|
Ai trong chúng ta cũng đã từng có lần chủ tâm đi vào phòng với mục đích nào đó, rồi vào đến nơi lại đứng giữa phòng, gãi đầu, chẳng thể nhớ ra mình định vào làm gì.
Nếu không phải là triệu chứng của một căn bệnh cụ thể, thì việc quên thường liên quan đến việc không nghĩ ngợi nhiều, lười biếng hoặc thậm chí là hơi thiếu thông minh. Nhưng theo báo cáo của một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Trường đại học Toronto, Canada, thì hành động quên – một quá trình phức tạp của bộ não – là một điều tất yếu cho phép chúng ta thu nạp những thông tin mới và cuối cùng là có thể đưa ra những quyết định thông minh hơn.
“Dường như bộ não đầu tư các nguồn lực và năng lượng để cố tình quên đi một số dữ kiện, giúp bạn xóa bỏ những thông tin không còn cần thiết nữa”. Đây là nhận xét của đồng tác giả Blake Richards – Giáo sư dự khuyết của Trường đại học Toronto, ông cũng nói rằng hồi cá ngựa là một trong vùng duy nhất của bộ não tiếp tục sinh ra các tế bào mới sau khi một em bé ra đời.
Suốt một thời gian dài, người ta cho rằng nếu bộ não có sinh ra các tế bào mới trong suốt cuộc đời thì cũng là để ghi nhớ thêm những dữ kiện mới. Tuy nhiên, nhiều năm nghiên cứu gần đây cho thấy điều ngược lại: những tế bào mới sinh ra không phải để tăng khả năng chứa đựng kí ức mà sinh ra để giúp bộ não cập nhật những dữ kiện mới hay có thể nói là để chôn vùi những kí ức cũ không còn cần thiết nữa. Quá trình này được coi là giúp bạn không bị khôi phục lại những mảng thông tin không cần thiết khi loại bỏ những kí ức cũ.
Giáo sư Richard giải thích rằng các mạng nơ-ron hoạt động để các kí ức không tích trữ ở những vùng khác nhau kiểu như tích trữ trên một máy tính. Một kho dữ liệu gần như vô tận cất trong một vùng lưu trữ kí ức có thể khiến chúng ta chậm hoặc nhầm lẫn trong việc gọi ra một dữ kiện cụ thể nào đó. Tốt hơn là nên quên đi những dữ kiện cũ không còn cần thiết, không còn liên quan đến hiện tại nữa.
Bộ não của chúng ta vẫn có khi nhầm những dữ kiện thực sự cần lưu trữ thành những thông tin không còn cần thiết nữa và xóa bỏ. Lấy ví dụ như bạn tự bảo mình phải nhớ đến dự một cuộc họp vừa được thông báo vào phút chót hay nhớ phải ghé qua chợ trên đường về nhà để mua đồ, sau đó lại quên biến, thật là phiền phức.
Thông thường chúng ta không để ý đến quá trình quên đi một dữ kiện. Bộ não thường xóa đi những gì nó xác định là không cần thiết nữa. Nếu chúng ta ghi nhớ tất cả mọi thứ, mà rất ít người làm như vậy, thì rất có thể chúng ta sẽ kém đi trong việc thực hiện các công việc thường ngày, nhưng tất nhiên là nếu bộ não xóa đi thông tin mà chúng ta thực sự cần nhớ thì cũng thật là rắc rối.
Mẹo để giúp bộ não của bạn ghi nhớ thông tin
Tạo ra nhiều mối liên hệ giữa thông tin cần nhớ với các dữ kiện khác: Vậy làm sao để chúng ta không mắc phải những lỗi ngớ ngẩn đó? Trước tiên, điều quan trọng cần phải nhớ là nếu bạn thường xuyên quên như vậy hoặc nếu bạn quên những thông tin vô cùng quan trong/ hoặc rất gần, rất mới đây (như là bạn sống ở đâu, hay là bạn vừa nói chuyện với ai đó sáng nay xong), thì bạn phải đi khám để bác sĩ kiểm tra. Còn với những lỗi quên ít xảy ra hơn hay việc nhỏ nhặt thì mẹo là để não suy nghĩ tạo ra một số mối liên hệ xung quanh cái mà bạn muốn ghi nhớ.
Tiến sĩ, nhà thần kinh học Daniel Franc thuộc Trung tâm sức khỏe Saint John Providence, bang California, nói rằng “Nếu bạn được đưa cho một mẩu thông tin cần ghi nhớ, như là một dãy số hay một địa chỉ, và nó chỉ ở đó chơ vơ không liên kết với thứ gì khác trong cuộc sống của bạn thì bạn sẽ dễ dàng quên ngay. Một cách để bạn có thể tăng cường trí nhớ là liên hệ thông tin cần thiết với những thứ khác trong cuộc sống của bạn, tức là liên kết các mảng kiến thức khác nhau với nhau. Ví dụ bạn có thể liên hệ dãy số cần nhớ kia với các màu sắc. Kiến thức sinh học cơ bản cho chúng ta biết rằng các mảng kiến thức khác nhau tập hợp lại để gắn kết kí ức thành một kho lưu trữ lâu dài. Nếu không có các liên kết, chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi hết.”
Hãy tưởng tượng việc đó bị quên thì sẽ như thế nào – gắn với âm thanh, mùi vị và màu sắc: Tôi kể với Tiến sĩ Franc một thứ tôi thường xuyên quên, đó là hẹn giờ khi tôi nấu nướng. Ông khuyên tôi như sau: Dành 2 – 3 giây và mường tượng điều sẽ xảy ra nếu bạn không đặt hẹn giờ. Hãy nhìn nhận (trong óc) là cái nồi bạn đang nấu bị cháy. Hãy tưởng tượng ra mùi thức ăn cháy. Tạo cho chính mình một hoàn cảnh sinh động cả về thị giác và khứu giác, như thể bạn trải qua sự việc đó chứ không chỉ nhìn vào đồng hồ và tự bảo mình rằng “mình phải nhớ việc này”. Như thế bạn sẽ dễ dàng nhớ được việc cần nhớ. Tiến sĩ Franc bảo tôi rằng “Những người có trí nhớ tốt thực ra đều làm như vậy. Khi họ cần ghi nhớ 15 con số, họ có thể hình dung ra cảnh đi vào một ngôi nhà có nhiều căn phòng khác nhau và gắn mỗi con số với 1 phòng tương ứng, một màu sắc tương ứng hay một âm thanh tương ứng. Nếu bạn nghĩ về các dữ liệu đầu vào bằng các vùng/ miền giác quan khác nhau, bạn hoàn toàn có khả năng đạt được trí nhớ ưu việt như họ.”
Tự kể cho mình một câu chuyện: Tiến sĩ Richards nói rằng mặc dù ông không phải là chuyên gia trong lĩnh vực tâm lí kí ức con người, nhưng ông phát hiện ra rằng xây dựng một câu chuyện bao trùm nhiều chi tiết xung quanh dữ liệu cần nhớ cũng có thể tăng cường trí nhớ. Ghi nhớ từng mẩu thông tin độc lập là rất khó, nhưng nếu một thứ gì đó tạo cảm xúc hay làm bạn ngạc nhiên thì bộ não của bạn sẽ xác định cái đó có tầm quan trọng.
Tăng cường vệ sinh thần kinh (cải thiện chất lượng giấc ngủ): Ngủ ngon mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó có tác dụng rất lớn đối với khả năng ghi nhớ. Tiến sĩ Franc cho biết “Các liên kết trí nhớ dài hạn diễn ra trong khi ngủ. Bất cứ thứ gì làm gián đoạn giấc ngủ đều ảnh hưởng không tốt đến chức năng ghi nhớ. Tôi có những bệnh nhân gặp vấn đề về mất trí nhớ và chúng tôi chữa những rối loạn giấc ngủ cho họ và trí nhớ của họ phục hồi một cách đáng kinh ngạc.”
Tận dụng công nghệ một cách hợp lí: Nhiều người trong chúng ta (kể cả tôi) đôi khi lo lắng rằng mình dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ để ghi nhớ mọi thứ. Lo như vậy cũng phải thôi, bởi vì chúng ta không muốn trở nên lười biếng, không muốn bị mắc kẹt vào tình huống chẳng may bị mất điện thoại di động trong đó lưu một loạt các ghi nhớ và các số điện thoại.
Vậy khoa học thần kinh quan niệm thế nào về việc này? Theo Tiến sĩ Franc, có nhiều thứ đáng để chúng ta lo hơn, và chúng ta nên tận dụng nắm giữ bộ nhớ ngoài mà công nghệ cung cấp, như là lưu danh bạ điện thoại và nhắc việc. Chúng ta nên để công nghệ hỗ trợ, tạo cơ hội để chúng ta học những thứ mới hơn và quan trọng hơn và sử dụng bộ não của mình vào những việc mang tính sáng tạo hơn. Nhờ suy nghĩ về những việc mang tính sáng tạo hơn, chúng ta có cơ hội được tận hưởng những giây phút ở hiện tại, đánh giá xem có cách nào để trở nên linh hoạt hơn và dễ thích ứng hơn với các tình huống trong cuộc sống. Sau cùng là khi chúng ta không ghi nhớ hết tất cả mọi việc nhỏ nhặt diễn ra trong những ngày đã qua thì cũng là cơ hội để chúng ta quên đi được kha khá những thứ không cần thiết cho những ngày sắp tới trong cuộc đời mình.
Tác giả: Phạm Hường
Nguồn tin: Báo Dân trí