Nhân ái

"Mỗi lần chân đau nhức, cháu chỉ biết thức trắng đêm nằm khóc !"

Hàng tháng, người mẹ gầy gò lại từ Quảng Ngãi ra Huế để chăm hai con mắc bệnh hiểm nghèo. Nay dì lại phát hiện mình mắc bệnh bướu cổ. Gánh nặng ngày càng đè nặng lên đôi vai của người mẹ.

Đó là hoàn cảnh của dì Lê Thị Thi (49 tuổi, trú tại xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Dì Thi có 3 người con, người con trai đầu là Đỗ Duy Thắng (30 tuổi) hiện đang làm bốc vác tại một nhà máy. Hai người con trai tiếp theo là em Đỗ Văn Sĩ, 22 tuổi và em Đỗ Văn Linh 17 tuổi. Cả hai em đều mắc chứng rối loạn tan máu bẩm sinh. Hiện hai em đều đã nghỉ học từ sớm để tập trung chữa bệnh.

Dì Thi kể lại: “Lúc hai đứa còn nhỏ, cứ mỗi lần ngã, chân tay chợt xước là máu cứ chảy hoài không cầm được. Sau đó tôi mới đưa con lên bệnh viện xã thì được họ bó chặt, chích thuốc cầm máu rồi cho về chứ không biết mắc bệnh nặng như vậy.

“Sau này, thấy con có nhiều biểu hiện bất thường, hai đầu gối của các con ngày càng sưng tấy, đau nhức thì mới bắt đầu đi khám và phát hiện các con bị bệnh rối loạn đông máu. Năm 2009, các cháu được chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Sài Gòn, sau đó chuyển ra bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục chữa trị” – dì Thi chia sẻ.

Thu nhập chính của gia đình chỉ vọn vẹn 3 triệu đồng dựa vào nghề làm nông ít ỏi của dì Thi cùng người chồng của mình. Tiền thuốc men, tiền chuyền thuốc giảm đau cho 2 con và tiền di chuyển từ Quảng Ngãi ra Huế đã nhiều, nay dì Thi lại vừa phát hiện mình mắc bệnh bướu cổ.

3 mẹ con dì Thi hiện đang cùng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế

Hiện tại, các bác sĩ đang kê đơn thuốc và nếu bệnh tình không thuyên giảm thì cần phải mổ loại bỏ u bướu để không nguy hiểm đến tính mạng. Tiền thuốc cho các con và tiền thuốc chữa bướu cổ hàng tháng hơn 3 triệu đồng, chưa kể tiền đi lại, ăn uống hàng ngày. Cuộc sống khó khăn nay càng khó khăn hơn. Gia đình của dì Thi lại thuộc hộ cận nghèo trong xã, số tiền vay mượn để chữa bệnh đã lên đến 50 triệu đồng.

Về phần hai em Sĩ và Linh, căn bệnh quái ác này đã khiến 2 em ngày càng trở nên gầy gò, xanh xao. Đôi chân teo lại và đầu gối sưng vù bởi máu loãng dồn về các khớp. Hiện tại, em Sĩ đang điều trị tại khoa Huyết học, còn em Linh đang được điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế. Các em phải chuyền thuốc giảm đau (haemoctin) 2 lần một ngày, ngoài ra còn uống các loại thuốc hỗ trợ. Tuy còn trẻ nhưng Sĩ và Linh đã phải sống chung với thuốc.

Hai em Sĩ và Linh phải chuyền thuốc giảm đau 2 lần một ngày

Căn bệnh rối loạn đông máu khiến hai đầu gối sưng to, đau nhức, không đi lại được

Theo BS.CK II. Châu Văn Hà, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp II, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, rối loạn đông máu hay còn gọi là bệnh máu khó đông là một căn bệnh nguy hiểm. Đây là hội chứng máu chảy mà không đông lại được như bình thường do sự thiếu hụt của các yếu tố đông máu. Đó có thể là sự thiếu hụt của một protein trong máu (còn gọi là yếu tố đông máu VIII và IX) có tác dụng kiểm soát chảy máu hoặc protein này có tồn tại nhưng hoạt động không bình thường làm cho máu khó đông và lâu cầm.

Bệnh rối loạn đông máu có nhiều thể nhưng đều do yếu tố đông máu gây ra. Đối với những người bình thường khi cơ thể bị chảy máu, yếu tố đông máu sẽ làm các tiểu cầu kết dính lại với nhau, tạo thành các cục máu đông giúp cầm máu. Với những người bị rối loạn đông máu, các yếu tố đông máu bị thiếu hoặc hoạt động không bình thường, máu sẽ chảy liên tục và khó cầm. Bệnh rối loạn đông máu xảy ra ở cả nam và nữ, là căn bệnh hiếm gặp nhưng đòi hỏi phải điều trị lâu dài, người bệnh có thể phải sống nhờ vào máu của người khác.

Nhắc đến căn bệnh quái ác của mình, em Đỗ Văn Linh nghẹn ngào: “Cứ mỗi lần đôi chân đau nhức là cháu chỉ nằm một chỗ không đi lại được, đau đến mức không ăn, không ngủ, thức trắng đêm chỉ biết nằm khóc, mỗi lần cần đi vệ sinh là phải đợi mẹ dìu mới đi được, toàn thân mệt mỏi như chết đi sống lại…”

Hai anh em Sĩ và Linh mắc bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh, thân hình gầy gò ốm yếu, hai đầu gối sưng vù vì bệnh trong căn nhà tồi tàn của dì Thi ở quê Quảng Ngãi

Thấu hiểu những khó khăn mà gia đình đang gặp phải, em Sĩ trải lòng: “Lúc nhỏ em ít suy nghĩ, lớn lên thì em cảm thấy buồn vì trở thành gánh nặng của mẹ. Em ước mơ sau này sẽ mở một quán chuyên bán đồ điện tử để có tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho mẹ, cho em và cho bản thân”.

Nay, gia đình chỉ biết mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tạo điều kiện để ba mẹ con dì Thi có tiền chữa bệnh cũng như giúp đỡ gia đình có thêm chút tiền trang trải cuộc sống, chắp cánh tương lai cho các con của dì Thi trong bước đi sau này.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3013 : Dì Lê Thị Thi, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ; hiện dì Thi hàng tháng chăm 2 con tại phòng 407, khoa Nhi Tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế

ĐT: 0168.957.3681

Tác giả: Bạch Châu – Đại Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP