Trong nước

Miền Trung lên phương án ứng phó với bão Rai

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão cuối cùng trong năm, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngày 17/12, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký công điện khẩn cấm tất cả tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 17h hôm nay cho đến khi có thông báo chính thức về việc thời tiết ổn định.

Cơ quan chức năng kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Chủ phương tiện hoạt động ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, khu vực phía nam và Quảng Ngãi phải tránh trú hoàn thành trước ngày 18/12.

Các địa phương hỗ trợ người dân vùng ven biển chằng chống, gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn; sẵn sàng sơ tán dân ven biển, đảo. Riêng huyện đảo Lý Sơn chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm trong trường hợp biển động kéo dài.

Lực lượng bộ đội biên phòng giúp người dân xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi làm bờ bao ngăn chặn triều cường xâm thực bờ biển. Ảnh: Minh Hoàng.

TP Quảng Ngãi khẩn trương xử lý tạm thời sạt lở bờ biển tại thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi rà soát các cơ sở sản xuất thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão, đặc biệt là nhà máy lọc dầu Dung Quất, thép Hòa Phát, Khu công nghiệp VSIP…

Cùng ngày, lãnh đạo Bình Định cũng yêu cầu các địa phương kêu gọi các chủ phương tiện tàu thuyền tránh trú bão, đảm bảo an toàn khu neo đậu tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người dân tạm dừng ngâm, ủ giống và dừng gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 đến sau ngày 20/12.

Các địa bàn sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân ra khỏi vùng đã sạt lở nguy hiểm.

Còn tại Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu...

Các địa phương tập trung rà soát, gia cố đảm bảo an toàn đê kè, đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn và các công trình thi công dở dang... Lực lượng công an, quân đội chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du khi xả lũ; triển khai ngay việc đưa dần mực nước hồ về cao trình đón lũ theo đúng quy trình, quy định.

Ảnh hưởng thời tiết xấu, triều cường liên tục xâm thực sâu uy hiếp hàng trăm hộ dân ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.

Sáng 17/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đêm qua, cường độ của siêu bão Rai đã giảm đi một cấp. Lúc 1h, tâm bão vẫn ở trên khu vực miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17.

Ngày và đêm nay, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h, cường độ tiếp tục giảm và đi vào Biển Đông. Rạng sáng 18/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 280 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17. Cường độ này duy trì trong 24 giờ tiếp theo.

Sáng 20/12, ở thời điểm tâm bão cách bờ biển Bình Định - Phú Yên khoảng 180 km về phía đông, hình thái này đổi hướng di chuyển về phía bắc với vận tốc giảm xuống còn 15 km/h. Cường độ bão cũng có xu hướng giảm dần kể từ đây.

Tác giả: Minh Hoàng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP