Giáo dục

Món quà to ngày 20/11 của thầy hiệu trưởng

Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kể về những món quà Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, trong đó có "quà rất to".

Món quà đầu tiên tôi nhận được khi nào có lẽ khó nói quá. Bốn mươi năm làm nghề dạy học, có nhiều học trò tặng quà cho tôi, trong đó có quà vật chất và quà tinh thần.

Hôm nay, tôi xin nói về quà tinh thần. Không phải nhà giáo không nhận được quà vật chất, càng không thể nói nhà giáo chỉ sống bằng giá trị tinh thần, nhưng với câu hỏi bất ngờ của bạn, "Món quà Ngày 20.11 có ý nghĩa nhất là gì?", tôi để trí nhớ trả lời hộ.

Ông Nguyễn Kim Hồng kể về những món quà ngày 20-11

Năm 1978, tôi được cử vào công tác ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một năm sau đó thì làm chủ nhiệm lớp. Cả đời làm thầy giáo, tôi chỉ được làm chủ nhiệm lớp một lần này.

Lúc đó, tôi hơn sinh viên năm nhất vào khoảng 3-4 tuổi. Có một sinh viên tên Loan rất trắng trẻo, nhỏ nhẹ, nghịch ngầm. Một bữa, tôi đứng ở hành lang trên lầu 222 Lê Văn Sỹ, Loan lại gần rồi bảo: "Thầy dễ thương quá. Em hỏi thật, thầy có bồ (người yêu) chưa, em giới thiệu em gái cho thầy nha".

Tôi buồn cười vì sự tinh nghịch của cô sinh viên trẻ, mặt đỏ lên nhưng vẫn trả lời suôn sẻ: "Thầy chưa có ai thương (yêu), nhưng yêu thương đâu phải mối lái là được". Đem em gái mình giới thiệu (định gả) cho thầy chỉ vì tin tưởng, quí trọng. Bạn thấy quà tặng ấy lớn chưa?

Bữa rồi chúng tôi đi nhậu để chia tay một người bạn. Khi đang ngồi, một anh tiến đến bàn gọi tôi bằng thầy. Thầy quên trò là chuyện thường và thầy giáo dạy ở phổ thông càng vậy. Tôi lúng túng lục kí ức, định xin lỗi thì anh bạn chào tôi rồi nói tiếp: "Thầy còn nhớ em không, em là chồng N., hồi đó N. làm khoá luận tốt nghiệp, em chở N. đến nhà thầy ở Quận 1 để lấy khoá luận thầy sửa". Rồi, tôi trả lời cậu dù chưa thực nhớ ra N.

"Xin lỗi anh nha" - tôi nói. Nhưng anh nói tiếp: "Cảm ơn thầy, nhờ thầy cô mà em có một người vợ tuyệt vời ạ". Tôi đùa, "là anh may mắn chứ đâu do thầy". Cả bàn nhậu chúng tôi cười vang. Quà vậy to chưa?

Hôm rồi dọn tủ sách, thấy một cuốn khoá luận nên tôi chụp hình gửi cho học trò. Học trò gọi lại: "Thầy ơi, em tưởng chỉ em giữ sản phẩm thời sinh viên của mình thôi, sao thầy còn giữ được cuốn khoá luận của em vậy?". Bạn sinh viên này giờ là phó tổng hay tổng biên tập một tờ báo dành cho thiếu nhi, là một trong những học trò thành đạt học chúng tôi. Thầy trò chúng tôi chỉ thấy nhau trên mặt báo.

Hội đồng K. cũng là học trò khoa tôi dạy học. Anh là một trong những "ông nghị" thành phố đấu tranh tích cực cho cái mới và cho người lao động. Hội đồng K. là người được cử tri thành phố ngưỡng mộ. Học trò chúng tôi đó, quà vậy lớn chưa?

Cách đây hơn chục năm, học trò cấp 3 Thuận Thành (Bắc Ninh) chúng tôi tiếp các thầy cô giáo đang sinh sống ở TP.HCM. Bữa đó có cả thầy hiệu trưởng trường cấp 3 nữa. Thầy hỏi chúng tôi anh này có phải là, anh kia có phải là... Chúng tôi thưa, dạ mỗi khi thầy hỏi về mình. Thầy hiệu trưởng nhớ hầu hết tên chúng tôi. Quà tặng từ thầy cô giáo như vậy đã phải là to chưa?...

Khi gặp thầy, gặp bạn hồi nhỏ, kí ức khi còn là đứa trẻ ở Bắc Ninh trở lại trong tôi. Tết năm học lớp ba, bọn trẻ con chúng tôi rủ nhau đi thăm cô giáo. Tôi không nhớ đứa nào "đầu têu", chỉ nhớ mình có góp quả cam lấy trên bàn thờ tổ tiên đi tết thầy.

Nhà cô giáo ở Xuân Lê, đi qua mương nước Thanh Bình là tới, nên cả nhóm hẹn nhau dưới gốc đa Thanh Bình để cùng đi. Tới nhà cô đã gần trưa, cả bọn đứng rúm ró vì trời lạnh. Có vài đứa mũi thò lò chảy. Núp mãi ngoài cửa, đưa đẩy nhau, cuối cùng chúng tôi cũng gọi được cô giáo. Cô mở cửa, cả bọn ùa vào nhà. Đứa ngồi trên giường, đứa ngồi trên tràng kỉ tre. Tôi không còn nhớ bạn nào đứng lên thay mặt lớp chúc tết cô nữa mà chỉ nhớ hôm đó, cô cho chúng tôi ăn Tết, còn được uống rượu mùi. Cả bọn được bữa no, rượu đỏ cả mặt. Cô tên Sâm, là người Nghệ An hoặc Hà Tĩnh, cả hai anh em cô đều dạy ở quê tôi. Anh cô là thầy Huệ, hồi ấy làm hiệu trưởng trường cấp 1 ở quê tôi.

Tựu trung lại thì, món quà lớn nhất mà nhà giáo chúng tôi nhận chính là việc được học trò nhớ đến. Dù học trò có thể hay không thể là ông nọ bà kia nhưng họ là những công dân tốt, có ích cho gia đình, cho dân tộc, là chúng tôi vui rồi.

Tác giả: Nguyễn Kim Hồng (kể)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG