Đặc Sản Hà Tĩnh

Mùa hến Sông La

Sự ưu đãi của thiên nhiên đã giúp cho nhiều ngươi dân có công việc thường xuyên, ổn định, đời sống khá giả có điều kiện nuôi con ăn học thành tài.

Những ngôi nhà khang trang nằm ngay cạnh dòng sông La ở thôn Bến Hến (xã Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đa số là của những gia đình sống bằng nghề cào hến.

Mùa hến Sông La

Nghề ở bến sông

Chúng tôi tìm về Bến Hến bên bờ sông La hiền hòa, thơ mộng để tìm hiểu về nghề làm hến truyền thống nỗi tiếng từ lâu trên vùng đất có truyền thống khoa bảng.

Từ 2 giờ chiều thôn Bến Hến đã tấp nập thuyền mang đầy hến trở về. Dưới bến có hằng chục chiếc thuyền. Trên bến sông nhiều người chuẩn bị thúng to, thúng nhỏ và các đồ dùng để chuẩn bị đãi hến.

Nhiên liệu như củi để nấu hến và dầu dùng cho thuyền cũng được lái buôn bán và vận chuyển đến tận nơi. Vì thế không khí trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp hẳn lên.

Thuyền về bến với những khoang đầy loại hến to, hến nhỏ. Những bàn tay thoăn thoắt của những người phụ nữ bắt đầu đãi hến cho kịp buổi chiều hôm.

Chúng tôi ghé thuyền của anh Tình và chị Hương khi anh chị vừa cho thuyền về bến sau hơn nửa ngày cào hến trên sông Lam. Ngừng tay đãi hến gạt những gọi mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì phải thường xuyên làm việc dưới trời nắng, anh Tình cho hay:

“Mùa hến ở đây bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Tám. Nghề cào hến xưa vốn rất vất vả, cực nhọc. Bây giờ nghề cào hến đỡ vất vả hơn vì không phải chèo thuyền hay ngụp lặn dưới nước nhiều giờ liền trong giá rét hay nóng nực để mưu sinh.

Ngày nay, những gia đình theo nghề hến hầu như đã sắm được thuyền chạy bằng máy có động cơ trên dưới 24 mã lực, có hộp số phục vụ việc kéo, điều khiển thuyền, vợt cào hến.

Vợt cào hến được làm bằng khung sắt có chiều dài 1,2 m, cao khoảng 20 cm, được bọc lưới dài khoảng 3 m, nhủi có khoan nhiều lỗ, khi cào hến sẽ ở lại cát trôi đi. Người cào hến chỉ việc kéo hến bỏ lên thuyền.

Tuy vậy, vẫn luôn đòi hỏi người làm hến chịu khó, cần mẫn, chăm chỉ và có kỹ thuật làm hến. Một ngày việc vẫn bắt đầu từ 3 giờ sáng, chạy thuyền về nơi có nhiều hến. Bây giờ phải chạy thuyền sang Sông Lam (cách thôn Bến Hến mấy chục cây số) để thả cào kéo hến.

Phải tìm được những nơi có nhiều hến dưới cát. Phải khéo léo bỏ cào hến xuống rồi dùng thuyền kéo hến rồi đem lên. Việc cào hến kéo dài cho đến gần quá trưa khi thuyền dầy hến.

Thuyền về bến khi mặt trời  xế chiều. Cả bến sông nôn nao đón đoàn thuyền “đi hến” trở về. Vợ chồng anh Tình chị Hương tiếp tục công việc “đãi hến”, nhặt hết sỏi và rửa cho hến thật sạch. Công đoạn đãi hến phải làm từ 3 giờ chiều đến tối mới hoàn thành được cả mấy khoang đựng đầy hến.

Sau khi được đãi sạch, hến được ngâm ngay ở bến sông trong những cái thúng lớn. Việc ngâm hến kéo dài khoảng trên 10 tiếng để hến nhả cát và chất bùn ra.

Đến khoảng 3 giờ sáng người làm hến đã phải thức đậy nhóm lò luộc hến. Hến được đum đủ “3 sôi, 2 trào”- nồi luộc hến đến sôi, khi nước hến trào ra khỏi nồi rồi thì dùng đũa cả khoắng cho đều đến khi hến “há miệng” thì được vớt hến ra để ráo và lại bắt đầu công đoạn đãi lấy ruột.

Đãi lấy ruột hến là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại của người phụ nữ vì đây là thành quả cả một chuyến đi ngược sông phụ thuộc việc có lấy được hết ruột ra khỏi vỏ hay không.

Hến ruột sau khi được đã sạch sẽ được thương lái tới tận nơi để mua, không cần phải vất vả gánh bán rong như trước đây nữa.

Hến sông La thơm ngon bởi được luộc với nước sông La, chất đốt bằng ruột nứa, cây sim, cây bổi và ngày nay thì dùng thêm nhiều củi gỗ được mua từ miền núi.

Vì vậy, hến được nấu tại đây có màu trắng sữa có hương thơm đặc trưng quyến rũ, ngọt mát, thơm, bổ dưỡng… Chính vì vậy mà người dân Đức Thọ đã có câu ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).

Hến ra lò đã được các thương lái đem đến Chợ Hôm, Chợ Trổ, Chợ Trai, qua Chợ Cầu, Chợ Thượng Chợ Bộng… Hến được các thương lái đem điạ bàn huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang, TP Hà Tĩnh và có khi được vận chuyển đi xa đến huyện Kỳ Anh.

Còn các bộ phận khác của hến đều kiếm ra tiền. Rột hến dùng nấu canh, xào dưa chuột xúc bánh đa hay nấu cháo, đổ bánh đúc. Nước hến ngọt mát nấu canh hay dùng uống thay nước sôi. Võ hến bán để trộn làm thức ăn nuôi vịt gà hoặc được đốt nung làm vôi.

Vì thế, nghề hến chẳng bao giờ phải lo “thất nghiệp” thế nhưng càng ngày càng ít người theo cái nghề này. Hến cũng ít dần di do tình trạng khia thác cát trái phép trên sông làm mất bãi cát, hến dần không còn nơi sống.

Khệ nệ giúp chồng bê từng rổ Hến lên bờ chị Hương cho biết: Hôm nay “cả thảy được 5 rổ”. Chị nhẩm tính được khoảng 5 rổ hến tươi được (khoảng 40 kg) bán tại bến là 150 ngàn đồng, trừ các chi phí hôm nay nhà chị kiếm được khoảng trên 350 ngàn đồng.

Chị Hương cũng cho biết, mỗi ngày có trung bình trên 100 chiếc thuyền “đi hến”, cung cấp cho thị trường hàng chục tấn hến tươi.

Anh Tình nói, nhờ có nghề hến mà nhiều hộ cũng như gia đình anh đã tích góp được tiền làm nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đặc biệt là có điều kiện để nuôi con cái ăn học.

Những người làm cha, làm mẹ ở thôn Bến Hến điều vui mừng nhất là hiện nay có con em theo học các trường Đại học, Cao đẳng. Nhiều em tốt nghiệp ra trường đã trở về quê dạy học hoăc tham gia các công tác ở địa phương.

Thỉnh thoảng những ngày nghĩ lễ các em lại cùng bố mẹ “đi hến” như là hành động để đền đáp công lao bố mẹ đã cực nhọc nuôi nấng mình lớn lên.

Bên cạnh nghề cào hến người dân nơi đây còn mở mang, mưu sinh nhiều ngành nghề như: Đan lát, đóng thuyền, nung vôi và chạy chợ bán buôn.

Ai đã một lần đến nơi đây, xem những công việc họ làm thì mới hiểu được nét truân chuyên, cần mẫn và nhộn nhịp của người làm Hến.

Làng hến – làng học

Anh Tình kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về làng hến về  tích lưu truyền về sự ra đời của làng hến: Xưa, có cậu học trò nghèo cua làng học giỏi, đỗ đạt cao.

Khi đi quan đò về làng vinh quy bái tổ, cậu đánh rơi sắc phong của vua ban xuống. Dân làng tìm mọi cách lặn mò để tránh tội khi quân. Khi tìm được tấm thẻ bài đã phát hiện một số con vật bám vào.

Con vật chỉ nhỉnh hơn chiếc cúc áo ấy sinh ra từ vị ngọt phù sa sông quê, đem nấu canh an rất ngọt, nấu cháo ăn cũng bùi, lại có thể trộn gỏi, xào giá kẹp với bánh đa…ăn ngon lạ thường.

Nghề cào hến của dân làng này bắt đầu từ đó, lúc đầu chỉ phục vụ nhu cầu trong các bữa ăn của các gia đình, sau đó phát triển thành một nghề nuôi sống bao đời người dân thôn Bến Hến.

Cậu học trò ấy đã được dân làng tôn làm Thành Hoàng, lập đền thờ uy nghi ngay trên bến thuyền làng hến. Cứ vào ngày mồng 7 tháng giêng hằng năm, dân làng Bến Hến tổ chức lễ hội rước thuyền và cúng tế linh đình, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho một năm đánh bắt xuôi chèo mát mái.

Trước đây bố của anh luôn dặn con cháu: “Ngày trước, các ông bà đều không có điều kiện học hành nên người dân làng hến hết đời này qua đời khác đành ngận ngùi an phận làm nghề “cào hến” để mưu sinh.

Nhưng giờ đây đã đổi khác, ít thanh niên theo nghề sông nước này. Cái nghề vất vả quá nên ai cũng cũng động viên con mình gắng học để thoát kiếp “tứ bần” quanh năm làm nghề “bán xương nuôi thịt”.

Hơn mấy chục năm nay, người dân làng hến chúng tôi đều tập trung tiền bạc cho con cháu học hành tử tế thực hiện khát vọng vươn xa…

Gia đình tôi có 3 đứa con, không đứa nào theo nghiệp của bố mẹ. Nhờ được đầu tư và có ý thức phấn đấu học hành nên cô con gái đầu tốt nghiệp Đại học Vinh đã có công việc ổn định, một con trai học nghề rồi đi xuất khẩu lao động, còn một cậu đang học nghề chụp ảnh đám cưới ở TP Hà Tĩnh.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thôn Bến Hến có 280 hộ, hơn 887 nhân khẩu sống dọc bờ đê sông La.

Trước đây cả làng làm nghề cào hến nhưng hện nay chỉ còn khoảng 30% theo nghề. Số hộ còn lại đã chuyển sang làm các nghề dịch vụ.

Bây giờ, thôn Bến Hến có nhiều hộ giàu, hộ khá lên từ nghề làm hến. Con em làng hến có điều kiện tập trung vào việc học, vì thế năm nào cũng có rất nhiều em đỗ Đại học với số điểm rất cao.

Riêng trong 2 năm học vừa rồi có 3 em học sinh giỏi cấp quốc gia, 8 em học sinh giỏi cấp tỉnh, 120 em học sinh giỏi cấp huyện, 58 em đậu ĐH, CĐ.

Tôi ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ ở Bến Hến khi nắng chiều đã nhạt, gạt những giọt mồ hôi trên trán sau khi theo chân những người đang đãi hến dưới bến sông.

Dưới gốc cây đa có những em nhỏ đang chơi trò đập vỏ hến. Dưới bến sông, từng cặp vợ chồng đang cùng nhau xay đãi hến làm cho sóng nước chiều sóng sánh cả bến sông quê.

Nhiều người con đã được rèn luyện với công việc vất vả ở Bến Hiến này đã thành đạt đã và đang làm việc ở mọi miền Tổ quốc, nhiều người vẫn nhớ về bến quê với những bát hến đậm đà ngọt mát vị quê hương.

   Cả gia đình cùng nhau đãi hến.

Minh Thư

  Từ khóa: Mùa hến , hến Sông La , Mưa , Sông La

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP