Địa Chí Hà Tĩnh

Lời nguyền bên Khe Đá (Kỳ Anh)

Sáng ngày 6/1, Hội VHNT Hà Tĩnh trao giải C ( không có giải A) cho tác giả Nguyễn Ngọc Vượng- Phóng viên Báo LĐXH về cuộc thi Truyện ngắn, bút ký trên Tạp chí Hồng Lĩnh với chùm bút ký hai bài: “Lời nguyền bên Khe Đá” và “Ốc đảo sóng vùn”. Sau đây, Báo LĐXH giới thiệu, bài “Lời Nguyền bên Khe Đá”

Lời nguyền bên Khe Đá! - Ảnh 1

Đầu năm Ất Tỵ (1965), giữa lúc cái đói quay quắt đang bủa vây khắp xóm làng, và gió bấc lạnh tái tê như muốn bửa nát cả bờ tre, bụi chuối!… gia đình ông bà Sum – dì dượng ruột của mẹ tôi cùng với hai mươi bảy gia đình khác ở xứ cát bãi ngang xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà theo chủ trương của Đảng, Nhà nước rời quê hương bản quán đưa nhau vào tận chốn sơn cùng thủy tận phía tây huyện Kỳ Anh khai hoang, khai sinh ra Hợp tác xã Bắc Xuân, với bao tâm trạng ngổn ngang!

Riêng dượng Sum- một người có tính tình ngạo mạn, nhưng rất thông nho am tường địa lý lại tỏ ra hết sức hồ hởi nói: “Vô đó lập nghiệp dẫu có thể ăn mày đời cha, bần hàn sang đời con, nhưng đến  đời cháu chắt ắt sẽ giàu hẳn lên cho mà coi”. Để ủng hộ chủ trương một cách triệt để, dượng Sum còn cả gan vô miếu Ao đào bốn hòn đá to vác ra ngoài nghĩa địa làng đặt trước bốn phần mộ của thân sinh nội ngoại để làm dấu. Rồi dượng chắp tay cáo với tổ tiên rằng, sau này cháu chắt nó sẽ quy các cố (cụ) về một nơi xây lăng mộ cho thật đàng hoàng!

Hồi đó, chính sách dành cho người đi khai hoang được cấp nửa năm lương thực, mỗi nhân khẩu được cấp 13 kg gạo/ tháng coi là ưu tiên số một rồi. Vậy mà chẳng mấy ai mặn mà gì việc đi. Bởi trước khi được huyện phổ biến, cố Phạm Lự và cố Nguyễn Khoa- hai người có chức sắc trong làng đã có chuyến đi khảo sát thực tế về kể lại viễn cảnh ở nơi đó vô cùng u ám! Chỉ đến khi dượng Sum tỏ quyết tâm thì nhiều người mới bắt đầu đổi ý. Và khi họ đã đặt niềm tin vào dượng Sum thì không ai mà không nuôi hy vọng vào một tương lai tươi sáng trên miền quê mới.

Cái bước ngoặt hệ trọng trong đời họ không ngờ lại được đánh dấu đúng vào ngày 26 tháng 3 năm 1965 lịch sử. Hôm đó, mọi người vừa tế tạ tổ tông, gồng gánh đưa nhau lên tới thị xã Hà Tĩnh tập trung để vào “miền đất hứa” thì máy bay Mỹ  ầm ầm bủa tới, thi nhau trút bom xuống như sập đất, sập trời! Đó cũng chính là trận oanh tạc đầu tiên mà giặc Mỹ đánh ra Hà Tĩnh, nhằm tiêu diêtl trận địa pháo cao xạ và ra đa của ta trên núi Nài. Không ngờ bị quân dân ta giáng trả cho một đòn chí mạng, bắn rơi tại chổ một lúc 5 chiếc cùng nhiều chiếc khác bị thương, làm chúng phải khiếp vía!

Mặc dù trong đoàn không có ai bị thương vong, nhưng để kịp trấn an tinh thần bà con và để đảm bảo chuyến đi đúng lịch trình, huyện Thạch Hà đã nhanh chóng điều động phương tiện xe cộ đến thị xã Hà Tĩnh đón rước đoàn vào tới điểm tập kết tại ngã ba dốc Voi, huyện Kỳ Anh ngay trong đêm. Khi xe vừa tới nơi thì trời cũng đã khuya, trăng mồ côi bàng bạc treo trên đầu dốc lạnh! Mọi người ăn vội vắt cơm mo, cơm đùm mang theo rồi tiếp tục gồng gánh trèo qua hàng chục cây số đường rừng với bao truông đèo vực thẳm, lên tới đoạn khe Đá Mài thì trời sáng hẳn, đoàn người mới bắt đầu hạ trại.

Chính cái tên khe “Đá Mài” do dượng Sum tự đặt ra ra khi dượng bất đắc dĩ trả lời câu hỏi “khe này là khe gì” của ông Trợ Chế- một thành viên trong đoàn lúc đoàn vừa tới nơi. Thực ra đó chỉ là một con khe đá không lớn lắm, nước khe trong suốt như gương trời, dọc dưới và hai bên lòng khe hầu như chỉ tồn tại một loại đá nhám với vô số hình thù kích cở khác nhau, loại đá này thường được người làng Thạch Trị dùng để mài dao kéo… nên dượng Sum cứ nói đại đi, đó là khe Đá Mài. Từ đó, người này qua người khác quen gọi mãi như thế  thành tên trong văn bản của con khe.

Sau khi hạ trại, dượng Sum im lặng cầm rựa đi một vòng, rồi dượng chọn một mái đồi bày biện hương khói cầu xin giang sơn phù hộ độ trì cho các thành viên trong đoàn từ đó được chính thức lập nghiệp trên đất này. Vậy là kể từ hôm ấy, mỗi hộ chọn cho mình một mái đồi dọc hai bên khe Đá Mài linh thiêng, bổ lên đó những nhát cuốc đầu tiên, bắt đầu cắm dùi cho một cuộc sống mới. Riêng ông Trợ Chế, ngay từ đầu không chịu đựng nổi bệnh sốt rét kinh hoàng đành phải dắt vợ con quay về quê. Vì thế, khi công bố thành lập Hợp tác xã Bắc Xuân chỉ có hai bảy hộ dân. Ông  Dương Văn Lự là người được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã .

Ngoài Bắc Xuân còn có các xóm: Tân Châu, Tân Bằng và Tân Trị đều do bà con từ vùng bãi ngang huyện Thạch Hà di dân đến thành lập nên xã mới Kỳ Hương. Tuy vậy, Bắc Xuân lại là đơn vị hành chính cách xa trung tâm xã nhất, đường đi lối lại cách trở nhất, nên hầu như mọi sinh hoạt của bà con Bắc Xuân bị tách biệt khỏi xã và thế giới bên ngoài. Thủa nhỏ, cũng có lần tôi được nghe bà ngoại nhắc tới ở miền rú bụi Kỳ Hương có một người dì em ruột của bà di dân lên từ năm bom ném bên núi Nài, chứ cũng chưa nghe bà nhắc cụ thể xóm Bắc Xuân bao giờ.

Mãi sau này, tới năm Đinh Mão (1987) ở thượng nguồn khe Đá Mài bắt đầu rộ lên tin đồn có mỏ vàng lộ thiên. Rằng, có người từ dưới chợ Voi lên đi tìm trầm bất ngờ nhặt được một cục vàng to như chiếc lưỡi cày. Từ tin đồn đó, trong một thời gian ngắn bỗng chốc dân phu vàng và bọn giang hồ tứ xứ ùn ùn kéo nhau về đây san phẳng hàng chục ngọn đồi, triệt hạ hàng chục héc ta rừng nguyên sinh, lấp hết hàng chục con khe suối và đâm chém cướp bóc tùm lum… tôi mới biết đến xóm Bắc Xuân, nhưng lúc đó Bắc Xuân đã được đổi tên thành xóm Chín.

Năm đó bà ngoại tôi đã già yếu lắm rồi. Có lẽ linh tính được ngày về với tiên tổ sắp đến, nên một hôm bà ngồi thẩn thờ bên bậu cửa vách ngoài nhắc đi nhắc lại hoài đến dì Sum. Đã bao nhiêu năm bà ngoại vẫn ngầm ước được gặp dì một lần, nhưng chiến tranh loạn lạc và cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã mà chị em đành chịu cảnh cách trở. Sau này tôi mới được biết, ngày dì dượng lên tập trung đi khai hoang, bà ngoại lúc đó còn làm nghề may vá ở thị xã Hà Tĩnh đã chuẩn bị sẵn mấy bộ quần áo cũ và ít tiền cho em, bà chưa kịp ra tiễn dì dượng thì bị máy bay Mỹ đánh bom xuống thị xã, sau khi vừa ngớt tiếng bom thì dì dượng đã phải theo đoàn đi rồi.

Nhắc lại chuyện khai thác vàng ở Kỳ Hương thật quá khủng khiếp, nhưng cũng may nhờ những người đi tìm vàng mà tôi được họ đưa lên tới tận xóm Chín gặp được dì Sum. Hồi đó muốn đến xóm Chín phải đi qua con đường độc đạo từ ngã ba Voi lên. Đây chính là con đường của người đi khai hoang, trong đó có dì dượng tôi khám phá ra. Không ngờ, trong chiến tranh chống Mỹ đường được mở theo tuyến chiến lược 22A, chạy lên tới xã Kỳ Hương thì nối với quốc lộ 24A rồi đi vào Quảng Bình, trở thành một trong những cung đường Trường Sơn vĩ đại trong  cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Lần đầu đặt chân tới xứ sở này, tôi có cảm giác như ở đó chẳng khác nào một góc trời đói nghèo lạc hậu nhất bị lãng quên. Và cho tới nay tôi cũng không thể tưởng tượng nổi cảnh cái túp lều nát được dói lợp chằng chịt bởi bẹ cau và vỏ măng khô, dưới nền đất chỉ có ba hòn đá được kê làm bếp, cạnh đó chỉ có một chiếc nồi nhôm méo mó đã đói lửa lâu ngày; Bên trái góc lều là một đống rơm đã bị mùn mục lên mùi ẩm mốc được thưng xung quanh bằng mấy chiếc cọc rào hết sức sơ sài. Trong đống rơm kia có hai ông bà già gầy ốm nhăn nheo đang nằm ngáp, lại chính là gì dượng của tôi!

Tài sản có giá trị duy nhất của dì Sum có được là một đôi trằm (bông) đeo tai bằng một chỉ vàng của họ tộc bên ngoại tặng dì trước khi di đi lấy chồng. Đó là đôi trằm rất đẹp, được chế tác từ bàn tay điêu luyện của cố Tiết Nghi, một thợ bạc nổi tiếng ở làng thợ bạc Thạch Trị. Từ ngày đến lập nghiệp ở khe Đá Mài dù cuộc sống đầy ắp sự lao đao vất vả, nhưng dì Sum vẫn cố giữ lại đôi trằm với ý niệm dành để lo tiền ma chay cho dì dượng. Đó cũng chính là nỗi day dứt lớn nhất của cháu con dì sau khi dì qua đời. Bởi ngày dượng Sum mất, di đã âm thầm thắp hương xin phép linh hồn cha mẹ dì và linh hồn cố Tiết Nghi được bán trước một chiếc trằm để lo đám tang .

Ngoài đôi trằm đeo tai, dì Sum còn có một chiếc cối giã trầu bằng đồng được cố cháu Ban- thông gia với dì, đồng thời là một nghệ nhân ở làng bạc Thạch Trị làm tặng dì trước ngày dì giã từ quê hương. Đã bao năm sống trên vùng núi đồi gió Lào rát mặt, có lúc vừa giã xong cối trầu chưa kịp đưa lên miệng thì miếng trầu đã héo khô như vỏ cây tràm chết rọc!  Dẫu sao cái cối giã trầu đó vẫn được coi như một kỷ vật thiêng liêng nhất đối với cuộc đời dì. Trước khi nhắm mắt, dì vẫn kịp dặn con cháu đem chôn nó cùng với dì về thế giới bên kia.

Cuối cùng rồi tôi cũng thực hiện được ý nguyện của bà ngoại, đưa dì Sum ra thị xã  trong dịp đó. Năm ấy dì Sum đã bảy tư tuổi, và đó cũng là lần đầu tiên sau hai mươi hai năm dì mới được trở lại thị xã.  Ban đầu dì định ra thăm bà con họ hàng vài hôm, nhưng ra đến nơi thấy bà ngoại tôi ốm quá  nên dì ở lại cả tháng trời chăm sóc bà ngoại tôi cho tới khi bà ngoại đỡ dì mới chịu về.  Đúng như linh tính đã mách bảo với bà ngoại, sau khi dì Sum về được vài tuần thì bà ngoại đổ bệnh và qua đời. Giờ thì dì Sum cũng đã về cõi vô vi, tôi vẫn nhớ mỗi lần mẹ tôi gắp thức ăn ngon bắt dì ăn, dì lại ôm bụng kêu đau mà càng nhớ thương dì vô kể!

Nhắc đến thời kỳ khai thác vàng, vàng đâu chẳng thấy, ngược lại nhiều địa danh ở đây lại bị xóa sổ. Nguồn nước khe Đá Mài trở nên khan hiếm và ô nhiễm nặng, khiến cho mọi sinh hoạt của bà con càng thêm khó khăn. Đặc biệt, đến năm Kỷ Tỵ (1989), với sự kiện ra đời của dự án đại Thủy nông Sông Rác có trữ lượng: 124,4 triệu mét khối nước làm ảnh hưởng tới hầu hết diện tích của Kỳ Hương. Ngoại trừ xóm Chín, các thôn khác cùng đơn vị hành chính xã bị cắt bỏ. Theo đó, Nhà nước thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ kinh phí cho dân tái định cư tự do. Vô hình chung, dự án càng làm đảo lộn toàn bộ mọi hoạt động đối với cộng đồng xóm Chín.

Khi mà Kỳ Hương bị xóa tên khỏi bản đồ huyện Kỳ Anh, xóm Chín chẳng khác nào một đứa con côi cút bị bỏ rơi được nhập về xã Kỳ Tây, chứ thực ra hồi đó từ xóm Chín xuống trung tâm xã Kỳ Tây làm gì đã có đường sá. Cung đường từ ngã ba Voi lên Kỳ Hương in dấu chân của người đi khai hoang đã hoàn toàn ngập chìm trong biển nước mênh mông. Muốn đi lại, bà con chỉ biết cách ký thác số mệnh của mình trên những chuyến đò đầy phiêu lưu mạo hiểm. Và trên một chuyến đò bất cẩn như vậy, sông nước lòng hồ đã cướp đi sinh mệnh của hơn ba mươi tiều phu, càng làm cho tinh thần của người dân xóm Chín thêm hoang mang suy sụp!

Thời điểm ấy, xóm Chín có chín bảy hộ thì có tới hơn ba mươi hộ bỏ làng vào Tây Nguyên làm rẫy. Riêng dượng Sum không nói không rằng vác cuốc ra đồi Chóp Nón, chính là ngọn đồi trước kia dượng đặt đồ thờ cúng thắp hương khấn lạy giang sơn chứng giám cho đoàn khai hoang được chính thức cắm dùi sinh sống. Giờ dượng lại chắp tay bái vọng đất trời mà thề quyết tâm sống chết với đất này, rồi tự tay dượng đắp lên bên sườn đồi hai phần mộ giả, một dành cho dượng, một dành cho dì, phòng đến ngày khuất núi dù con cháu đi đâu cũng biết chốn an nghỉ cuối cùng của dì dượng mà tiễn đưa dì dượng trở về.

Nói đến quá trình tồn tại của xóm Chín không ai không nhắc tới  giai đoạn bi đát ấy. Vậy mà chính trong cơn bĩ cực đó, một lần nữa dượng Sum lại đứng ra kêu gọi xóm làng hãy nhìn xa trông rộng, bởi dự án chỉ đánh đổi ba thôn của xã Kỳ Hương cứu lấy hàng chục xã khác ở Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Trên thực tế, ngay sau khi công trình đại Thủy nông Sông Rác đi vào hoạt động, cả một vùng đất đai rộng lớn từ nam Kỳ Anh kéo dài ra tận nam Cẩm Xuyên bổng chốc trở thành vựa lúa khổng lồ, vĩnh viễn xua đi cảnh ngày ba tháng tám vốn dai dẵng bao đời ở đó.

Kể từ ngày sát nhập vào xã Kỳ Tây, xóm Chín càng tiếp tục vùng vẫy trong đói nghèo túng quẫn. Nhất là vào năm Đinh Hợi (2007) xóm Chín phải hứng chịu cơn “đại hồng thủy” khủng khiếp chưa từng có. Cơn lũ như chiếc roi nước khổng lồ trong giây lát quất bay cả chiếc cầu Đá Mài, quét trôi đi bao nhà cửa tài sản của người dân, biến nơi này thành một bãi đất đá bùn lầy tan hoang! Tuy vậy cũng chính từ trong đau thương mất mát đó, nhiều tổ chức xã hội đã tìm đến đây giúp đỡ bà con khôi phục cuộc sống và bắt đầu mở ra một trang sử mới cho xóm Chín

Năm đó xóm Chín bắt đầu được hưởng dự án điện lưới quốc gia. Ngoài điện, xóm Chín còn được hưởng dự án xây dựng cầu bắc qua khe Đá Mài, dự án mở rộng đường từ xóm đến trung tâm xã… Với những công trình hạ tầng thiết yếu, người dân xóm Chín được mở mang tầm nhìn ra bên ngoài. Trước đó, vào năm Quý Mùi (2003) Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho bà con thực hiện các mô hình kinh tế, đồng thời tham gia đề án cải tạo rừng, nâng cao độ che phủ, chống biến đổi khí hậu…mà chẳng mấy ai mặn mà gì, thì ngay lập tức sau khi có điện đường, người xóm Chín đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn từ nhiều góc độ khác.

Nhận thấy cơ hội đã đến ông Lê Xuân Lộc, một trong những người đi đầu trong việc đánh thức tiềm năng của rừng đã mạnh dạn nhận khoán 50 ha đất trồng rừng kết hợp làm trang trại chăn nuôi. Nổi bật trong số đó phải kể đến anh Ngô Văn Phúc- cháu ngoại của dượng Sum. Anh nhận khoán 20 ha, đầu tư trồng cây keo lá tràm, hợp đồng cung cấp gỗ nguyên liệu cho Nhà máy băm giăm Khu kinh tế Vũng Áng. Anh tính toán trồng và khai thác rừng quay vòng theo hình thức cuốn chiếu: Trung bình mỗi ha trồng 2.000 cây keo, trừ các khoản chi phí, sau 5 năm cho thu về khoảng 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng; Mỗi năm cho khai thác 4 ha, cho thu về khoảng 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Ở xóm Chín, chỉ tính riêng mô hình trồng cây nguyên liệu phục vụ cho nhà máy băm giăm đã thu hút hàng trăm lao động thường xuyên. Nếu tính theo chu kỳ của cây keo lá tràm như: Ươm giống, đào hố, trồng, chăm sóc bảo vệ, khai thác, bóc vỏ, bốc xếp và vận chuyển… theo đó, người lao động có việc làm quay vòng, cơ cấu lao động tự nhiên được sắp xếp theo quy luật cung cầu một cách  hợp lý tùy theo độ tuổi, giới tính, sức khỏe và trình độ nghề nghiệp khác nhau. Đó cũng là điều tất yếu trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng phong trào nông thôn mới, ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, bà con xóm Chín còn vận động nhau quyên góp xây dựng được đập chứa nước Tùng Lau đảm bảo tưới tiêu cho 6 ha diện tích đất canh tác vốn bị hoang hóa bạc màu; Xây dựng được một nhà mẫu giáo khang trang; Làm được 400 mét đường bê tông giao thông nông thôn và 500 mét kênh mương bê tông nội đồng… góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững của quê hương

Có một điều dễ nhận thấy là dù trải qua bao đổi thay thì lòng người xóm Chín vẫn luôn sống với nhau vẹn nghĩa, vẹn tình. Sinh thời dượng Sum từng nói: “Ai đã ăn uống, tắm giặt nước khe Đá Mài thì không bao giờ thoát ra được khỏi mối ràng buộc khăng khít của tình cảm quê hương”. Dẫu đó là cách lý giải theo quan niệm nhân quả của dượng Sum, nhưng có những sự trùng lặp đến hết sức kỳ lạ! Ví như cô Nguyễn Thị Ánh- cháu ruột của dượng đã bỏ lại hơn 10ha đất đồi từ những năm đói kém về xuôi làm ăn. Vậy mà khi đất hóa “vàng” vợ chồng Ánh vẫn được người làng nhường lại tất cả diện tích trước đó để trở về đầu tư trồng keo lá tràm.

Ông Ngô Văn Vinh (75 tuổi), người thuộc thế hệ đầu tiên tới đây vẫn còn nhớ như in niềm hạnh phúc của cả cộng đồng thôn xóm khi chứng kiến công dân đầu tiên của họ là anh Võ Văn Xuân cất tiếng khóc chào đời bên khe Đá Mài và ngày vui hợp hôn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh với chị Phạm Thị Vọng. Bên cạnh niềm vui của những sự khởi đầu ấy, người xóm Chín vẫn còn đó sự dằn vặt trước cái chết đầy thương tâm cùng lúc của các gia đình nhà bà Châu, nhà bà Tiếp và nhà bà Trợ do máy bay Mỹ đánh bom xuống giữa làng vào năm Nhâm Tý (1972), giữa lúc họ chưa kịp quây quần lại quanh nhau bên bữa cơm chiều!

Nhắc đến quá trình hình thành và phát triển của xóm Chín, ông Vinh không cầm nỗi những giọt nước mắt lẫn lộn buồn vui Ông lội ra con khe Đá Mài vục mặt xuống như muốn gửi gắm tất cả trang lý lịch của xóm Chín xuống lòng khe, rồi ông kéo tôi ngồi lại bên chiếc bàn nhỏ ngoài vườn ông thưởng thức chén rượu nếp nương do chính bàn tay vợ ông chưng cất. Những sợi nắng như những sợi tóc tiên trườn qua từng kẽ lá, bồng bềnh trôi trên mái đầu sương gió của ông và sóng lên dưới  đáy chén, hòa theo cơn say mà ru vào khúc du ca bất tử của núi rừng…

Mới ngày nào hàng chục hộ gia đình bỏ lại ruộng vườn nhà cửa đi kiếm kế sinh nhai làm cho xóm làng trở nên đìu hiu hoang lạnh!  Thì nay cộng đồng bà con xóm Chín với trên một trăm hộ gia đình đang chung lòng chung sức xây dựng quê hương trong khí thế rạo rực. Rừng núi đang hồi sinh, con khe Đá Mài miên man dòng nước trong xanh như gương trời thuở trước. Hình như con khe cũng đang ngóng vọng sự trở về của bao dấu chân lưu lạc, như người mẹ hiền đang doang rộng vòng tay đón những đứa con rứt ruột trở về sau những năm tháng lưu ly !?

Tình người xóm Chín là thế đó. Dù đi đâu, làm gì ở đâu thì các thế hệ người dân xóm Chín cũng luôn tự hào về một vùng đất họ khai sinh ra, họ luôn trân trọng những giá trị thành quả lao động của cha ông mình. Có một điều trở thành luật bất thành văn ở đây là đất đai thuộc về  sở hữu của những người từng cắm dùi từ thuở đi khai hoang thì không ai, kể cả con cháu họ không được tự ý buôn bán chuyển nhượng hoặc tranh giành. Trong lịch sử xóm Chín cũng chưa hề có trường hợp ngoại lệ nào phạm vào điều đó để xẩy ra những cảnh tượng xót lòng.

Trở lại xóm Chín lần này tôi không còn được gặp lại dì dượng nữa. Dưới dốc đồi Chóp Nón có hai nấm mộ cỏ đã lên xanh giữa màu xanh bạt ngàn.  Trong gió chiều hoang hoải, tôi khẽ nghe cháu chắt của dì dượng bàn nhau rằng: Sau đợt khai thác keo lá tràm mùa này, họ sẽ về quê tổ xây lăng mộ cho tổ tông thật đàng hoàng trước khi xây mộ cho dì dượng trên vùng đất quê hương thứ hai này, mà lòng tôi càng cảm thấy bồi hồi!..

Nguyễn Ngọc Vượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP