Chúng tôi đã có mặt tại một số điểm nóng trên địa bàn và ghi lại việc làm trái phép này.
Cận cảnh nạn khai thác đất trái phép
Theo xe ben vào các mỏ đất tại xã Xuân Lộc, chúng tôi được chứng kiến cảnh những chiếc máy đang xúc đất bán trái phép. Tại đường tránh Khe Giao – Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa bàn xóm Sơn Phượng và Mai Hoa (Xuân Lộc – Can Lộc) cứ 5 – 10 phút lại có một xe ben chạy vào khu vực bán đất. Đoạn đường tránh Khe Giao mới được tu sửa nhưng đang có dấu hiệu xuống cấp do hàng ngày có hàng trăm xe chở đất cày xới. Những chiếc cầu nhỏ nằm trên con đường thuộc xóm Sơn Phượng đang phải gồng mình “cõng” các xe trọng tải lớn chở đất đi qua.
Ông Tuấn, một người dân Sơn Phượng cho biết: “Có hàng trăm chiếc xe chở đất qua đây mỗi ngày. Ô nhiễm, hỏng đường và cả mất ATGT nữa. Nhiều lần cơ quan chức năng về làm việc nhưng việc bán đất trái phép ở đây vẫn diễn ra!”.
Theo quan sát của phóng viên, có cả nghìn mét vuông đang được chủ hộ và một DN tổ chức xúc đất bán. Xung quanh khu vực này, nhiều khu vườn của các hộ dân cũng đã được đào xới bán, để lại hiện trường là những hố sâu nham nhở.
Tương tự, tại xóm Tân Hương (Đồng Lộc) cũng đang diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép. Hàng ngày, những khu đồi vẫn đang bị đào bới lấy đất bán đi cho các chủ DN vận tải đổ đất làm đường và những hộ dân trong vùng. Ông Nguyễn Văn Long có diện tích gần 4.000 m2 đất đang thuê máy khai thác đất để lấp ao và bán cho các chủ xe. Cả một khu đất rộng hàng nghìn m2 được đào bới nham nhở, có nơi sâu 3 – 4m.
Tại Đồng Lộc, tình trạng khai thác đất trái phép cũng diễn ra rầm rộ
Gần khu vườn ông Long không xa là cảnh ngang nhiên khai thác đất trái phép trên phần đất của ông Phan Huy (xóm Tân Hương). Trên 4.000 m2 đất của ông Huy đang như một công trường lớn với máy xúc và xe chở đất của Công ty Hoàng Anh Hương Khê và Công ty Thảo Nguyên ra vào tấp nập.
Ở thôn Thanh Sơn (Thanh Lộc – Can Lộc) hàng chục chiếc xe ô tô lớn nhỏ cũng đang ra vào xúc đất bán trái phép. Anh Nguyễn Văn Sơn, một người dân ở đây cho biết, khu đồi này rộng hơn 2 ha đất được xã bán cho anh Hoàng Văn Trung (một chủ thầu khai thác) cải tạo làm nghĩa trang. Người dân Thanh Lộc cho rằng, xã không thiếu gì địa điểm sao phải xẻ núi, bán đất làm nghĩa trang?!
Ngoài các điểm khai thác kể trên, không khó để tìm thấy những điểm khai thác đất trái phép tại các xã Thượng Lộc, Phú Lộc, Tùng Lộc, Thanh Lộc…
Chính quyền làm ngơ?
Ông Trần Thanh Mai – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc thừa nhận, khi triển khai làm đường từ Xuân Lộc đến Đồng Lộc, xã có “bật đèn xanh” cho Công ty Hoàng Anh Hương Khê và Công ty Thảo Nguyên mua đất của dân để làm đường. Còn hiện nay, xã không quản lý được những hộ dân đang khai thác đất trái phép. Còn ông Trần Công Quý – Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc lại cho rằng, xã chỉ lấy đất để phục vụ việc xây dựng NTM trên địa bàn. Tuy nhiên, trái với lời ông Quý, hàng trăm chiếc xe vẫn chở đất Xuân Lộc đi bán ở địa bàn khác.
Chính quyền xã không quản lý được những hộ dân đang khai thác đất trái phép?!
Ông Trần Trung Phước – Phó phòng TN&MT huyện Can Lộc cho biết, trên địa bàn huyện hiện chỉ có duy nhất mỏ đất Bình Minh thuộc xã Thượng Lộc được cấp giấy phép hoạt động. Và, việc thời gian gần đây diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan trên địa bàn huyện trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền cấp xã. Không ít xã cố tình làm ngơ để cho người dân và DN hợp thức việc cải tạo mặt bằng để bán đất.
Trước thực trạng trên, huyện Can Lộc đã thành lập tổ công tác đặc biệt với nhiệm vụ kiểm tra nạn khai thác đất trái phép diễn ra trên địa bàn. Nhưng việc làm này cũng chỉ là “đánh trống bỏ dùi”. Các đầu nậu đất vẫn ngang nhiên khai thác trái phép. Điển hình là việc vi phạm của Công ty Hoàng Long Phát tại xã Vượng Lộc trong thời gian vừa qua. Tuy giấy phép đã hết hạn nhưng đơn vị này vẫn cố tình khai thác trong một thời gian dài. Chính quyền địa phương biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ cho DN. Chỉ khi có sự vào cuộc của các cơ báo chí huyện Can Lộc mới làm biên bản dừng khai thác. Hay như việc khai thác đất tại vườn ông Phan Huy (Tân Hương – Đồng Lộc) đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý nhưng UBND xã Đồng Lộc vẫn không có biện pháp ngăn chặn.
Nạn khai thác đất trái phép ở một số xã trên địa bàn huyện Can Lộc đang diễn ra hết sức phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và làm mất ổn định trên địa bàn. Thiết nghĩ, đã đến lúc Sở TN&MT, UBND huyện Can Lộc phải vào cuộc xử lý nghiêm các cá nhân, DN và một số địa phương đang cố tình vi phạm.
Nhóm P.V
Hỏi đáp pháp luật
– Người sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất nhằm mục đích sử dụng gồm: đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất ở, có hành vi khai thác đất dùng để bán làm vật liệu san lấp mặt bằng có vi phạm pháp luật không?
Trả lời: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì một trong những nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ theo quy định pháp luật, Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất hoặc làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích sử dụng đã được xác định theo quy định pháp luật.
Người nào có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định người sử dụng đất có hành vi làm suy giảm chất lượng đất hoặc làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích sử dụng đã được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/ 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính từ 500.000 – 100.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả làm suy giảm chất lượng đất, khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.
Người sử dụng đất có các hành vi nói trên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 173 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt, tùy thuộc điều kiện tự nhiên, KT-XH, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng địa phương mà UBND cấp có thẩm quyền cho phép khai thác đất đối với một số diện tích đất trồng cây lâu năm sản xuất kém hiệu quả; đất trống, đồi núi trọc chưa sử dụng để làm vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng tại địa phương; san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất ở. Người sử dụng đất chỉ được khai thác đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất ở khi được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy phép cho khai thác, thực hiện.
Như vậy, người sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất nhằm mục đích sử dụng gồm: đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất ở có hành vi khai thác đất dùng để bán làm vật liệu san lấp mặt bằng khi chưa được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy phép cho khai thác, thực hiện là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người sử dụng đất sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật đã viện dẫn trên đây.
LS Phan Văn Chiều
Phó trưởng Văn phòng Luật sư An Phát – Đoàn Luật sư Hà Tĩnh
Baohatinh