Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hoàn cùng lãnh đạo Phòng giáo dục – đào tạo huyện kiểm tra mô hình” tiếng trống báo học” ở xã Kỳ Sơn. Người tâm huyết và đưa mô hình này hoạt động trở lại là thầy giáo Lê Quang Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn. Thầy Trung cho biết; “ Mô hình “ Tiếng trống báo học ” vốn xuất phát từ những năm 2007 – 2008. Lúc đó, chính quyền địa phương và một số thầy cô các trường trên địa bàn đã xây dựng ý tưởng sẽ tổ chức đánh trống vào buổi tối với mục đích nhắc nhở các em học sinh trên địa bàn xã đến giờ học tập. Tuy nhiên, đến năm 2012, vì nhiều lý do nên phong trào tạm thời lắng xuống. Đến năm 2014, nhờ sự đóng góp ý kiến của một số cán bộ lâu năm, chúng tôi nhận thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa, vì vậy mọi người cùng nhau xây dựng lại mô hình “ Tiếng trống báo học ” và kể từ đó tiếng trống lại vang lên vào mỗi tối” .
Sau những tiếng trống vang lên, các em học sinh ở đây sẽ ngồi vào bàn để học bài. Điều đặc biệt là, trong thời gian đó, nếu gia đình nào còn tổ chức hát hò, mở nhạc to thì sẽ được bà con trong thôn nhắc nhở không được gây ồn ào để các cháu có thể tập trung học. Mỗi người dân tự ý thức việc làm của mình để không gây ảnh hưởng tới các cháu. Ngoài ra, em nào sau khi tiếng trống vang mà còn ra ngoài chơi thì cũng sẽ bị gia đình, bà con nhắc nhở.
Em Dương Thị Hằng, học sinh lớp 9A, Trường THCS Kỳ Sơn cho biết; “ Mỗi khi tiếng trống vang lên thì đó là thói quen hàng ngay nhắc nhở chúng em vào bàn học bài mỗi tối và ôn bài trước khi đi học vào buổi sáng. Có những lúc em đang xem phim nhưng khi có tiếng trống chúng em liền tắt tivi để vào bàn học, từ đó, em đã đạt thành tích tốt hơn trong học tập”
Xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh có 9 thôn, xóm trung bình mỗi thôn có một chiếc trống, riêng thôn Mỹ Thuận rộng thì có hai chiếc. Trống thường được để ở hội trường hoặc gia đình của người phụ trách đánh trống. Mùa hè thì đúng 7h30, mùa đông thì đúng 7h là tiếng trống lại giòn giã rền vang khắp cả 9 thôn của một xã vùng núi. Việc đánh trống được giao cho các cụ già trong làng. Thường các cụ đánh trống với tinh thần tự nguyện là chính.
” Tiếng trống báo học” vang lại hàng đêm ở xã Kỳ Sơn. Ông Bùi Quang Trung, người gắn bó với tiếng trống báo học ở thôn Mỹ Lợi xã Kỳ Sơn tâm sự; “Việc đánh trống được phát huy rất tốt và có hiệu quả trên địa bàn toàn xã và giúp ích các em học sinh và con em trong xã sẽ tự ý thức việc học, đó cũng là niềm vui của chúng tôi đã làm 1 việc tốt cho gia đình và xã hội.”
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hoàn cùng lãnh đạo Phòng giáo dục – đào tạo huyện kiểm tra mô hình” tiếng trống báo học” ở xã Kỳ Sơn. Duy trì từ nhiều năm nay, Tiếng trống báo học đã trở thành nét văn hóa quen thuộc vào mỗi buổi tối, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân xã Kỳ Sơn. Để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, UBND xã Kỳ Sơn đã phối hợp cùng Ban giám hiệu các nhà trường, tiến hành kiểm tra đột xuất ý thức học tập của học sinh ở các thôn, xóm. Ban giám hiệu và các thầy cô giáo sẽ đôn đốc, nhắc nhở các cháu còn ham chơi, xem ti vi chưa ngồi vào bàn học. Cứ thế, phong trào học tập của xã ngày một phát triển sôi nổi, kết quả học tập nâng lên rõ rệt. Xuất hiện nhiều hơn những học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, nhiều học sinh đỗ đạt qua các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, nhiều học sinh đỗ điểm cao vào các trường đại học, cao đẳng.
Chất lượng giáo dục của xã Kỳ Sơn luôn nằm tốp đầu của huyện, có thể nói đây là một đất học của vùng trên Kỳ Anh. Để có được chất lượng giáo dục cao như vậy là do hội tụ của nhiều yếu tố. Đó là nhờ nhận thức về giáo dục của người dân cao, nhờ ý thức của học sinh, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là nhờ vào đội ngũ cán bộ quản lý của các nhà trường, đây có thể nói là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Cùng với vai trò thực tiễn của mô hình ” Tiếng trống báo học” nên chất lượng giáo dục của xã Kỳ Sơn luôn nằm trong tốp đầu ở huyện Kỳ Anh.
“Tiếng trống báo học” vang lên mỗi tối đã góp phần quan trọng tạo nên nền nếp và ý thức học tập trong mỗi học sinh, từ đó hình thành thói quen tự giác học tập của các em. Mô hình “Tiếng trống báo học” có thể không còn mới đối với nhiều địa phương, nhưng để duy trì và phát huy hiệu quả như ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh thì không phải địa phương nào cũng làm được.
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục luôn là nỗi trăn trở của ngành giáo dục và toàn xã hội. Theo đó, đã có nhiều giải pháp được các địa phương đưa ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Mô hình “Tiếng trống báo học” cũng là một cách làm hay góp phần nâng cao ý thức học tập trong toàn xã hội.