Thế giới

Mỹ bất ngờ rút quân khỏi căn cứ tại "chảo lửa" Syria, tiến về Iraq

Mỹ đã sơ tán một trong những căn cứ quân sự của mình ở tỉnh Hasakeh, thuộc đông bắc Syria và chuyển tới Iraq, giữa lúc căng thẳng leo thang.

Binh sĩ Mỹ tại Syria. Ảnh: AP


Lực lượng Mỹ dứt khoát từ bỏ căn cứ bất hợp pháp của họ ở thị trấn Kherab al-Jeer, gần biên giới với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin SANA chính thức đưa tin hôm 8/1, dẫn nguồn tin địa phương.

Thông tin chi tiết, khoảng 40 xe tải chở thiết bị hậu cần và xe quân sự đã rời khỏi căn cứ và đi vào lãnh thổ Iraq thông qua cửa khẩu biên giới al Waleed.

Truyền thông Syria đưa tin, quân đội Mỹ cũng bắt đầu sơ tán hai căn cứ của mình tại mỏ dầu al-Omar và nhà máy khí Conoco, ở phía đông bắc của tỉnh Deir Ezzor.

Truyền hình chính thức của Syria phát sóng hình ảnh khoảng 50 xe tải và phương tiện, được bảo vệ bởi hai máy bay trực thăng, đã rời căn cứ nói trên theo hướng thành phố Shaddadi phía nam Hasakeh, trước khi tiến về biên giới với Iraq.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cho biết rằng, sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông bị kích động bởi cuộc tấn công của Mỹ tại Iraq vào sáng 3/1.

Cụ thể, Mỹ đã dùng máy bay không người lái phóng hai quả tên lửa vào đoàn xe chở tướng Soleimani đang rời sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq. Vụ việc khiến tướng Soleimani, chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis và một số người khác thiệt mạng.

Ngày 4/1, Mỹ tiếp tục triển khai đợt không kích mới nhắm vào vị trí của một thủ lĩnh lực lượng bán vũ trang Hashed al-Shaabi do Iran hậu thuẫn, khiến ít nhất 6 người chết, 3 người bị thương nặng.

Ngày 7/1, Iran đã bắt đầu có động thái "trả đũa Mỹ. Quốc hội Iran thông qua dự luật xem tất cả lực lượng quân sự Mỹ và nhân viên của Lầu Năm Góc cùng các tổ chức, mật vụ, tư lệnh liên quan và những ai đã ra lệnh giết tướng Soleimani đều là khủng bố.

Ngày 8/1, Iran nã hơn chục tên lửa vào hai căn cứ quân sự trên đất Iraq có lính Mỹ đồn trú tại al-Asad và Irbil.

Theo các chuyên gia quân sự, vì không có thương vong nào, các cuộc tấn công hôm 8/1 sẽ là cơ hội để cả hai bên cùng giảm căng thẳng, hạ nhiệt khủng hoảng mà không bị mất thể diện.

Theo đó, Iran có thể tuyên bố họ đã trả thù bằng bạo lực cho cái chết của tướng Soleimani, và quay trở lại với kiểu chiến tranh mà họ ưa thích là điều khiển các lực lượng ủy nhiệm ở các nước xung quanh.

Bên cạnh đó, Tehran cũng có thể gây sức ép lên Iraq nhằm trục xuất lực lượng Mỹ khỏi nước này, mục tiêu được yêu thích với cá nhân ông Soleimani trước đây, và cũng là ưu tiên cao nhất trong chính sách khu vực của Iran.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể lùi lại và nhún nhường trước sự trả đũa không đáng kể của Iran. Ông Trump cũng đã có được những điểm số mà ông muốn cho cuộc bầu cử sắp tới.

Tác giả: Mộc Miên (Theo Prensa Latina)

Nguồn tin: Báo ĐS&PL

  Từ khóa: Iraq , Syria , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP