Dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cây cỏ tự nhiên, hoa lá rừng, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả so với các mô hình chăn nuôi khác, chuồng trại lại đơn giản nên mô hình này phù hợp với những hộ ít vốn. Đặc biệt, Kỳ Xuân là một xã có phần lớn diện tích nằm gần vùng biên núi đá, phù hợp với việc chăn nuôi dê thả. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, trọng lượng đạt từ 30-35kg/con, trung bình 1 năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con, còn dê thịt có thể xuất bán khi đạt được thời gian nuôi từ 5-6 tháng, với giá bán giao động từ 160-200 nghìn đồng/kg.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Định – thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân hiện nay đang tập trung thực hiện mô hình này, bước đầu đã mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Là một giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Xuân, nhận thấy nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, lại không mất nhiều thời gian chăm sóc và nguồn thức ăn sẵn có tại vườn đồi, cuối năm 2015 chị Định đã bắt đầu quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại với vốn ban đầu 50 triệu đồng. Chị cho biết: “ Chị quyết tâm đầu tư vào mô hình nuôi dê để cải thiện đời sống, nâng mức thu nhập cho gia đình, với ưu điểm tận dụng đất đồi chủ yếu là chăn thả, tuy hai vợ chồng đều có công việc riêng, nhưng với lợi thế đó chúng tôi không mất nhiều thời gian chăm sóc và hiệu quả kinh tế mang lại thì khá cao…”.
Kỳ Xuân là xã có địa hình trung du và miền núi nên có nhiều địa điểm chăn thả và làm chuồng trại, đồng thời xa các khu dân cư nên đảm bảo về vấn đề vệ sinh môi trường. Để giúp cho các hộ chăn nuôi phát triển kinh tế đồng thời nhân rộng mô hình chăn nuôi dê, xã Kỳ Xuân– huyện Kỳ Anh đã có những chính sách quan tâm, hỗ trợ các hộ dân, nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình này. Với mô hình từ 15 con dê cái trở lên sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng xây dựng chuồng trại và 2 triệu đồng mua con giống. Đến nay, trên địa bàn xã Kỳ Xuân – huyện Kỳ Anh đã có 12 hộ tham gia phát triển mô hình nuôi dê thả đồi, mỗi hộ từ 15-150 con. Ông Dương Xuân Phú, bí thư xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh cho biết: “Trong những năm gần đây, nhờ áp dụng chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bên cạnh nhiều mô hình khác, xã Kỳ Xuân đã đưa mô hình nuôi dê thả đồi vào triển khai tại địa phương và thấy hiệu quả khá cao. Đặc biệt, cấp ủy chính quyền xã đã có những chính sách phù hợp, kịp thời nhằm khuyến khích động viên bà con nhân rộng mô hình này, đặc biệt trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình bởi hiệu quả của mô hình mang lại rất cao, đặc biệt phù hợp với những hộ ít vốn và có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu từ mô hình này…”.
Từ lợi thế sẵn có cùng với các chính sách thiết thực đến với người dân đã kịp thời động viên, khuyến khích các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh phát triển và tiếp tục nhân rộng mô hình, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân ở một vùng quê lâu nay vốn chỉ mưu sinh từ nghề chài lưới, đưa người dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương./.