Thể thao

Làn sóng nhập tịch cầu thủ trước AFF Cup 2018: Lợi bất cập hại

Ngay trước thềm AFF Cup 2018, nhiều đội bóng tại Đông Nam Á nhập tịch cho cầu thủ gốc ngoại khoác áo đội tuyển, nhằm giải quyết vấn đề thành tích trước mắt.

Tiếp sau Indonesia nhập tịch cho cầu thủ gốc Brazil và Argentina khoác áo đội tuyển xứ vạn đảo, đến lượt Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) bật đèn xanh, cho nhập tịch cho cầu thủ gốc Gambia là Mohamadou Sumareh vào đội tuyển.

Đây là điều chưa có tiền lệ và chịu nhiều phản ứng từ người hâm mộ bóng đá Malaysia nói chung, vì đội tuyển Malaysia chưa từng sử dụng cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên, khả năng Mohamadou Sumareh dự AFF Cup 2018 là rất cao, bởi yêu cầu phải có thành tích, cụ thể là vô địch giải Đông Nam Á quá lớn, khiến FAM muốn phá lệ.

Trước đó, Philippines được biết đến với tư cách đội bóng tại Đông Nam Á sử dụng cầu thủ có nguồn gốc nước ngoài nhiều nhất. Philippines cũng được xếp trong nhóm những ứng cử viên vô địch hàng đầu của AFF Cup năm nay.

Không sử dụng cầu thủ nhập tịch, nhưng bóng đá Việt Nam mới là nền bóng đá tại Đông Nam Á gây tiếng vang lớn nhất ở các giải đấu tầm châu lục suốt 2 năm qua

Dù vậy, việc nhập tịch cho các cầu thủ gốc nước ngoài có thể gây tác hại về lâu về dài cho công tác phát triển bóng đá trẻ của các nền bóng đá trong khu vực.

Philippines sử dụng nhiều cầu thủ gốc nước ngoài, nhưng phải hiểu đặc thù xã hội Philippines nói chung và đặc thù thể thao ở nước này nói riêng.

Những cầu thủ Philippines khoác áo đội tuyển quốc gia dù có dòng máu châu Âu nhưng họ cũng mang trong mình một phần dòng máu Philippines, hoặc gia đình của họ đã sinh sống nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ ở đảo quốc này, nên không xa lạ với văn hoá và bản sắc của người Philippines.

Vả lại, do bóng đá không phải là môn thể thao được ưa chuộng tại Philippines (người dân nước họ thích Quyền Anh và bóng rổ nhiều hơn hẳn bóng đá), nên nếu không sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài, có lẽ Philippines không có đủ cầu thủ đủ chất lượng để tham gia các giải quốc tế.

Điều tương tự từng xảy ra ở Singapore trước đây. Quốc đảo có số dân hạn chế này không có nguồn cầu thủ phong phú như tại Thái Lan, Việt Nam, nên họ buộc phải sử dụng nhập tịch để giải quyết bài toán nhân sự.

Tuy nhiên, chính đội tuyển Singapore sau nhiều năm sử dụng cầu thủ nhập tịch cũng nhận ra rằng bóng đá trẻ của họ không hề phát triển, dù đội tuyển luôn đạt thành tích ở Đông Nam Á (Singapore đã 4 lần vô địch AFF Cup).

Cũng trong ngần ấy năm dùng cầu thủ nhập tịch để tranh thành tích tại AFF Cup, do bóng đá trẻ không phát triển, nên bóng đá Singapore chẳng những không thể tiến lên, mà còn “thụt lùi 5 – 7 năm so với bóng đá Thái Lan và Việt Nam” – nhận xét của cựu danh thủ Singapore Fandi Ahmad.

Một cầu thủ nhập tịch được sử dụng cũng có nghĩa là cơ hội lên tuyển của 1 cầu thủ trẻ bị mất đi, rồi nhiều cầu thủ trẻ khác mất động lực phấn đấu, trước khi có thể họ sẽ từ bỏ việc gia nhập các học viện đào tạo trẻ.

Chưa kể các cầu thủ nhập tịch ở các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á đa phần đều lớn tuổi, ngoài chuyện đáp ứng yêu cầu thành tích nhất thời, không giải quyết sự phát triển về lâu về dài.

Ví dụ như tiền đạo Alberto Goncalves (gốc Barzil) năm nay đã 37 tuổi và tiền vệ Esteban Vicarra (gốc Argentina) năm nay đã 32 tuổi. Có thể họ chỉ đá hết AFF Cup năm nay, sau đó Indonesia có khi phải tìm người khác thế chỗ họ ở các giải đấu khác, rồi lại bắt đầu làm quen lại từ đầu với nhân sự mới và có thể cả công thức mới.

Ở thái cực ngược lại, nhờ kiên trì với công tác đào tạo trẻ, thay đổi hệ thống các học viện bóng đá trong nước, thay vì nhập tịch cầu thủ gốc ngoại mà bóng đá Việt Nam liên tiếp tạo tiếng vang lớn ở các giải đấu tầm châu lục trong suốt 2 năm qua (đội U20 giành quyền dự VCK World Cup U20, đội U23 hạng nhì châu Á và đội Olympic vào bán kết Asiad 2018). Đồng thời, thế hệ trẻ hiện tại của bóng đá Việt Nam có thể còn toả sáng lâu dài!

Tác giả: Thiện Nhân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP