Cư Dân Mạng

Mạng xã hội, nơi tạo ra những người ngây thơ và… độc ác

Thích bi kịch hóa cuộc đời của mình và phán xét nặng nề lỗi lầm của người khác. Đó là những mặt trái đáng báo động mà mạng xã hội đang tạo ra.

Mạng xã hội, nơi tạo ra những người ngây thơ và… độc ác

1. Các cụ dạy “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Xã hội hiện đại cũng có câu: Những đồng tiền còn xót lại trong ví của bạn nên là điều bí mật.

Nhưng trong thời buổi mạng xã hội phát triển cực thịnh, rất nhiều người luôn làm ngược lại: Họ thích bi kịch hóa cuộc sống của mình, không ai tra khảo, nhưng vẫn sẵn sàng khai hết những thói hư tật xấu, những vấp váp đường đời để nhận được sự cảm thông trên Facebook.

Sinh viên thì than FA. Cứ đến lễ tết là than khóc gọi mưa cho “bọn có gấu hết cửa đi chơi”. Dân công sở thì sẵn sàng bóc mẽ nhau trên Facebook, nói xấu sếp, than vãn lương thấp, việc nhiều, ít được đi du lịch.

Mới đây có cô diễn viên lên Facebook livestream cả chuyện cãi nhau với chồng. Có người thông cảm cho cô, có người mắng cô ngây thơ. Vợ chồng có chuyện thì đóng cửa bảo nhau, hay ho gì mà khoe cho cả thiên hạ có chuyện để chê cười, bàn tán.

Mạng xã hội, nơi tạo ra những người ngây thơ và… độc ác - Ảnh 1.

Than nghèo kể khổ – một vấn đề rất thường thấy trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ

Có những kẻ cả ngày chỉ than thở cuộc đời bất hạnh, than không đẹp trai/xinh gái bằng thiên hạ, than tắc đường, than nóng, than lạnh, than ốm đau không có ai thăm hỏi.

Đôi khi người ta rảnh tới mức dựng chuyện để mà than. Tôi có anh bạn chủ động xin đi trực đêm Giao thừa Tết tây, rồi đến lúc giao thừa lại lên Facebook than… cô đơn.

Có những kẻ ngày nào cũng phải chửi bới, bóc mẽ thiên hạ. Chửi hết từ ta sang tây, từ chuyện showbiz, bóng đá, BRT tới những chuyện cao siêu hơn như kinh tế, chính trị.

Ôi những con người ngây thơ. Than thở không giải quyết được vấn đề gì và chính khoa học cũng đã chứng minh, khi bạn than thở trên Facebook, 90% người đọc status không hề thông cảm, thậm chí còn hả hê. 10% còn lại… không đọc.

Bởi đơn giản là những người thật sự quan tâm tới bạn sẽ không comment hay inbox hỏi thăm bạn. Họ sẽ gọi điện hoặc gặp trực tiếp bạn để lắng nghe và an ủi.

Ngay cả những kẻ suốt ngày đi chửi bới như thể cả xã hội mắc nợ anh ta cũng chỉ là kẻ ngây thơ. Họ không hề biết rằng người khôn không chửi trực tiếp. Họ chờ ai đó chửi để… share.

Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, hay chuyện bảo mật đến cùng thông tin về số tiền xót lại trong ví của bạn tuyệt đối không phải là dối trá, sống ảo. Đó là biểu hiện của một người trưởng thành.

Khó khăn không tự biến mất chỉ sau một cái status. Khó khăn là phải đối mặt, im lặng tìm cách giải quyết. Người ta sẽ không nhớ bạn đã khổ sở thế nào. Người chỉ nhìn bạn thành công ra sao mà thôi.

2. Những kẻ ngây thơ dẫu sao cũng được xã hội cảm thông. Nhưng những kẻ độc ác được tạo ra bởi mạng xã hội thì thật sự đáng sợ. Đó là những kẻ cả ngày đi phán xét, kết tội, dìm hàng và xúi giục người khác làm những điều sai trái.

Không khó để tìm ví dụ: Một cô gái không biết canh cua phải nấu với rau đay. Chuyện chỉ có thế, mà qua ngòi bút của những kẻ độc ác, cô biến thành “tấm gương xấu cho giới trẻ”, “không có tương lai”, “dốt còn thích thể hiện”.

Mạng xã hội, nơi tạo ra những người ngây thơ và… độc ác - Ảnh 2.

Không biết canh cua nấu với rau nào cũng là một cái “tội”. Ảnh minh hoạ

Một cô gái bước lên ngôi hoa hậu. Trong quá khứ, thời còn trẻ người non dạ, cô viết những điều không hay cho lắm về giáo viên của mình.

Cư dân mạng đào bới bằng được, trì triết, tra tấn tinh thần cô gái trẻ, đến mức cô không dám lên mạng đọc những bình luận về bản thân mình trong nhiều ngày liền.

Một anh chàng thề nếu đủ nghìn likes sẽ tự thiêu chính mình rồi nhảy xuống sông. Chỉ vì muốn xem một màn kịch vui, vài nghìn người đã click nút likes và ép buộc thanh niên này phải “nói là làm”. Trò đùa đó có thể phải trả giá bằng tính mạng. Nhưng những kẻ độc ác không hề quan tâm.

Những kẻ độc ác sẵn sàng áp đặt rất nhiều chuẩn mực để phán xét, để kết tội một ai đó làm trái với chuẩn mực xã hội, nhưng lại thích thú ngồi đọc, like, comment cho những con người kiếm likes bằng chửi tục.

Chỉ cần vài thao tác search đơn giản, bạn sẽ biết Thánh chửi là ai, cô Thắm là ai. Những kẻ cả ngày chỉ đi chửi tục dưới cái mác: Chửi để xả stress, được đông đảo người ủng hộ. Đó là chuẩn mực gì đây?

Mạng xã hội là ảo, nhưng những dạng người nó tạo ra đang tồn tại và đã bước ra thế giới thực. Không còn là câu chuyện tầm phào nữa rồi…

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP