Thị trường quà tặng nhộn nhịp
Dạo quanh một vòng Hà Nội, nhất là cổng trường học, hoa tươi bày bán la liệt, từ lẵng hoa hai tầng hai đế đến các bông hoa hồng lẻ cũng được gói, bọc cẩn thận. Lẵng hoa to thường có giá 500.000 đồng/lẵng, nhỏ gọn hơn thì dao động từ 200.000 - 350.000 đồng/lẵng. Hoa dạng bó ngày này cũng khá đắt, từ 150.000 đồng trở lên. Còn hoa hồng mua lẻ có giá từ 10.000-15.000 đồng/bông.
Bán hàng chăn gối cũng tranh thủ bán thêm hoa |
Đặc biệt, những ngày lễ như này, rất khó để mặc cả, nhất là buổi sáng. Nhưng đến chiều thì sẽ có thể mua với giá “mềm” hơn, do gần hết ngày không bán nhanh sẽ còn tồn hàng.
Nguyễn Kim Ngân đang là học sinh lớp 9 cho biết: “Hoa là món quà phổ biến nhất, nhưng giá khá đắt. Em mua một bó hoa có lèo tèo vài vài bông hoa hồng, đồng tiền và 1 cành lan ở cổng trường mà giá những 250.000 đồng. Không biết giá cụ thể từng loại hoa như thế nào mà bó hoa rất đắt”.
Trong khi đó, chủ cửa hàng bán hoa tại đường Trần Duy Hưng cho biết: “Giá hoa tăng so với ngày thường là chuyện khó tránh khỏi. Vì cùng một thời điểm, lượng người nhập hoa về bán tăng đột biến, hàng không đủ cung cấp thì giá bắt buộc phải tăng.”
“Giá hoa cao, nên sau khi hỏi giá, khách hàng khá lưỡng lự trước việc mua hoa hay mua 1 món quà có giá trị sử dụng mà giá tiền tương đương”, chủ cửa hàng cho biết thêm.
Vài năm trước đây, xu hướng tặng sữa tắm, dầu gội đầu, tranh thêu,...cho các thầy cô khá phổ biến, nhưng gần đây, nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cho biết: “Học sinh bây giờ, nhất là các cháu tiểu học thích tặng những thứ thiết thực cho việc giảng dạy của thầy cô hơn như: giấy A4, bút bi đỏ chấm bài, phấn,...nên phải nhập tăng cường mặt hàng đó.”
Dầu gội, sữa tắm bày bán la liệt |
Chị Hà, chủ một cửa hàng lụa cho biết: “Một tuần trước 20/11, đơn hàng đặt khăn về liên tục. Khách toàn đặt liền lúc 3 khăn cho 3 cô giáo dạy khối con mình đang học ôn để thi đại học. Giá dao động từ 200.000 – 600.000 đồng/khăn 100% lụa Việt Nam.”
Khăn lụa Trung Quốc |
“Rẻ hơn thì có các loại khăn lụa Trung Quốc, có giá 80.000 - 150.000 đồng/chiếc. Hàng nào bán cũng tốt, còn tặng thầy giáo thì tôi thường tư vấn mua cà vạt lụa, các thầy lớn tuổi thì mua sơ mi lụa giá dao động từ 500.000 đồng trở lên”, chị Hà cho biết thêm.
Thiệp chúc mừng 20/11 |
Các loại thiệp chúc mừng 20-11 là thứ đi kèm không thể thiếu trong mỗi bó hoa hoặc hộp quà. Thiệp in hoa nổi trang trí 3D có giá 15.000 đồng/chiếc, thiệp in hình chúc mừng bình thường từ 4.000 – 5.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, cô bạn Minh Phương lại thích tự tay làm thiệp tặng cô giáo của mình, Phương nói: “Tuy chi phí và công sức bỏ ra nhiều hơn đi mua 1 chiếc thiệp, nhưng ý nghĩa và tình cảm dành cho cô giáo chủ nhiệm mới là điều đáng quý.”
Thiệp handmade |
Cuộc thi làm thiệp |
“Lớp em đã tổ chức hẳn một cuộc thi làm thiệp để tặng cô nhân ngày 20/11. Thắng thua không quan trọng, nhưng ở đó, chúng em được thỏa sức sáng tạo và thổi vào đó những tình cảm mà không phải dịp nào cũng có cơ hội thể hiện”, Phương chia sẻ thêm.
Cô Yến được học sinh yêu mến tặng bánh |
Các cửa hàng bánh gato cũng làm ăn rất khá dịp này, chỉ với 150.000 đồng là đã có một chiếc bánh xinh xắn cho buổi tiệc nhỏ chúc mừng ngày 20/11. Chị Mai chủ tiệm bánh gato cho biết: “Mấy ngày gần 20/11, tôi phải huy động cả bà nội, bà ngoại lên giúp vì khách đặt quá nhiều. Phải đến 80% là các em học sinh đến đặt bánh mừng ngày 20/11. Có khi cả nhóm rủ nhau cùng đến đặt 4 cái và đặt nội dung trên bánh giống y hệt nhau chỉ khác lớp.”
Ý nghĩa của những món quà
Dịp 20/11, cô Nguyễn Thị Thanh cũng nhận được khá nhiều quà của học sinh. Đa phần trong đó là những món quà rất giản dị, cô chia sẻ: “20 năm đứng giảng đường, cũng có khá nhiều kỉ niệm buồn vui với nghề. Những món quà mà học sinh tặng đều rất ý nghĩa, đáng trân trọng và rất thiết thực với công việc của mình. Nhận những món quà như hộp phấn, hộp bút bi đỏ chấm bài, tập giấy A4,...mới thấy trong đó nhiều tình cảm của trò dành cho mình.”
“Khá nhiều câu chuyện đáng nhớ về những món quà ngày 20/11, nhớ lại cách đây 3 năm, một cô bé học trò nhà bán vịt nướng đã mang đến biếu cô một con vịt. Khá sững sờ khi cầm trên tay và có đôi phần lưỡng lự, nhưng nhìn ánh mắt đầy chân thành, tôi cũng không nỡ từ chối tình cảm đó”, cô Thanh nói.
“Hay có những món quả đơn thuần là 3 quả bưởi hái từ trên cây ở nhà mang đến tặng cô, nhiêu đó thôi cũng đủ thấy được công sức bao năm dạy dỗ cũng được học trò ghi nhận và nhớ đến. Nhiều người nghĩ rằng, cứ phải mang phong bì, quà sang trọng đắt tiền đến giáo viên mới thích và quan tâm đến con cái mình. Nhưng, tình cảm bao năm gắn bó giữa cô và trò những ngày này vẫn được học sinh nhớ đến mới là điều trân quý”, cô Phương chia sẻ thêm.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí