Tin Hà Tĩnh

Khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Tiền thuế không đủ bù đắp môi trường?

Là một chuyên gia kinh tế trong nhóm tư vấn chính thức về phát triển bền vững cho Hà Tĩnh, khi nhắc đến dự án (DA) khai thác mỏ sắt Thạch Khê, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu tiếp tục DA, vấn đề môi trường của thành phố Hà Tĩnh sẽ không được đảm bảo.

Công trường mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: Hùng Hải.

Được biết, mỏ sắt Thạch Khê đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài khảo sát nhưng đến nay đã dừng lại trong khi hai bộ: Công Thương - KH&ĐT đang “va nhau” về quan điểm có cho khởi động lại dự án không. Ông bình luận gì về điều này?

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện cách đây khoảng nửa thế kỷ. Các nhà lãnh đạo thời bấy giờ là những người rất tha thiết muốn làm sắt thép lớn ở Việt Nam, và chúng ta đã hợp tác với nhiều nước.

Trước là chuyên gia của Liên Xô cũ khảo sát mỏ sắt Thạch Khê. Sau đó, khi đổi mới, chúng ta bắt đầu mở cửa đầu tư nước ngoài thì hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức. Nước này đã bỏ ra 7 triệu Mark để tài trợ đầu tư lớn nhất về sắt thép liên kết với Cty của Nhật Bản khảo sát từ năm 1992 đến 1994.

Lúc đó, chúng ta thỏa thuận để họ khảo sát, sản xuất quặng sắt bán đi trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng giá quặng sắt rẻ, hàm lượng thiếc trong sắt nhiều, không có lãi nên họ dừng lại. Sau đó, một vài dự án tiếp theo được Chính phủ cho phép như hợp tác với Malaysia nhưng họ không làm.

Đầu thế kỷ này, một Cty nhỏ của Đài Loan, hoạt động tại Đồng Nai xin khảo sát lại. Họ thuê kỹ sư của Trung Quốc vào khảo sát hằng năm ở Thạch Khê và khẳng định là khai thác được. Cty này xin Hà Tĩnh khai thác và làm dự án lớn về gang thép; đồng thời chào hàng cho Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.

Cuối cùng họ mời được Formosa vào để đầu tư vào Hà Tĩnh. Khi đầu tư ở Hà Tĩnh, Formosa đi theo một hướng khác vì thấy khai thác mỏ sắt Thạch Khê rất khó khăn. Formosa nhập toàn bộ quặng từ các nước để sản xuất thép ở Việt Nam với quy mô 9 đến 10 triệu tấn sắt thép/năm, một trong những dự án lớn nhất của ASEAN.

Tôi muốn nói lịch sử như vậy để biết nhờ có sắt thép Thạch Khê nên mới có DA Formosa. Sau khi dự án Formosa ra đời, Cty cổ phần do Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam cùng Tổng Cty khoáng sản Hà Tĩnh và 4-5 cổ đông nữa thành lập Cty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Năm 2006, Cty này bắt đầu khởi công, sau đó dừng lại. Cho đến bây giờ, theo tôi biết thì không tiến hành nữa.

GS.TSKH Nguyễn Mại.

Được biết, ông từng là người đã tham gia nhóm tư vấn cho Hà Tĩnh trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Ông đánh giá thế nào về những nguy cơ có thể xảy ra với Hà Tĩnh nếu dự án được khởi động lại?

Không phải chúng ta không muốn khai thác quặng mà do mỏ sắt Thạch Khê tồn tại nhiều vấn đề lớn phải cân nhắc. Nói về DA này, cần phải tiếp cận theo hai quan điểm. Thứ nhất có cần khai thác quặng sắt trong năm 2017 và những năm tiếp theo hay không?

Các chuyên gia đã nói với Hà Tĩnh rằng nếu chọn được những hướng đi mới tốt hơn, thích ứng hơn với thế giới hiện đại về công nghiệp, về nông nghiệp cao, về du lịch, dịch vụ thì không khai thác quặng sắt là tốt nhất. Phương án tốt nhất là Hà Tĩnh chọn hướng đi không cần khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Hướng đi ấy hoàn toàn khả thi.

Thứ 2, mỏ sắt Thạch Khê còn cả tá vấn đề chưa giải quyết được như phương án khai thác lộ thiên hay hầm lò. Phương án chủ đầu tư đưa ra là khai thác lộ thiên, đào sâu xuống hàng trăm mét trên diện tích hàng ngàn hécta. Chúng ta thử tưởng tượng nằm rất gần thành phố Hà Tĩnh, với một độ sâu như vậy, chiều rộng như vậy, gần biển như vậy thì an ninh cho cả thành phố, cho cả hàng chục vạn người sẽ như thế nào? Đó là điều không ai đảm bảo. Tất cả những đánh giá tác động môi trường dù có làm tốt nhất thì cũng không thể đảm bảo được những gì đã xảy ra khi chúng ta có một cái hố lớn như vậy.

Hiện mới khai thác trên 1 triệu tấn thép và độ sâu chưa nhiều mà đã bắt đầu có hiện tượng nước ngầm, nước ngọt của vùng đó bị ảnh hưởng. Người dân xung quanh phải ăn chung với cát, rất khổ sở. Về chất thải, chủ đầu tư dự định làm một cảng ra biển để lấp biển. Dưới biển bao nhiêu tài nguyên, lấp biển có ảnh hưởng tới môi trường hay không? Đây là câu chuyện chưa ai bàn bạc kĩ.

Tiền thuế không đủ bù đắp môi trường

Ông đánh giá như thế nào khi Bộ Công Thương có đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án đi vào khai thác trong năm 2017?

Nhà đầu tư cho rằng, DA mỏ sắt Thạch Khê có khả năng một vốn bốn lời. Nhưng về mặt kinh tế, môi trường, thuế tài nguyên vào đây có xứng đáng để bù đắp với thiệt hại về môi trường, thiệt hại của dân cư, cộng đồng người dân Hà Tĩnh nói riêng và lợi ích nhà nước, dân tộc nói chung hay không? Đây là câu chuyện không ai giải đáp được.

Về mặt công nghệ, nhiều nước từ lâu tới nay đã thực hiện đóng cửa, đóng mỏ. Ví dụ, ở Dortmund - thủ phủ gang thép lớn nhất của CHLB Đức đã đóng cửa. Các nhà máy gang thép đều đã chuyển sang làm dịch vụ. Người ta dám hy sinh như vậy vì đây là ngành gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Quan điểm của tôi, tốt nhất sau khi tính toán các khả năng, thà rằng đưa ra một quyết định có lợi nhất cho đất nước trong năm 2017, còn hơn là chúng ta nhì nhằng cho khai thác tiếp để rồi gây ra hậu quả. Nếu không cho dừng lại, đến năm 2020, rồi chúng ta cũng sẽ lại phải xem lại và đưa ra một quyết định là phải dừng DA. Tôi cho rằng, đây là thời điểm dừng lại thích hợp nhất và mong Chính phủ lắng nghe từ nhiều phía trước khi ra quyết định.

Về mặt kinh tế, môi trường, thuế tài nguyên vào đây có xứng đáng để bù đắp với thiệt hại về môi tường, thiệt hại của dân cư, cộng đồng người dân Hà Tĩnh nói riêng và lợi ích nhà nước, dân tộc nói chung hay không? Đây là câu chuyện không ai giải đáp được”.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài

Tác giả: NGỌC LINH - NGUYỆT MINH

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP