương! Như núi Hồng, sông La/ Sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta/ Đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về/ Để tình mẹ ấp iu, ôi thương biết bao nhiêu/ Hà Tĩnh mình ơi!
Có lẽ chính nhờ những tình cảm đặc biệt đó mà vừa qua, tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh lần thứ II tại Hà Tĩnh, chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví giặm” do ông đạo diễn đã nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng. Chương trình đã hội tụ rất nhiều lớp nghệ sỹ của quê hương Hà Tĩnh, Nghệ An và gọi về đầy đủ các giá trị của dân ca ví, giặm. Đó cũng chính là cách neo đậu tâm hồn với bến quê hương của người con xa xứ An Thuyên.Trong những cảm thức đặc biệt, âm nhạc của An Thuyên cũng đã tìm gặp được tứ thơ độc đáo, đậm nét riêng Hà Tĩnh của Yến Thanh để hình thành nên ca khúc Quê mình quê thơ vừa mênh mang vừa sâu lắng, mang mang hoài cổ, say đắm khôn nguôi: Quê mình ai ơi, sông Lam núi Hồng quấn quýt bên nhau, hèn chi cò trắng phải lòng ca dao…, tình như lửa cháy nên thơ quê mình, tình yêu gọi mãi trốn trăng theo em tìm về.
Và đâu chỉ nhạc sỹ, rất nhiều đứa con Hà Tĩnh ly hương đã âm thầm rơi lệ và khao khát trở về khi nghe âm nhạc của ông. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng con đường âm nhạc của nhạc sỹ An Thuyên chưa bao giờ ngừng nghỉ. Mỗi ngày trên căn gác cũ kỹ, tiếng lòng ông vẫn rung lên trong những xúc cảm không dứt với hồn quê, tình quê, với tình người và với cả những nhận cảm mới của lòng mình.
Anh Hoài/.Baohatinh.vn