“Hung thần” chở đá…phá đường
Bám tuyến những ngày trung tuần tháng 9/2013, phóng viên Báo Giao thông mục sở thị cảnh từng đoàn xe chở đá rồng rắn trên QL12 đoạn qua Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chúng tôi đếm được có 5 mỏ đá chỉ trong quãng đường chưa đầy 3 cây số.
Theo quan sát, mỏ đá Quân khu 4 có quy mô lớn nhất tại khu vực này. Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây đang có khoảng hơn 20 xe tải cỡ lớn chờ đến lượt vào “ăn hàng”. Hầu hết các xe chở đá đều được cơi thêm từ 20 – 50cm thùng để tăng khối lượng chuyên chở.
“Công điện 383/CĐ-BCA ngày 27/7/2013 do một Thứ trưởng Bộ Công an ký ban hành có chỉ đạo chỉ được xử lý xe quá tải đối với những trường hợp có nguy cơ gây TNGT. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm QL12 đoạn qua Kỳ Tân, Kỳ Anh không có TNGT”.
Thiếu tá Bùi Đức Thuận
Phó trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh
Tiếp đó, phóng viên xâm nhập mỏ đá Khe Đá Giàng thuộc thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh. Đường từ QL12 rẽ vào mỏ đá dài hơn 1km được chủ mỏ đầu tư khá quy mô với mặt cắt lên tới cả chục mét xẻ qua đồi thông. Phía dưới là phần móng đường được xếp đá hộc, trên mặt được rải lớp đá mạt lấy từ mỏ ra. Anh Nguyễn Xuân Hải, một người dân đóng trại nuôi bò ngay sát khu vực mỏ đá cho biết: “Mỏ này của mấy người Bắc vào khai thác, đến tháng 10 này được tròn một năm. Bữa ni (nay) hắn ít xe vì mất điện nhưng từ sáng cũng vài chục xe, đường cũng mới được dải thêm hồi sáng, bình thường xe chạy cả ngày, đêm, mỗi xe chở trên 30 khối, nghe nói trên 40 tấn đá, chưa tính trọng tải xe”.
Còn anh Thắng, người dân sống tại thôn Trường Xuân, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, nơi QL12 được chia hai làn trước khi nhập vào QL1 cho biết: “Thời gian qua, xe đá chạy suốt ngày đêm, có trường hợp đã đâm trôi cả dải phân cách giữa nhưng không có ai xử lý, CSGT có xuất hiện nhưng ở mãi khu vực phía trên các mỏ đá và chỉ… bắt xe máy”.
Hệ quả nhãn tiền là, theo ông Trương Quốc Dương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần 496, chỉ từ tháng 7/2013 đến nay, mặt đường QL12 đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, đơn vị quản lý do không có kinh phí nên chỉ có thể vá láng mặt đường để bảo đảm giao thông.
Bản thân chúng tôi qua quan sát cũng dễ dàng nhận thấy làn đường từ phía các mỏ đá ra QL12 đã hình thành các vệt lún kéo dài, có nơi sâu tới 15cm.
QL12 đoạn qua Kỳ Tiên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhiều nơi mặt đường bị lún sâu theo vệt bánh xe chở đá
Công điện của Bộ Công an không cho xử lý (!?)
Đem câu chuyện xe chở đá trên QL12 hỏi Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh, ông cho biết: Tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh có trang bị 2 cân tải trọng cho lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) để xử lý vi phạm trên các tuyến tỉnh lộ. Riêng đối với QL12 và 3 tuyến QL khác nằm trong kế hoạch triển khai liên ngành được tổ chức vào tháng 7 vừa qua nhưng sau đó đã tạm dừng.
Trong khi đó, Thiếu tá Bùi Đức Thuận – Phó trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh lại đưa ra một vài lý do dẫn tới việc không xử lý xe quá tải trên QL12. “Cùng với việc cân tải trọng của lực lượng CSGT hết hạn kiểm định, phía đơn vị tiêu chuẩn đo lường chỉ cấp hiệu chỉnh cho cân chứ không chứng nhận nên chúng tôi không thể đem cân đi cân xe” – Thiếu tá Thuận nói.
Ngoài ra, lý do chính mà Thiếu tá Thuận đưa ra là “Công điện 383/CĐ-BCA ngày 27/7/2013 do một Thứ trưởng Bộ Công an ký ban hành có chỉ đạo, chỉ được xử lý xe quá tải đối với những trường hợp có nguy cơ gây TNGT. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm QL12 đoạn qua Kỳ Tân, Kỳ Anh không có TNGT”.
Lãnh đạo phòng CSGT Hà Tĩnh cũng cho biết, trong năm 2012, Phòng CSGT đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu huyện Kỳ Anh ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải chở đúng tải trọng cho phép. “Đối với việc cân xe, cơ quan quản lý đường nên đề xuất giải pháp để lực lượng CSGT phối hợp”, Thiếu tá Bùi Đức Thuận nói.
Trong khi các lực lượng đưa ra nhiều “cái khó” cho việc xử lý xe quá tải phá QL12 thì một thực tế là ngày qua ngày, tuyến đường đang gồng mình chịu trận. Cũng xin nói thêm rằng, những xe chở đá trên QL12 hầu hết là loại xe 3 trục xuất xứ từ Trung Quốc và có sức tàn phá đường khủng khiếp khi mỗi trục xe phải chịu tải trọng hơn 20 tấn và dồn trọng lực xuống mặt đường.
* Trung tá Trần Đình Khương, Trạm trưởng Trạm TTKS 5.1, Phòng CSGT Nghệ An: Trước khi Công điện 383/CĐ-BCA ra đời, chúng tôi vẫn xử lý xe quá tải trên tinh thần kết hợp với trạm cân của tư nhân để cân xe sau đó yêu cầu lái xe tự hạ tải rồi mới được tiếp tục lưu hành. Sau khi Công điện 383 được ban hành, chúng tôi vẫn xử lý vi phạm đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm và yêu cầu các chủ xe đưa xe vào cân. CSGT không giữ xe, không tạm giữ hàng hóa mà chỉ yêu cầu chủ phương tiện hạ tải và bảo quản tài sản của mình. Việc cân xe và xử lý được thực hiện theo đúng pháp luật quy định. Từ 5/5 đến 4/9, chúng tôi đã xử lý trên 3.000 trường hợp xe quá tải vi phạm.
* Chánh Thanh tra Sở GTVT Yên Bái Mai Văn Bộ: Công điện 383/CĐ-BCA ngày 27/7 có nêu 2 vấn đề liên quan đến cân tải trọng là chỉ xử lý các trường hợp xe quá khổ, quá tải gây TNGT và lực lượng CSGT không được để các lực lượng khác làm thay và ngược lại. Quy định này sẽ mang tính bó hẹp trong lĩnh vực của ngành khiến cho việc phối hợp giữa các lực lượng sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, Chỉ thị 12/CT-TTg lại giao nhiệm vụ xử lý xe quá tải cho các lực lượng chức năng.
Riêng đối với Yên Bái là một trong 10 địa phương được cấp cân tải trọng trong đợt đầu, quan điểm của chúng tôi là theo chỉ đạo của địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm sẽ được phân định cụ thể giữa thanh tra giao thông và CSGT. CSGT chỉ làm nhiệm vụ dừng xe nếu phát hiện dấu hiệu quá khổ, quá tải, còn thanh tra sẽ là lực lượng xử lý.
Tuấn Anh – Văn Thanh
GTVT