Xếp dỡ hàng ở cảng Vũng Áng Việt – Lào. Ảnh: Giang Nam |
Lịch sử từ logistics là từ được dùng trong lĩnh vực quân sự, với ý nghĩa là công tác hậu cần cho quân đội. Danh tướng Napoleon từng nói “Người không chuyên bàn về chiến thuật, người chuyên nghiệp bàn về logistics”. Trong chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, công tác hậu cần là một trong những yếu tố then chốt.
Khi logistics đi vào lĩnh vực kinh doanh, nếu coi doanh nghiệp (DN) là một tập đoàn quân đội thì logistics sẽ giải quyết các yếu tố đầu vào tận xưởng sản xuất và bán sản phẩm đầu ra đến tận tay người tiêu dùng; ở mức độ cao nhất sẽ đáp ứng 7 tiêu chí: đúng đối tượng, đúng chủng loại, đúng số lượng, đúng quy cách, đúng địa điểm, đúng thời gian và đúng chi phí.
Các DN logistics có thể cung cấp cho các DN sản xuất. Chẳng hạn, là một công ty may mặc, những dịch vụ giúp đặt mua vải, chỉ, cúc, khóa, đinh, dây… ở nhiều nơi khác nhau trong và ngoài nước theo đúng yêu cầu về giá cả, mẫu mã, chất lượng; 2 bên sẽ lập lịch trình đến giờ này, ngày này, tháng này, công ty may mặc sẽ cần bao nhiêu container vải của Ý, bao nhiêu kg cúc của Hàn Quốc, bao nhiêu chỉ được sản xuất tại miền Nam, bao nhiêu lụa tơ tằm từ miền Bắc… Với quần áo đầu ra, dựa vào đơn đặt sản phẩm của công ty may, DN logistics sẽ lên kế hoạch đóng hàng, có thể hàng lẻ, hàng container rồi vận chuyển bằng đường bộ, tàu biển, đường sông, hàng không… Ở mức độ cao hơn, các DN logistics còn đảm nhận các công việc tìm kiếm mở rộng thị trường phân phối tại các nước nhờ vào các kênh cầu nối thương mại trên toàn thế giới của họ.
Trên công trường xây dựng dự án khu liên hợp gang thép Formosa. Ảnh: Hương Thành |
Các DN logistics thường thiết lập mối quan hệ với nhiều hãng vận tải lớn, các hiệp hội kho vận, hệ thống ngân hàng, các hãng bảo hiểm ở nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau. Đội ngũ nhân viên hiểu rõ về thủ tục thông quan, tập quán thương mại và phân tích được biểu thuế ở nhiều quốc gia, có khả năng quản trị thông tin và truyền dữ liệu điện tử… nên giúp các DN sản xuất sử dụng tiết kiệm và hợp lý các nguồn lực, giảm thiểu chi phí, quá trình sản xuất diễn ra theo nhịp độ đã định, hỗ trợ chủ DN ra các quyết định chính xác.
Với ý nghĩa như vậy, logistics được ghi nhận như một chức năng kinh tế chủ yếu và là một công cụ mang lại thành công cho các DN cả trong khu vực sản xuất lẫn trong khu vực dịch vụ. Trên đường hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, quốc gia, vùng miền kịp thời phát triển hệ thống logistics sẽ mau chóng trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, gắn kết nhanh với nền kinh tế thế giới, mở rộng được thị trường, chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Trong giai đoạn hiện nay, các xu thế logistics toàn cầu và logistics thương mại điện tử được nhắc đến nhiều hơn. Logistics toàn cầu liên quan đến dòng vận động của hàng hóa, thông tin và tiền tệ giữa các quốc gia, liên kết các nhà cung ứng và các khách hàng trên toàn thế giới. Logistics thương mại điện tử (e–logistics) do sự phát triển của kỷ nguyên số nói chung và thương mại điện tử nói riêng đang dần phá vỡ các giới hạn về không gian và thời gian trước đây trong kinh doanh với các kênh phân phối mới với các yêu cầu cao về thời gian, chi phí, địa điểm.
Thực tiễn trên thế giới cho thấy, logistics chỉ phát triển ở các quốc gia có nền tảng kết cấu hạ tầng vững chắc, đặc biệt là cảng biển. Cảng biển đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển ngành logistics của mỗi quốc gia, vùng miền. Sự phát triển của cảng biển giúp ngành logistics giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cảng Vũng Áng có nhiều lợi thế để làm cơ sở cho sự phát triển logistics trên địa bàn tỉnh. Với chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT, cảng Vũng Áng sẽ có cơ hội phát huy hết vai trò, tiềm năng, lợi thế riêng có.
Cộng hòa Liên bang Đức là nước có chỉ số phát triển logistics đứng đầu thế giới năm 2010, doanh thu từ logistics hàng năm đạt trên 200 tỷ EUR, tạo được 2,7 triệu việc làm. Dựa vào vị trí địa lý thuận lợi và các cảng biển ở biển Bắc và Baltic, Đức đã đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics của châu Âu. Singapore và Nhật Bản có chỉ số phát triển logistics chỉ sau Liên bang Đức. |
Đinh Văn Long
Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh