"Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại". Câu này có trong tục ngữ nước ta để nói về sự nhân ái, rộng lượng trước sự ăn năn, hối cải của người phạm sai lầm.
Có cái sự rộng lượng đấy là bởi "nhân chi sơ tính bản thiện" (đạo lý ghi trong Tam Tự Kinh) hàm nghĩa con người ta sinh ra vốn như tờ giấy trắng, bản tính là thiện, chỉ vì khi lớn lên do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao, nếu không biết chế ngự thì cái sự tham lam vì thế cũng sẽ nhân lên đến vô chừng vô lượng, thậm chí thành kẻ sát nhân chỉ vì hám lợi.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng khóc trước tòa xin tại ngoại. Ảnh: PHẠM DŨNG |
Luận giải một chút như thế để thấy vì sao dân chúng chỉ thêm phẫn nộ chứ không rộng lượng nổi với những giọt nước mắt rơi trước vành móng ngựa của Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma, cho dù bị cáo này bày tỏ rằng đã mất tất cả sau 2 năm rưỡi bị tạm giam, mong được trở về phục vụ tốt cho xã hội, được tại ngoại để chăm lo cho bố mẹ và vợ đang mang thai.
Có thực Hùng ăn năn hối cải sau những phi vụ vì hám lợi mà cam tâm tuồn thuốc giả vào để rồi người bệnh không chỉ phải còng lưng gom những đồng tiền mồ hôi nước mắt chi trả cho gía thuốc cao ngất ngưỡng mà có người còn phải âm thầm chết oan uổng? Có thực là Hùng muốn chăm lo cho bố mẹ và vợ đang mang thai?
Nhiều người không tin nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma biết thương bố mẹ và vợ con như thế. Bởi lẽ, nếu biết thương yêu thì còn nặng tình người, làm sao mà có thể ra tay độc ác như đã làm? Cho nên, nếu còn một chút liêm sĩ, bị cáo Nguyễn Minh Hùng nên chứng minh bằng việc khai rõ hơn những kẻ đã bao che, tiếp tay trong nhóm lợi ích của mình để qua đó góp một phần vào việc ngăn chặn tội ác. Đấy mới chính là sự ăn năn hối cải và dư luận trong chờ điều đó hơn là những lời ta thán hay những giọt nước mắt… "cá sấu". Khóc lóc làm gì, xấu hổ lắm!
Dân chúng cũng tin các vị quan tòa công minh xét xử, không mềm lòng vì những giọt nước mắt của kẻ bất lương.
Dân chúng cũng mong vị bộ trưởng của ngành y tế nhân dịp lên án các vụ tấn công thầy thuốc thì cũng chứng minh trách nhiệm và lương tâm của mình bằng việc hãy ra tay "quét rác" để những viên thuốc đến tay người bệnh bớt đi những sự "ô nhiễm".
Nếu ngành y tế chỉ trông chờ vào sự can thiệp của các cơ quan luật pháp mà không tự "tẩy rửa" thì dân chúng khó đặt trọn niềm tin và sẽ càng khó để ngăn chặn các vụ tấn công thầy thuốc.
Tác giả: Lương Duy Cường
Nguồn tin: Báo Người lao động