Kinh tế

Mỏ sắt Thạch Khê: Nếu chưa làm, không nên làm...

Chuyên gia cho rằng, với mỏ sắt Thạch Khê không nên lấy lý do không có vốn để khai thác để dừng dự án. Vấn đề đặt ra là khai thác có lợi về mặt kinh tế, xã hội, môi trường hay không...

Máy móc khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê đứng phơi sương gió 10 năm nay.

Như Dân trí đưa tin, mới đây, ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương phản hồi cho rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện.

Trái chiều đề xuất dừng hay tái khởi động

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm. Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.

Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng;...

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại cho rằng, cần phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.

Trao đổi về vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, cách đây 20 năm, từ năm 1993-1994, khi Chính phủ cho hãng khai khoáng lớn nhất của Đức và Nhật Bản vào thăm dò và khai thác nhưng sau đó họ ngừng và không khai thác vì cho rằng không có hiệu quả do hàm lượng thiếc trong sắt rất cao.

Sau đó, tập đoàn của Đài Loan lại được Hà Tĩnh cho vào thăm dò và họ khẳng định có hiệu quả, xin khai thác và làm thép ở Hà Tĩnh nhưng sau khi họ kéo được Formosa vào Hà Tĩnh, Formosa không muốn dùng sắt từ Thạch Khê mà nhập khẩu vì lý do chờ đợi sắt Thạch Khê lâu quá.

"Vấn đề của mỏ sắt Thạch Khê đã cách đây rất lâu rồi. Cách đây khoảng 6 tháng khi nhóm tư vấn của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh lập ra, trong đó có tôi, làm việc với tỉnh, tôi đã trao đổi việc dừng hay làm tiếp cần có những nghiên cứu kỹ khoa học về 4 mặt bao gồm hiệu quả kinh tế, lợi ích doanh nghiệp, vấn đề môi trường và lợi ích cộng đồng dân cư. Cuộc họp tôi đã đề nghị Hà Tĩnh chưa nên có quyết định vội vàng là dừng hay làm mà nên dành thời gian khảo sát", ông nói.

Theo GS Nguyễn Mại, Hà Tĩnh đã mời một số chuyên gia thuộc Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tư vấn và sau cuộc tư vấn đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tờ trình Chính phủ.

Nếu chưa làm, không nên làm...

"Không nên lấy lý do không có vốn để khai thác vì nếu có hiệu quả vay ở đâu chẳng được. Vấn đề đặt ra là khai thác có lợi về mặt kinh tế, xã hội, môi trường hay không. Nếu ai đến hiện trường hiện nay ở các xã gần thành phố Hà Tĩnh rất thảm hại vì cả 1 vùng hoang hoá, cát, hố nước chưa khai thác bao nhiêu nhưng khá sâu. Dân cư 1 ít rời đi nơi khác, 1 số ít chịu đựng hàng ngày càng ăn cơm với cát, nước ngầm chưa khai thác bao nhiêu nhưng có hiện tượng thiếu và sụt giảm", GS Nguyễn Mại cho biết.

GS Nguyễn Mại cho biết, nhiều lãnh đạo cũ qua Hà Tĩnh cho rằng trong điều kiện mới hiện nay, Hà Tĩnh có thể phát triển theo con đường khác đặc biệt như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao hơn.

"Nếu chưa làm, bắt đầu thì tôi đứng về phía không nên làm vì chúng ta có thể làm giàu bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Tĩnh có danh lam thắng cảnh, tâm linh, bờ biển tốt nên có thể phát triển du lịch mạnh. Tuy nhiên, vì làm rồi nên phải tính lợi ích của doanh nghiệp, họ bỏ ra mấy nghìn tỷ, trong đó có một phần của DNNN là TKV, một phần của doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân", ông nói.

Theo ông Mại, nếu chưa lường hết tác hại cứ khai thác không biết hậu quả sẽ ra sao. Còn trong trường hợp, doanh nghiệp vẫn muốn làm nhưng vì nhu cầu của đất nước mà không làm, Chính phủ nên có chính sách trợ cấp đền bù thoả đáng.

"Tôi thiên về tốt nhất bây giờ nếu thực sự rất lo ngại, chưa tính đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nếu làm đầy đủ đánh giá tác động môi trường cũng chưa ai đảm bảo đánh giá ấy là đầy đủ khi triển khai thì Hà Tĩnh nên đi theo con đường khác, tận dụng tài nguyên to lớn nhất là con người, nhân lực đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức lại du lịch sẽ có lợi hơn", ông nói thêm.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP