Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Trong đó, những nội dung liên quan đến BOT được Chính phủ báo cáo rõ ràng.
Loại 14 dự án BOT trên đường hiện hữu
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 được ban hành đã giải quyết triệt để tồn tại về tiêu chí và chủ trương đầu tư đối các dự án BOT đầu tư mới.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã dừng 14 dự án BOT có tiêu chí trên đường hiện hữu.
Đồng thời, điều chỉnh, xử lý bổ sung một số hạng mục địa phương kiến nghị đối với các dự án BOT do UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai.
Hiện BOT giao thông vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần tháo gỡ. |
Tuy nhiên, các địa phương có tuyến đi qua liên tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước để đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư công do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng tới việc lưu thông của người dân.
Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước và đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018. Đối với một số dự án khác, khi chưa có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước có thể sẽ gây bức xúc trong xã hội.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong dự thảo Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, các Bộ, ngành đang nghiên cứu quy định về đầu tư nâng cấp, cải tạo các dự án trên đường hiện hữu theo hướng không thu phí trực tiếp từ người sử dụng và Nhà nước thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ yêu cầu tại Hợp đồng dự án.
Theo quy định tại Điều 4, Bộ Luật Dân sự số 33/2005/QH11, các nhà đầu tư không đồng ý giảm trừ lãi vay trong thời gian xây dựng chưa tính trong tổng mức đầu tư của dự án BOT và mức chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu nên đến nay chưa thể đàm phán điều chỉnh Hợp đồng dự án. “Trường hợp Nhà nước đơn phương thực hiện thì có thể sẽ dẫn đến các tranh chấp pháp lý, sẽ tác động tiêu cực đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP trong thời gian tới”, Chính phủ cho biết đã chỉ đạo các Bộ làm việc với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc nêu trên. |
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng điểm mặt những vấn đề tồn tại cần giải quyết của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai.
Đối với việc quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí sử dụng dịch vụ chính thức, báo cáo của Chính phủ cho hay: “Hầu hết các dự án đều có giá trị quyết toán nhỏ hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu dẫn đến thời gian thu phí hoàn vốn chính thức đã được giảm xuống”.
BOT giảm doanh thu, Nhà nước không thể mua lại
Theo số liệu quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay một số dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (xem thêm 37 dự án BOT giảm doanh thu tại đây)
Nguyên nhân là do lưu lượng thấp hơn so với dự báo, do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm hoặc phân lưu, do giảm phí và chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong Hợp đồng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP. Ngoài ra, còn có lý do có sự thay đổi về số lượng trạm thu phí và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước so với phương án ban đầu tại Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả.
“Việc sụt giảm doanh thu không như dự kiến ban đầu sẽ dẫn tới khó khăn cho các nhà đầu tư dự án BOT và ngân hàng tài trợ. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để xử lý các vấn đề nêu trên”, Chính phủ đánh giá.
Để xử lý triệt để, dứt điểm các bất cập của các trạm thu phí, Chính phủ cho rằng: Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, rất khó khăn để cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Liên quan công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án, báo cáo của Chính phủ cho biết: Tính đến tháng 5/2019 các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã có 117 lần thanh tra, kiểm toán đối với 63 dự án đang vận hành khai thác và đang triển khai đầu tư.
Sau khi kết luận thanh tra, kiểm toán được công bố, Bộ Giao thông vận tải ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, sai sót và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Khó loại bỏ điều khoản bí mật trong hợp đồng BOT? Chính phủ cho biết: Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng mẫu hợp đồng BOT áp dụng cho các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong đó loại bỏ các điều khoản bí mật theo Nghị quyết số 83/NQ-CP. Tuy nhiên, việc loại bỏ các điều khoản bí mật trong hợp đồng có thể sẽ gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. |
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet