Từ vùng biển Thanh Hóa chạy dài đến Kiên Giang, nơi nào cũng có họ hàng cá xương xanh sinh sống. Nhưng cá tập trung nhiều nhất là ở quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Cá xương xanh có quanh năm, mùa sinh đẻ chính của chúng là từ tháng 2 đến tháng 5.
Cá “sát thủ” là tên gọi ngư dân dùng để chỉ cá xương xanh. (Ảnh: danviet) |
Loài cá này có thân mình tròn lẳn, dài từ nửa mét đến cả mét, lớp da màu đen xanh. Đặc biệt, toàn bộ phần xương của chúng cũng có màu xanh ngọc bích. Cá thường sống ở khu vực các ghềnh đá, bãi biển nơi tầng nước mặt, độ sâu từ khoảng hơn 1m. Ngoài ra, cá xương xanh có thể phóng cao bất ngờ nên ngư dân còn đặt cho chúng biệt danh là cá nhái.
Với chiếc mỏ dài, nhọn hoắt như lưỡi kiếm cùng hàm răng sắc, người ta dễ liên tưởng cá xương xanh giống một tay “sát thủ” trên biển. Loài này thường đi thành đàn gần mặt nước. Chỉ cần nghe tiếng động, chúng sẽ quật đuôi phóng mạnh lên cao. Nếu ai xui xẻo, lỡ bị cái mỏ nhọn của chúng đâm trúng chỗ hiểm thì có thể bị thương nặng hoặc mất mạng như chơi.
Biết cá xương xanh là loài háu ăn, nên ngư dân đã nghĩ ra cách để bắt cá mà không dùng đến mồi hay lưỡi câu. Người ta lấy một chùm dây nilon đủ màu, dài khoảng 15cm đem xé thành nhiều sợi nhỏ, buộc túm một đầu rồi ném xuống biển.
Khi thuyền di chuyển, chùm dây nilon sẽ xòe ra giống như những con cá đang bơi. Cá xương xanh tưởng nhầm là mồi sẽ đuổi theo để cắn. Lúc này, bộ răng dày đặc của chúng sẽ bám chặt vào chùm dây nilon mà không tài nào thoát ra được.
Cá xương xanh có mỏ nhọn hoắt. |
Nếu không sử dụng dây nilon, ngư dân có thể đi bắt cá vào ban đêm. Người ta chỉ cần đội đèn pin lên đầu, điều khiển thuyền bằng chân và dùng cái chĩa có tới 13 răng để đâm cá. Tuy cách này bắt được nhiều hơn, nhưng khi vớt cá lên sẽ không còn lành lặn, buộc phải bán với giá thấp hơn.
Cá xương xanh tuy không phải là đặc sản có giá trị kinh tế cao nhưng lại rất được ưa chuộng vì ít xương, thịt cá màu trắng và có vị ngọt. Cá xương xanh mang về, đem chặt cái mỏ lưỡi kiếm, cắt bỏ mang rồi lấy nội tạng ra, sơ chế sạch sẽ là đã có thể biến tấu thành nhiều món ngon độc đáo. Trong đó, hấp dẫn nhất là món nướng bẹ chuối và khô cá xương xanh nấu sim lo.
Món cá xương xanh nướng bẹ chuối rất thơm ngon, chỉ nhìn thôi cũng đã ứa nước miếng. Người ta chọn những con cá thật tươi từ biển mới mang về, cạo rửa sạch nhớt rồi dùng bẹ chuối xiêm ốp lại, quấn dây thật kỹ. Sau đó chất củi lên nướng cho đến khi nào bẹ chuối bị héo, khô là cá chín.
Thịt cá chắc, ngon và ngọt đậm đà. |
Khi mở bẹ chuối ra, thịt cá dậy mùi thơm lựng, dễ dàng chinh phục bất kỳ thực khách khó tính nào. Thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai dai, cuốn với bánh tráng, ăn kèm rau rừng như lá cách, lá lớp, đinh lăng, cải trời, đọt bứa… tạo nên một bản sắc riêng ít nơi nào có được. Nước chấm đi kèm có thể là nước mắm tỏi ớt hay các loại nước chấm khác, tùy khẩu vị của người ăn.
Còn với món khô cá xương xanh nấu sim lo, các bà, các mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu như khô cá xương xanh, bắp chuối, gia vị cần thiết như ngò om, ngò gai, ớt, cơm mẻ... Công đoạn chế biến khá phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế.
Bát khô cá xương xanh nấu sim lo đầy hấp dẫn. (Ảnh: danviet) |
Món khô cá xương xanh nấu sim lo này tương tự như món canh chua của người miền Tây, thường ăn kèm nước mắm nhĩ cho thêm trái ớt tươi. Vị cay nồng của ớt hòa quyện vị ngọt của cá, vị chua chua của nước dùng tạo nên một món ăn hấp dẫn, ăn mãi không thôi.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí