Hơn 3 năm đi làm chưa tích góp nổi 25 triệu đồng
Trần Ngọc Anh (quê Hà Tĩnh) tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội 2 vào tháng 7 năm 2020. Sau một thời gian tìm việc, Ngọc Anh xin vào làm trong một công ty chuyên về phần mềm giáo dục ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cô gái sinh năm 1997 nhận mức lương khởi điểm 5,5 triệu đồng.
Hai năm đầu, cô không mất tiền thuê phòng trọ vì ở cùng nhà anh trai tại một huyện ngoại thành. Hàng tháng, Ngọc Anh góp 2 triệu đồng vào tiền sinh hoạt chung của gia đình anh trai. Ngoài ra, cô tiêu tốn hơn 1 triệu đồng tiền xăng xe vì phải di chuyển đi làm khá xa.
"Hai năm đầu, tôi tiết kiệm tiền mua được một chiếc xe tay ga giá gần 40 triệu đồng", Ngọc Anh nói.
Giữa năm 2022, cô gái quê Hà Tĩnh quyết định dọn ra ngoài thuê trọ để thuận tiện cho công việc. Căn phòng trọ nhỏ chỉ khoảng 12m2 nhưng có giá thuê 1,9 triệu đồng ở khu vực Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân). Ngọc Anh ở cùng với một người bạn nên cô chỉ trả một nửa tiền phòng là 1 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền điện, nước).
Bữa cơm tối đơn giản của Ngọc Anh và bạn cùng phòng trọ. (Ảnh: H. A). |
Các khoản tiền cô phải chi còn có xăng xe 500 nghìn đồng, ăn uống 2 triệu đồng; mua sắm đồ dùng cá nhân, quần áo, cà phê gặp gỡ bạn bè 1 triệu đồng; tiền mừng sinh nhật và đám cưới bạn bè 1 triệu đồng. "Tính tổng một tháng tôi chi tiêu ít nhất 5 triệu đồng", cô gái trẻ nói.
Số tiền còn dư Ngọc Anh dành đi du lịch theo hình thức tiết kiệm một năm một hoặc hai lần như đi food tour Hải Phòng, đi Tràng An, Ninh Bình. Cũng có tháng cô trích tiền ra gửi về biếu gia đình ở quê.
Nói về khoản tích góp, Ngọc Anh cho hay, ngoài chiếc xe mua được bằng tiền của mình, cô chỉ dành dụm được 4 chỉ vàng. "Số vàng này là do mẹ góp tiền mỗi lần tôi gửi về để mua. Tính ra chưa đến 25 triệu đồng", cô nói.
Theo Ngọc Anh, mức chi tiêu ở Hà Nội đắt đỏ nên dù tiền lương đã tăng lên gần 10 triệu đồng/tháng, cô vẫn cảm thấy không có tương lai ở Thủ đô.
Cô chia sẻ thêm với Dân trí: "Theo tôi, mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng sẽ không đủ sống ở Hà Nội. Vì xét về lâu dài thì lương 10 triệu đồng sẽ không thể mua được nhà, nếu có gia đình thì số lương này sẽ không còn dư để tích lũy. Mức giá sinh hoạt thì leo thang từng ngày, luôn có xu hướng tăng".
Cô gái trẻ dự định về thành phố Hà Tĩnh để tìm một công việc phù hợp, tiết kiệm chi phí tiêu dùng. (Ảnh: H. A). |
Để thay đổi môi trường làm việc, tiến tới ý định ổn định và lâu dài, Ngọc Anh quyết định xin nghỉ việc từ tháng 2 này. "Hiện tại, bạn bè tôi vẫn làm việc ở các thành phố khác nhau, chưa có ý định về quê. Về phần mình, tôi nhận thấy bản thân chưa biết cách quản lý tài chính nên sẽ khó bám trụ được ở Hà Nội. Với mức lương và cách chi tiêu hiện tại, tôi quyết định sẽ về quê", cô gái trẻ cho hay.
Anh Phạm Văn Thành (quê Nam Định) làm công nhân cho một công ty xây dựng ở Hà Nội với mức tiền công 300.000 đồng/ngày. Mỗi tháng anh cũng chỉ dành dụm được khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi tiêu.
Nhận thấy việc bám trụ ở Thủ đô là quá sức, đầu năm 2022, anh quyết định về quê xin việc trong một công ty may gần nhà với mức thu nhập 7 triệu đồng (bao gồm lương và tăng ca theo quy định). "Tính ra mức thu nhập tương đương nhau vì tôi không phải lo tiền nhà", anh Thành nói.
Chị Nguyễn Giang (nhân viên một công ty xuất nhập khẩu, ở Cầu Giấy, Hà Nội) có mức thu nhập gần 12 triệu đồng một tháng cho biết, gia đình chị cũng không tích góp được nhiều sau 8 năm ở Hà Nội.
Chị Giang chọn thuê trọ ở một xã thuộc huyện Hoài Đức, cho con đi học ở trường làng còn mình đi làm ở quận Cầu Giấy để tiết kiệm chi phí.
"Tuy nhiên, trừ đi hết các chi phí sinh hoạt tối thiểu, học hành cho con cái, ăn uống cho cả gia đình, mỗi tháng cũng chỉ dư vài triệu đồng. Cũng có lần tôi nghĩ đến chuyện về quê nhưng không biết về quê làm gì nên lại đành ở lại", chị Giang nói.
Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) 2021, Hà Nội giữ vị trí dẫn đầu với mốc điểm 100% về mức giá đắt đỏ nhất cả nước. Nhiều lao động cũng bày tỏ, một gia đình chưa có nhà, có mức thu nhập 30 -35 triệu đồng cũng chỉ vừa vặn đủ sống tại Thủ đô. Chính vì vậy, những người mức thu nhập thấp hơn như Ngọc Anh hay anh Thanh, chị Giang cảm thấy bất an, khó bám trụ tại Hà Nội là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Lương 10 triệu đồng khó lòng mua được nhà Hà Nội
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, một gia đình ở Hà Nội gồm hai vợ chồng và hai đứa con sẽ phải tiêu tốn rất nhiều khoản.
Tiền ăn học, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, lo lúc ốm đau, tiền ngoại giao khánh tiết, hiếu hỉ… tổng cộng một tháng ít nhất phải 20-30 triệu đồng. Vậy nên, nếu thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng thì sẽ rất khó sống, nhất là khi cá nhân đó đã có gia đình.
"Mức chi tiêu thường rất vô cùng và tùy vào nhu cầu của từng gia đình. Nhưng nếu để nói sống đàng hoàng thì với mức lương đó ở Hà Nội là rất khó", ông Thịnh nói.
Với mức thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng thì việc mua nhà, an cư lạc nghiệp với nhiều lao động sẽ càng xa vời. Bởi báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở gần đây nêu rõ, tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có rất ít dự án có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2. Đó cũng là lý do khiến nhiều người cảm thấy không có tương lai ở Hà Nội.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quan, vị chuyên gia này cho rằng, với người trẻ, cơ hội để cải thiện, gia tăng thu nhập không phải là không có.
Chị Giang thuê nhà ở ngoại thành, cho con học trường làng để tiết kiệm chi phí. (Ảnh: Hồng Anh). |
Ông nói: "Thu nhập bình quân đầu người đều tăng lên theo từng năm. Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 là 3.694 USD. Con số này tăng so với mức 3.526 USD của năm 2020 và 3.425 USD của năm 2019. Điều này cho thấy mức thu nhập chung của người dân đang tăng lên".
Mỗi người vì thế nên nhìn nhận về mục tiêu của bản thân, cụ thể về môi trường bản thân mong muốn, vùng đất mình muốn gắn bó để có những kế hoạch cải thiện thu nhập.
Theo vị chuyên gia này, người trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để phát triển. Nếu biết trau dồi, phát triển các kỹ năng lao động, nâng cao năng lực, linh hoạt chủ động và có tinh thần dám thay đổi, thử thách với cái mới, công việc mới, môi trường mới thì có thể tìm được cơ hội cho bản thân.
"Tôi nghĩ việc tự nâng cao năng lực trở thành một trong những đòi hỏi để các bạn trẻ ngày nay phải cố gắng. Nếu chỉ trông chờ vào làm công ăn lương, vào việc tăng lương theo định kỳ thì chúng ta sẽ trở thành bộ phận tăng chậm so với mặt bằng xã hội", ông Thịnh nói.
Tác giả: Hồng Anh
Nguồn tin: Báo Dân Trí