Những lời cam kết tương tự từng được lặp đi lặp lại trong những cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo Mỹ -Trung Quốc. Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra những lời hứa hẹn vào tháng 9-2016, khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cho biết hai nước nhất trí các biện pháp tăng cường ngăn chặn fentanyl vào Mỹ.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói Trung Quốc là nguồn cung cấp chủ yếu fentanyl bất hợp pháp vào Mỹ - vốn dẫn đến con số kỷ lục 70.000 cái chết vì sử dụng quá liều ở nước này hồi năm 2017.
Thế nhưng, việc trừng trị hành vi sản xuất và phân phối fentanyl ở Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Các gói fentanyl bị thu giữ tại sân bay Chicago – Mỹ. Ảnh: Reuters |
Chính vì vậy, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 1-12 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý dán nhãn fentanyl là chất bị kiểm soát như "một cử chỉ nhân đạo tuyệt vời" thì các nhà phân tích nhận định đừng vội mừng.
Ông John Collins, giám đốc điều hành đơn vị chính sách thuốc quốc tế tại Trường Kinh tế London (Anh), cho rằng: "Đối với tôi, dường như đây lại là câu chuyện cũ".
Theo đài CBC, Trung Quốc không thường giữ lời hứa của mình. "Những lời cam kết tương tự đã không có được sự chấp thuận của các nhà quản lý Trung Quốc trong quá khứ" - Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc cho biết. Hồi tuần trước, cơ quan này chỉ trích Bắc Kinh về những quy định đối với fentanyl chậm và kém hiệu quả.
Cách tiếp cận mới của Trung Quốc có thể thay đổi cuộc chơi như ông Trump nói. Nhưng đến nay vẫn chưa có thời gian cụ thể đối với việc thực thi chính sách kiểm soát fentanyl. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 3-12 cho rằng: "Đó chỉ là một thông báo từ phía Trung Quốc. Hoạt động cụ thể cần diễn biến thêm nữa".
Trong khi đó, Mỹ cũng đang trông chờ Trung Quốc có động thái ngay lập tức về các vấn đề thương mại sau khi hai bên đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bao gồm mức thuế thấp hơn đối với xe hơi và các biện pháp chống đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (giữa). Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hôm 3-12 cho biết giới chức Trung Quốc đã đưa ra cam kết thương mại hơn 1.200 tỉ USD. Tuy chi tiết cam kết đó vẫn cần đàm phán nhưng Bộ trưởng Mnuchin kỳ vọng: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi có được cam kết như vậy từ họ và đây sẽ là một thỏa thuận thực sự".
Trung Quốc cũng cam kết ngay lập tức bắt đầu dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, bao gồm giảm 40% thuế đối với ô tô. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ lần đầu tiên có thể nắm quyền sở hữu đa số tại các doanh nghiệp Trung Quốc, giúp giải quyết các mối quan tâm hàng đầu của Mỹ về vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Người lao động