Lý do, “người được lấy phiếu tín nhiệm phải hội tụ hai yếu tố: một là phải thuộc 49 chức danh quy định như trong nghị quyết của Quốc hội; hai là người giữ chức danh đó phải đủ một năm công tác trở lên. Dự kiến Quốc hội sẽ miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi lấy phiếu tín nhiệm, như vậy đương nhiên đồng chí Vương Đình Huệ không phải lấy phiếu nữa, đồng chí nào được phê chuẩn vào chức danh này cũng không đủ điều kiện lấy phiếu” – ông Phúc giải thích.
Ông Phúc cho biết những vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm như khai thác bôxit, các dự án thủy điện, vấn đề quản lý vàng… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có các báo cáo liên quan để gửi tới đại biểu Quốc hội.
Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 5 ngày 20-5 và dự kiến bế mạc ngày 22-6. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, một nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác.
Quốc hội sẽ nghe, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về các nội dung này…
“Đây là kỳ họp có nhiều vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm như dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, kỳ họp thứ 5 sẽ là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 49 chức danh lãnh đạo” – ông Phúc bình luận.
Người phát ngôn của Quốc hội cũng đề nghị báo chí tích cực phối hợp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan các hoạt động của kỳ họp đến nhân dân.
Ngoài hai ngày rưỡi Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, nhiều phiên làm việc có nội dung quan trọng khác sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi. Tổng thời gian phát thanh, truyền hình trực tiếp là 9 ngày.
Lê Kiên/Tuoitre
GDVN