Thế giới

Mỹ muốn tăng số lượng máy bay tiếp dầu để đối phó Trung Quốc

Không quân Mỹ cần thêm nhiều máy bay tiếp liệu để đảm bảo cho oanh tạc cơ cỡ lớn tham chiến nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra.

Vận tải cơ C-17 Globemaster III tiếp nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu Boeing KC-46. Ảnh: USAF.

"Thách thức tại Thái Bình Dương là khoảng cách tác chiến rất xa, đồng nghĩa với việc các phi đội máy bay tiếp dầu có vai trò rất quan trọng", Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 10/10 và nhấn mạnh đến năm 2030 không quân Mỹ cần sở hữu 54 phi đội máy bay tiếp liệu. "Trong giai đoạn 2025-2030, chúng tôi tin rằng Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất".

Các máy bay tiếp liệu là một phần của sáng kiến chung nhằm tăng cường sức mạnh tổng thể của không quân Mỹ, có vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hoạt động của các tiêm kích và oanh tạc cơ, theo Business Insider.

Khi căng thẳng trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng gần đây, Washington đã tăng cường triển khai oanh tạc cơ tầm xa B-52H tuần tra ở khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Có những lúc không quân Mỹ cho hai lượt B-52 xuất phát từ đảo Guam tuần tra vùng biển trên chỉ trong ba ngày, và chuyến bay gần nhất của oanh tạc cơ này diễn ra vào ngày 10/10, theo phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ. Trong các chuyến bay tuần tiễu đó, B-52H thường được hỗ trợ bởi các máy bay tiếp liệu.

Các chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các tổ hợp vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), trong đó có tên lửa không đối không với tầm bắn khoảng 300 km, xa hơn mọi tên lửa đối không gắn trên các máy bay hiện nay của Mỹ.

Tên lửa này được Trung Quốc thiết kể để tiêu diệt các loại máy bay hỗ trợ có tốc độ bay chậm và dễ bị tổn thương như máy bay tiếp liệu hay máy bay cảnh báo tầm xa, từ đó vô hiệu hóa năng lực chiến đấu tầm xa của các loại tiêm kích tối tân như F-35 của Mỹ.

Với chiến thuật này, Trung Quốc cần cần phải phát hiện và tiêu diệt tiêm kích tàng hình F-35, mà chỉ cần nhắm vào những máy bay tiếp dầu dễ bị tổn thương là đã đủ để chiến đấu cơ Mỹ không thể tiếp cận được mục tiêu của Bắc Kinh.

Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào hệ thống phòng không tích hợp dựa trên nền tảng các tổ hợp sản xuất trong nước và nhập khẩu. Nhiều tổ hợp vũ khí của Trung Quốc xuất hiện trong các cuộc tập trận nhưng khả năng thực chiến của chúng đến đâu vẫn là điều ít biết.

Tác giả: Nguyễn Tiến

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP