Tin Hà Tĩnh

Tổ hợp thép Thạch Khê không đủ điều kiện tiếp tục triển khai

Tổ hợp khai thác, tuyển quặng sắt và Nhà máy Luyện thép 2 triệu tấn/năm của CTCP Khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ chấm dứt hoạt động, chứ không phải là ngừng hoạt động.

Khai thác quặng tại Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Báo Lao động

Nhiều tồn tại và khó tiếp tục thực hiện

Trong Báo cáo gửi Chính phủ đầu tháng 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Tổ hợp Dự án Khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê và Nhà máy Luyện thép (Dự án) vẫn còn nhiều tồn tại chưa đảm bảo để tiếp tục thực hiện.

Cụ thể, từ năm 2005 tới nay, Công ty cổ phần Khai thác mỏ sắt Thạch Khê (TIC) chưa hoàn thành nghiên cứu, thực hiện đầu tư Dự án, đảm bảo gắn kết giữa khai thác quặng sắt với Nhà máy Luyện thép liên hợp theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc thực hiện pháp luật về đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TIC không có khả năng thực hiện và thực tế không đạt mục tiêu, tiến độ Dự án đã quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư số 28121000037 được cấp năm 2008.

Năm 2014, TIC phê duyệt Dự án có nhiều nội dung thay đổi so với GCNĐT. Đó là tăng tổng mức đầu tư từ 9.932 tỷ đồng lên 14.517 tỷ đồng, trong đó có bổ sung đầu tư hạng mục bãi thải lấn biển, đê chắn bãi thải lấn biển; lùi tiến độ hoàn thành mục tiêu cam kết tại Điều 6 - Giấy chứng nhận đầu tư; thay đổi cơ cấu nguồn vốn góp.

Tuy nhiên, TIC đã không thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định hiện hành; tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện của Dự án theo Luật Đầu tư (2005) và Luật Đầu tư (2014); không thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP. Cụ thể, đã vi phạm pháp luật về khoáng sản theo Kết luận thanh tra số 2403/KLTT- ĐCKS (ngày 15/10/2013) của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. TIC cũng không góp đủ vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng theo quy định của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 21/4/2016 và Nghị quyết số 03/NQ-HĐQT của TIC.

Ở mặt thực hiện pháp luật về khoáng sản và thiết kế, xây dựng mỏ, Báo cáo cũng cho hay, từ tháng 12/2007 đến ngày 23/2/2009, TIC đã thực hiện thi công mỏ khi chưa có giấy phép khai thác; từ tháng 3/2009 đến tháng 7/2011, TIC đã bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê đến độ sâu -34 mét, thu hồi 3.000 tấn quặng sắt khi chưa có thiết kế kỹ thuật của Dự án.

Tháng 2/2021, TIC đã trình ra kế hoạch bổ sung các công việc, tính toán thời gian tối thiểu 3 năm để rà soát giải quyết các vấn đề cấp bách cho người dân khu vực ảnh hưởng của Dự án cùng lập bổ sung Báo cáo Đánh giá tác động môi trường; sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị và hệ thống hạ tầng vùng dự án…

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thời gian này đã vượt quá thời hạn quy định ngừng hoạt động dự án đầu tư (tối thiểu là 12 tháng) theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020.

Đến nay, TIC không thực hiện một số thủ tục điều chỉnh GCNĐT, tạm ngừng và giãn tiến độ Dự án theo quy định của pháp luật đầu tư. Đơn vị này cũng không tính toán đủ các hạng mục công việc, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật còn thiếu theo kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không có cơ sở để xác định thời gian tạm ngừng/dừng, giãn tiến độ đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Dự án đang tạm ngừng (ngừng phần thi công mỏ) theo Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011 để hoàn thiện vẫn không đủ điều kiện tiếp tục triển khai. Theo đó, phương án ngừng hoạt động Dự án không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Nhiều hệ quả phải giải quyết khi chấm dứt Dự án

Sau khi phân tích cơ sở và lý do đề xuất phương án chấm dứt hoạt động Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong cả 3 trường hợp áp dụng Luật Đầu tư năm 2005, năm 2014 và năm 2020, trong khoảng thời gian từ khi TIC bị dừng Dự án đến nay đều thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có công văn đề xuất chấm dứt Dự án.

Theo Báo cáo, kết quả so sánh, đánh giá các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, xét đến lợi ích của địa phương, người dân vùng dự án và tỉnh Hà Tĩnh cho thấy mặt được của phương án chấm dứt Dự án có nhiều ưu điểm hơn phương án tạm dừng Dự án.

Lẽ dĩ nhiên, khi chấm dứt dự án, thì sẽ kéo theo những hệ quả như giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp và cần phải giải quyết các trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông góp vốn…

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vào năm 2019, tổng vốn chủ sở hữu đã được các cổ đông TIC góp là 1.809 tỷ đồng và tổng giá trị tài sản tương ứng với nguồn vốn đầu tư vào Dự án của TIC tới 31/12/2018 là 2.230 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị dang dở (1.469 tỷ đồng), chi phí trả trước tiền phí sử dụng tài liệu (554 tỷ đồng)...

Khi chấm dứt Dự án, các cổ đông góp vốn sẽ mất cơ hội đầu tư, phải trả lãi suất tiền vay của các tổ chức tín dụng, nguy cơ không thu được vốn đã đầu tư vào Dự án và hơn 200 người lao động tại TIC mất việc làm.

Tác giả: Thanh Hương

Nguồn tin: Báo Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP