Khám phá

Lễ hội chuông gió – nét văn hóa độc đáo Xứ hoa Anh đào

Lễ hội không chỉ thu hút học sinh, sinh viên ở các trường đại học mà còn có rất nhiều giáo viên và người dân Thủ đô, cũng như những người Nhật Bản đang làm ăn sinh sống ở Hà Nội cùng đến tham gia thi vẽ chuông gió cầu may.

Trong tiết trời mùa Thu tuyệt đẹp, Lễ hội chuông gió diễn ra trong hai ngày, thu hút hơn 10.000 bạn trẻ đến tìm hiểu và trải nghiệm về một nét văn hóa độc đáo của đất nước hoa anh đào.

Những người tham gia Lễ hội đã có dịp được tự tay vẽ, trang trí cho những chiếc chuông gió và tìm hiểu về lịch sử chuông gió Nhật Bản. Ấn tượng nhất là mọi người cùng làm chuông gió, cùng chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Những chiếc chuông gió làm xong được treo lên lấp lánh trong nắng thu vàng và va vào nhau kêu lanh canh như một dàn đồng ca vui tai.

Chuông gió làm bằng thủy tinh, kim loại hoặc gốm, khi treo lên gặp gió tạo thành những âm thanh rất vui tai. Người Nhật thường treo chuông gió trước cửa nhà, bên cạnh mỗi chiếc chuông có một mảnh giấy cứng để ghi lời chúc mà mọi người muốn trao tặng cho nhau. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa của đất nước Nhật Bản.

Người Nhật coi chuông gió là biểu tượng của sự may mắn.
Lễ hội chuông gió là dịp giao lưu văn hóa có ý nghĩa dành cho các bạn trẻ Việt Nam yêu thích văn hóa Nhật Bản.
Mọi người cùng giao lưu, tìm hiểu những nét văn hóa Nhật Bản tại ngày hội.
Một cosplayer trẻ tham gia Lễ hội chuông gió.
Một bạn trẻ trong trang phục kimono truyền thống của Nhật Bản đang trang điểm cho chiếc chuông gió của mình.
Mỗi chiếc chuông gió mang một hình vẽ khác nhau tượng trưng cho những điều ước tốt lành.
Theo quan niệm của người Nhật, chuông gió là biểu tượng của sự may mắn, tình yêu và hạnh phúc.
Các bạn trẻ treo những chiếc chuông gió lên cao để lời ước trở thành hiện thực.
Các bạn trẻ Việt Nam trong điệu múa Yosakoi truyền thống của Nhật Bản tại Lễ hội chuông gió.
Các bạn trẻ Việt Nam trong điệu múa Yosakoi truyền thống của Nhật Bản tại Lễ hội chuông gió.
Búp bê truyền thống daruma của Nhật Bản ở Lễ hội chuông gió 2014.
Ông Tagawa Akio, giáo viên đến từ Học viện Ngoại ngữ Kyushu, cùng các bạn Việt Nam chơi những trò chơi dân gian của người Nhật.

Từ thông điệp này, các bạn trẻ Việt Nam và Nhật Bản cũng tìm cho mình sự giao lưu đồng điệu. Các bạn viết những điều ước bằng tiếng Việt và tiếng Nhật lên mảnh giấy treo trên chuông gió. Những nét chữ mềm mại, thân thương đã kết nối nhiều bạn trẻ Việt Nam và Nhật Bản, giúp họ hiểu hơn về chiều sâu văn hóa của mỗi dân tộc.

Lễ hội chuông gió còn trở nên ấn tượng hơn với nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian của Nhật Bản như múa Yosakoi, trình diễn Cosplay, gấp giấy nghệ thuật Origami, tìm hiểu sách hay, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu trò chơi truyền thống giữa hai quốc gia… từ đó tạo thành một sân chơi giúp mọi người có cơ hội được trải nghiệm văn hóa Nhật Bản – Việt Nam hết sức thú vị.

Theo đại diện của trường Yuki Matsuri cho biết, sắp tới Lễ hội chuông gió Nhật Bản sẽ được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao sự hiểu biết, thân thiện giữa hai quốc gia, từ đó thúc đẩy mối quan hệ giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ./.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP