Tiêm kích F-4 của VF-74 áp sát một chiếc Tu-95 Liên Xô. Ảnh: Wikipedia. |
Tháng 3/1966, John Newlin là sĩ quan tham mưu tác chiến của Phi đoàn tiêm kích số 74 đóng trên tàu sân bay Mỹ USS Forrestal. Sau chuyến triển khai dài ngày tại Địa Trung Hải, con tàu bắt đầu trở về cảng nhà Norfolk, miền đông nước Mỹ. Trong hành trình này, Newlin đã có cuộc chạm trán khó quên với biên đội oanh tạc cơ Tu-95, loại máy bay được mệnh danh là "Gấu hạt nhân" của Liên Xô, theo Airspace Mag.
Sau khi vượt qua eo biển Gibraltar, tàu Forrestal nhận nhiệm vụ "Bear Watch" (Trông chừng Gấu), trong đó các máy bay trên tàu có trách nhiệm phát hiện, áp sát và hộ tống các biên đội Tu-95 Liên Xô khi họ tiếp cận tàu sân bay Mỹ. Lực lượng cảnh giới gồm hai tiêm kích F-4 Phantom II, hai phi cơ F-8 Crusader, một chiếc F-8 chuyên chụp ảnh và một máy bay tiếp dầu A-3.
Trong mỗi ca trực kéo dài một giờ, phi công của các máy bay này phải ngồi sẵn trong buồng lái để sẵn sàng xuất kích. Biên đội F-4 và F-8 được nối sẵn vào hệ thống máy phóng hơi nước trên tàu, cho phép chúng xuất phát chỉ trong 5 phút. Khi đêm xuống, Newlin sẽ phân chia ca trực cho ngày tiếp theo.
Đêm 30/3/1966, Newlin nhận được tin tình báo một biên đội hai chiếc Tu-95 sẽ áp sát tàu Forrestal vào trưa hôm sau. Phi đội Liên Xô dự kiến cất cánh từ căn cứ Murmansk trước bình minh, tiếp dầu trên quần đảo Faroe trước khi hướng về phía nam để bay qua tàu sân bay Mỹ.
Newlin không thể cưỡng lại mong muốn được tận mắt thấy "Gấu hạt nhân" Liên Xô. Ông lập kế hoạch để mình và sĩ quan radar Nick Estabrook tham gia ca trực bắt đầu lúc 12h trưa 1/4.
Trưa hôm sau, Newlin và Estabrook trèo lên chiếc F-4B ngay trước thời điểm 12h. Máy bay được trang bị hai tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder và hai tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow. Thời gian trôi qua một cách chậm chạp, Newlin lo ngại biên đội Tu-95 sẽ tới muộn hoặc tin tình báo về chuyến bay bị sai.
John Newlin trên tàu sân bây USS Forrestal. Ảnh: Airspace Mag. |
Chỉ 10 phút trước khi ca trực kết thúc, sĩ quan chỉ huy của Newlin tiến gần tới chiếc F-4B và hỏi ông có muốn nghỉ trực sớm hơn hay không, thay vì ra lệnh cho ông rời buồng lái. Tổ lái chiếc F-4B hiểu rằng có chuyện quan trọng sắp xảy ra.
Newlin từ chối nghỉ sớm và ngay sau đó lệnh xuất kích được phát ra từ loa phóng thanh. Newlin và Estabrook đóng nắp buồng lái, kích hoạt động cơ và cất cánh.
Quy tắc hộ tống oanh tạc cơ Tu-95 rất đơn giản và chặt chẽ. Phi đội Mỹ sẽ tiếp cận chiếc Tu-95 dẫn đầu khi nó cách tàu Forrestal khoảng 160 km, bám sát cho tới khi máy bay Liên Xô rời khỏi vòng tròn bán kính 160 km quanh tàu sân bay.
Estabrook bật radar và phát hiện phi cơ Liên Xô ngay lập tức, ông cho biết tín hiệu của Tu-95 to như một quả chuối trên màn hình hiển thị. Newlin tiếp cận chiếc Tu-95 khi nó ở cách USS Forrestal khoảng 155 km, tiêm kích F-4B còn lại trong biên đội bám theo máy bay Tu-95 thứ hai cách đó 3 km. Những chiếc F-8 giữ khoảng cách an toàn, trong khi phi công máy bay tiếp dầu A-3 lại quyết định áp sát biên đội oanh tạc cơ Liên Xô.
Khi tiếp cận phía đuôi chiếc Tu-95, Newlin phát hiện một thành viên tổ lái Liên Xô đang chuẩn bị máy ảnh. Người này ra hiệu cho Newlin, tỏ ý muốn chiếc F-4B xếp đội hình để chụp ảnh. Newlin chấp nhận đề nghị này và điều khiển máy bay vào vị trí đẹp, phi công Liên Xô giơ ngón tay cái sau đó vài giây, cho biết việc chụp ảnh đã hoàn thành tốt đẹp.
Cùng lúc, sĩ quan radar Estabrook trên tiêm kích F-4B của Newlin cũng chụp ảnh máy bay Tu-95. Ông đã sử dụng hết 72 tấm phim trong chiếc máy ảnh hiện đại của mình.
Chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu biên đội Liên Xô được xác định là Tu-95K (Bear-B), được thiết kế để mang tên lửa diệt hạm Kh-20 có tầm bắn tới 600 km. Chiếc còn lại là Tu-95RT, biến thể trinh sát điện tử và dẫn bắn trên không của không quân hải quân Liên Xô. Nhiệm vụ của phi cơ Tu-95RT là thu thập, phân tích tín hiệu radar và thông tin liên lạc của tàu sân bay Forrestal, cũng như các phi cơ trên đó.
Sau màn chụp ảnh, Newlin điều khiển tiêm kích F-4B áp sát động cơ ngoài cùng bên phải của chiếc Tu-95 mà không biết máy bay tiếp dầu A-3 đang ở khoảng cách rất gần. Ông gọi bức ảnh chụp khoảnh khắc này là "Bánh mì kẹp thịt".
Khoảnh khắc tiêm kích của Newlin bay giữa oanh tạc cơ Tu-95 và máy bay tiếp dầu A-3. Ảnh: Airspace Mag. |
Estabrook tỏ ra lo ngại khi chiếc F-4B bị kẹp giữa hai máy bay lớn và kém cơ động. Newlin không để ý tới điều này do ông đang tập trung giữ vị trí với chiếc Tu-95K. Sau này, mỗi khi nhìn lại bức ảnh, ông đều tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu tiêm kích F-4B mất điều khiển và va chạm với oanh tạc cơ Tu-95, cũng như liệu nó có châm ngòi Thế chiến III hay không.
Newlin khẳng định nguy cơ xảy ra va chạm là rất nhỏ, do sở hữu nhiều kinh nghiệm bay sát cánh phi cơ khác. Ông cho biết không thể quên được rung động mãnh liệt của kính buồng lái khi chiếc F-4B bay gần cánh quạt khổng lồ trên oanh tạc cơ Tu-95.
Khi cách tàu Forrestal khoảng 32 km, biên đội Tu-95 bắt đầu hạ độ cao từ mức hành trình 10.000 m. Hai phi cơ Liên Xô bay qua đầu tàu sân bay Mỹ khi chỉ cách mặt biển 500 m, sau đó tăng độ cao và trở về hướng bắc. Phi đội đánh chặn Mỹ bám sát những chiếc Tu-95 cho tới khi họ rời khỏi phạm vi 160 km tính từ tàu Forrestal.
Newlin ra hiệu cho phía Liên Xô rằng máy bay Mỹ sẽ tách đội hình và trở về. Ngay lúc đó, phi công Tu-95 bỏ mặt nạ dưỡng khí, nở nụ cười tươi và giơ ngón cái tạm biệt. "Trong vòng một giờ vào ngày hôm đó, chúng tôi không phải kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh, chỉ là những phi công đang tận hưởng việc được lái những chiếc máy bay tuyệt vời", Newlin hồi tưởng.
Tác giả: Tử Quỳnh
Nguồn tin: Báo VnExpress