Kinh tế

Mất việc ở tuổi 30

Sa thải lao động ở độ tuổi 30 đang có xu hướng gia tăng tại các khu công nghiệp trên cả nước, khiến không ít thanh niên mất việc làm.

Lao động tìm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng LongẢNH: THU HẰNG

Công nhân trẻ mãi không già?

Cô gái 32 tuổi Vũ Thị Lan đã có thâm niên 10 năm làm việc tại nhà máy lắp ráp điện tử ở khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, bỗng một ngày giữa tháng 4, Lan nhận được thông báo nghỉ việc do công ty đổi mới công nghệ, sắp xếp lại công việc. Lan bộc bạch: “Thực ra đó là cái cớ doanh nghiệp (DN) đưa ra, bởi họ vẫn thông báo tuyển cả trăm lao động (LĐ). Lý do chỉ vì chúng tôi đã quá tuổi 30”.

Lan buồn bã cho biết thêm: “Vì vẫn muốn ở lại Hà Nội nên tôi thử sang KCN Bắc Thăng Long, nơi có nhiều DN nước ngoài, nhưng họ cũng chỉ tuyển LĐ từ 18 - 30 tuổi. Giờ thì hết cơ hội thật rồi”.

Tại một khu trọ cho công nhân ở thôn Bầu, xã Kim Chung (H.Đông Anh), chúng tôi đã bắt gặp những lo lắng của không ít công nhân đang ở độ tuổi thanh niên. Bọn mình chỉ quan tâm hiện tại có công ăn, việc làm, có tiền nuôi con là tốt lắm rồi”, Đinh Văn Hải, công nhân Công ty Panasonic VN, quê Bắc Giang, nói.

Còn Đinh Thị Hương (quê Ninh Bình), 30 tuổi, đang làm trong công ty điện tử của Nhật Bản bày tỏ: “Trong dây chuyền của tôi chỉ có 1 chị 39 tuổi làm tổ trưởng, còn lại phần lớn đều dưới 30 tuổi. Tôi làm 3 năm chưa được ký hợp đồng dài hạn, đang lo không biết năm tới có được ký tiếp không?”.

Khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (thuộc Tổng LĐVN) vừa công bố cuối tháng 5, cho thấy tuổi bình quân của các LĐ tại các KCN là 35. Một số ngành có tuổi đời khá thấp như: ngành điện, điện tử là 27 tuổi; lắp ráp thiết bị khác 28 tuổi; dệt may 29 tuổi và hóa chất 34 tuổi.

“Cách đây 5 - 10 năm, chúng tôi vào các khu công nghiệp thấy các bạn công nhân rất trẻ. Bây giờ họ vẫn vậy, chỉ khoảng từ 25 - 30 tuổi. Vậy những người già đi đâu? 3 năm nữa chúng ta quay lại công nhân vẫn trẻ mãi không già”, tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Phó viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, nói.

“Vắt chanh bỏ vỏ”

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm có 10.441 người trên 35 tuổi đến đăng ký thất nghiệp (chiếm 90% số người đến đăng ký thất nghiệp). Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội), tình trạng sa thải LĐ độ tuổi 30 chủ yếu tập trung ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN Quang Minh, Sóc Sơn, Thăng Long...

Qua theo dõi số liệu tại trung tâm, các DN không sa thải ồ ạt, mà rất “đều tay”, trung bình khoảng 100 người/tháng. “Thường khi bắt đầu vào kỳ nâng lương thứ 2, thứ 3, DN bắt đầu sàng lọc và sa thải dần. Nếu giữ chân người LĐ, DN sẽ phải trả tiền lương, các chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội... Vì vậy, chủ sẽ đưa ra các lý do cắt giảm nhân sự, LĐ không phù hợp với công việc hoặc LĐ tự nghỉ vì không đủ sức khỏe.

Các bài kiểm tra năng lực mà DN đưa ra là một cách để “lách luật” sa thải đúng quy định. Đấy là những cái bất cập, chúng tôi làm bảo hiểm thất nghiệp đã nhìn thấy rõ”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên, cho biết tình trạng sa thải LĐ tuổi 30 để tuyển người trẻ hơn là có ở một số DN. Giữ LĐ lâu năm quỹ lương sẽ tăng, tiền đóng bảo hiểm cũng tăng, trong khi năng suất LĐ lại giảm. Theo ông Dương, có nhiều cách để DN loại người LĐ như: đưa ra các bài kiểm tra, sát hạch, tăng các điều kiện về năng suất, chuyển đổi vị trí làm việc… Những cách mà DN đưa ra khiến người LĐ chán phải tự bỏ, hoặc không đạt các điều kiện công việc để đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không sai luật...

Lý giải về hiện tượng này, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho rằng những công nhân lứa tuổi 30 - 40 là thế hệ LĐ số 1 tại các KCN. Đây là thế hệ ra đời khi VN mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng nhà máy. Đến nay đã 10 - 15 năm, các DN bắt đầu quá trình thay thế những LĐ đã tuyển vào từ những năm 1990 bằng LĐ trẻ, khỏe hơn, được đào tạo cơ bản hơn.

Ngoài những lý do trên, theo ông Thọ, còn một lý do khác là chủ DN không thích LĐ đã am hiểu về công nhân, tổ chức công đoàn và đặc biệt am hiểu luật pháp. “Có DN còn nói thẳng với tôi, họ thích LĐ trẻ vì dễ bảo. Những LĐ lâu năm có thể là mối đe dọa như đình công, ngừng việc tập thể. Bởi vậy, chủ sẽ tìm đến LĐ đang xếp hàng chờ việc. Những LĐ này có yếu điểm là thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, nhưng có lợi thế trẻ khỏe, nhanh nhẹn, học hành bài bản và đặc biệt họ sẵn sàng nghe lời. Vì vậy, chủ sẵn sàng “vắt chanh bỏ vỏ”, từ bỏ LĐ cũ”, ông Thọ thẳng thắn…

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: mất việc , tuổi 30 , công nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP